• 41 & 51 Nguyễn Huệ, Phường Vĩnh Ninh, TP Huế
Cấp cứu 24/7
(0234)3837777
Hotline
0962871919
Phòng TC-HC
(0234)3847146

Tim mạch

Những dấu hiệu gợi ý rằng máy tạo nhịp của bạn có thể không hoạt động tốt, hoặc bạn có thể bị các biến chứng như nhiễm trùng, huyết khối bao gồm:

  • Khó thở, hụt hơi
  • Chóng mặt
  • Choáng váng
  • Ngất
  • Mệt mỏi kéo dài
  • Sưng, phù tay phía cấy máy
  • Đau ngực
  • Nấc cụt kéo dài
  • Sốt
  • Đau, sưng, nóng, đỏ ở vị trí cấy máy tạo nhịp

Bạn cần liên hệ với bác sĩ của bạn hoặc đi khám tại các bệnh viện có chuyên khoa tim mạch càng sớm càng tốt để được khám và tư vấn nếu bạn gặp bất kỳ vấn đề nào trong số này sau khi cấy máy tạo nhịp tim.

Bạn sẽ sớm cảm thấy trở lại bình thường sau cấy máy, hoặc thậm chí là tốt hơn do máy tạo nhịp giúp giải quyết các triệu chứng do nhịp chậm. Tuy nhiên, cần có một số lưu ý.

Hạn chế đưa tay phía cấy máy lên cao trong 4 đến 6 tuần sau cấy máy. Điều đó có nghĩa là cần hạn chế các động tác như phơi quần áo hoặc nâng vật nào đó từ kệ cao chẳng hạn.

Nhưng điều quan trọng là phải giữ cho cánh tay phía cấy máy chuyển động nhẹ nhàng để tránh cứng khớp, teo cơ.

Thông thường, bạn sẽ có thể làm tất cả những điều bạn muốn sau khoảng 4 tuần.

Thời gian bạn cần nghỉ làm việc sẽ tùy thuộc vào công việc của bạn. Bác sĩ của bạn thường sẽ có thể tư vấn cho bạn về điều này.

Thông thường, những người được cấy máy tạo nhịp được khuyên nên nghỉ làm trong khoảng một tuần.

Những tài xế lái xe, chẳng hạn như tài xế xe buýt và xe tải, sẽ cần đợi sau 6 tuần để có thể lái xe trở lại.

Nếu tình trạng vết mổ cũng như hoạt động của máy bình thường, bạn có thể bắt đầu lái xe trở lại sau 1 - 2 tuần miễn là:

Bạn không có bất kỳ triệu chứng như xoàng đầu, chóng mặt, choáng váng hoặc hoặc ngất sau đặt máy, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến việc lái xe.

Cần tái khám, lập tình máy tạo nhịp định kỳ.

Không bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc phẫu thuật tim trong thời gian gần đây

Trong trường hơp bạn lái xe tải trọng lớn hoặc xe chở hành khách, cần phải đợi 6 tuần sau khi cấy máy để máy được cố định ổn định trong cơ thể trước khi bắt đầu lái xe trở lại.

Ở Việt Nam, hầu hết các bệnh nhân có thể xuất viện sau đặt máy 5 – 7 ngày khi vết mổ khô và không xuất hiện biến chứng. Bạn sẽ được được cắt chỉ vết mổ (nếu có) trước khi xuất viện. Nên có ai đó đón bạn từ bệnh viện và đưa bạn về nhà vì chưa thể tự lái xe ngay tại thời điểm đó. Trước khi xuất viện, bạn sẽ được lập trình máy tạo nhịp và phát 01 sổ theo dõi máy tạo nhịp tim, trong đó có thông tin chi tiết về loại máy, hãng sản xuất và tình trạng hoạt động của máy. Cần mang theo sổ trong những lần tái khám và lập trình máy.

Bạn có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu trong 48 giờ đầu tiên sau khi cấy và bạn sẽ được cho dùng thuốc giảm đau.

Cũng có thể có một số vết bầm tím ở nơi cấy máy tạo nhịp tim. Điều này thường hết sau vài ngày đến vài tuần

Tuy nhiên bạn cần báo cho các bác sĩ biết nếu các triệu chứng này kéo dài hoặc đau nhiều, hoặc bất cứ khi nào bạn thấy có dấy hiệu bất thường.

Ngay sau cấy máy tạo nhịp, bạn sẽ được cho nằm nghỉ ngơi tại giường và được gắn thiết bị theo dõi nhịp tim (monitor) với màn hình hiện thị các chuyển đạo điện tim, tần số tim, huyết áp và độ bão hòa oxy để đội ngũ y tế có thể theo dõi nhịp tim của bạn. Thiết bị này được kết nối với cơ thể bằng các patch miếng dán điện cực dán trên thành ngực.

Sau cấy máy tạo nhịp, ban cũng sẽ được đo ECG 12 chuyển đạo, chụp X quang ngực và siêu âm tim để kiểm tra tình trạng tim phổi, cũng như vị trí của máy tạo nhịp tim và các dây điện cực.

Sau khi xuất viện, bạn cũng sẽ được theo dõi nhịp tim khi tái khám định kỳ bằng bằng thiết bị lập trình máy tạo nhịp.

Bệnh nhân suy tim thường được chỉ định điều trị với tương đối nhiều loại thuốc với liệu trình điều trị phức tạp và cần theo dõi sát nhằm đạt được hiệu quả tối ưu. Cần uống thuốc đều theo đơn. Không tự ý ngừng thuốc hoặc thay đổi liều lượng nếu không có chỉ dẫn của bác sỹ. Nên uống thuốc vào các giờ nhất định tuỳ theo công việc hay hoạt động để tránh quên thuốc. Cần nhớ các thuốc chữa suy tim không phải là thuốc bổ, không thể tự thay đổi liều. Rất nhiều người tự ý ngừng một loại thuốc chỉ vì khó uống (như thuốc kali) hoặc tự tăng liều vì coi đó là thuốc trợ tim (như digoxin) mà không biết rằng bác sỹ đã phối hợp các thuốc với liều tối ưu để tránh biến chứng và hạn chế tối đa tác dụng phụ. Không ít người đã tử vong vì những sự tự ý như vậy.

Tùy thuộc mức độ, giai đoạn và biểu hiện của tình trạng suy tim mà bệnh nhân cần các loại thuốc điều trị với các liều lượng, cách dung khác nhau. Các thuốc điều trị suy tim có thể gây ra các tác dụng phụ, các phản ứng có hại và thậm chí gây nguy hiểm nếu không được sử dụng đúng thuốc và đúng liều lượng.

Người nhà bạn do ngưng thuốc điều trị, hiện tại có một số biểu hiện của tình trạng suy tim mất bù, tình trạng suy tim có dấu hiệu tiến triển nặng hơn nên lời khuyên là cần đi khám để được các bác sĩ tư vấn và chỉ đinh các thuốc điều trị với liều lượng và cách dung phù hợp.

Chụp mạch vành qua da là một kỹ thuật dùng một loại ống thông nhỏ (catheter) đi theo đường động mạch tới lõ vào của động mạch vành, qua đó bơm thuốc cản quang để thấy rõ hình dạng mạch vành trên màn hình tăng sáng, xác định động mạch vành bị hẹp/tắc, vị trí tắc nghẽn và mức độ tổn thương có cần được can thiệp nong và đặt stent hay không. Khi can thiệp mạch vành, cũng qua ống thông can thiệp tương tự đưa một bóng nhỏ vào lòng động mạch vành bị tắc rồi nong và đặt Stent (giá đỡ) để làm tái thông dòng máu. Trái với phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành cần mở lồng ngực, can thiệp động mạch vành có thể thực hiện chỉ bằng cách mở một lỗ nhỏ trên da để đưa catheter vào động mạch ở đùi hay cổ tay. Người bệnh sẽ được gây tê tại vùng chọc nên nhìn chung, thủ thuật này không gây đau hơn một lần lấy máu làm xét nghiệm. Bệnh nhân vẫn luôn tỉnh táo trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật.. Quá trình thực hiện thủ thuật thường được tiến hành trong khoảng 1-2 giờ và phần lớn bệnh nhân có thể xuất viện sớm sau thủ thuật.

Chụp và can thiệp nong, đặt stent động mạch vành qua da giải quyết tình trạng hẹp tắc trong động mạch vành, giúp tưới máu cho cơ tim tốt hơn trong mọi điều kiện hoạt động gắng sức của bệnh nhân và do đó, cho phép bệnh nhân có thể hoạt động trở lại mà không xuất hiện cơn đau thắt ngực cũng như góp phần hạn chế sự tiến triển của suy tim do bệnh mạch vành. Trong trường hợp nhồi máu cơ tim, cùng với việc điều trị bằng thuốc tối ưu, thủ thuật này là một biện pháp giúp tái tưới máu động mạch vành để hạn chế bớt vùng cơ tim tổn thương do thiếu máu, đồng thời cũng giúp phòng tắc hẹp tái phát, hạn chế cơn đau thắt ngực trở lại.

 

Thông liên nhĩ (TLN) chiếm khoảng từ 5% đến 10% các trêng hợp tim bẩm sinh. Bệnh chủ yếu gặp ở nữ giới: tỷ lệ gặp ở nữ so với nam là 2 so với 1. Đại đa số các bệnh nhân TLN không có triệu chứng cơ năng mà chỉ có các triệu chứng lâm sàng rất kín đáo do đó thường bị bỏ sót chẩn đoán cho đến tuổi trưởng thành.

Đối với các trường hợp TLN không được điều trị triệt để, các bệnh nhân sẽ dần dần có các triệu chứng lâm sàng. Lâu dài các bệnh nhân sẽ biểu hiện các dấu hiệu của sự quá tải buồng tim phải như rối loạn nhịp nhĩ (tăng dần nguy cơ theo tuổi của bệnh nhân), tăng áp động mạch phổi và tăng sức cản mạch phổi, cuối cùng hậu quả tất yếu là dẫn đến suy tim xung huyết. Việc tồn tại lỗ thông liên nhĩ cũng là một yếu tố thuận lợi dẫn đến tắc mạch nghịch thuờng.

Các phương pháp điều trị bao gồm: nội khoa, ngoại khoa và thông tim can thiệp (bít lỗ thông liên nhĩ bằng dụng cụ qua da)

·         Điều trị nội khoa: được áp dụng cho các bệnh nhân chưa có chỉ định mổ hoặc quá giai đoạn chỉ định mổ.

·         Điều trị ngoại khoa: mổ vá lỗ TLN dưới trợ giúp của máy tim phổi nhân tạo.

·         Can thiệp bít lỗ thông liên nhĩ: khi thông tim phải, người ta bít lỗ TLN bằng 1 thiết bị đặc biệt (giống chiếc ô nhỏ): chỉ định đối với TLN lỗ thứ phát, các loại TLN khác (lỗ thứ nhất, xoang TM, xoang vành...) không bít được bằng dụng cụ qua da.

Nếu lỗ TLN đóng sớm thì thường sẽ khỏi hẳn. Chỉ cần theo dõi và khám định kỳ trong khoảng 3 năm. Các buồng tim sẽ nhỏ lại, áp lực ĐM phổi sẽ dần về bình thường. Đóng lỗ càng muộn thì các thay đổi về cấu trúc và huyết động càng chậm hồi phục.

Cà phê đã được chứng minh có nhiều lợi ích như: giảm nguy cơ mắc đái tháo đường typ 2; sỏi mật; ung thư đại tràng; giảm nguy cơ tổn thương gan ở những bệnh nhân bị bệnh gan; làm tăng khả năng nhận thức… nếu được sử dụng với lượng vừa phải (1 vài cốc)

Tuy nhiên, Trong thành phần của café có cafein là một chất gây nghiện mức độ nhẹ. Sử dụng quá nhiều café có thể gây ra hồi hộp, bồn chồn, run tay chân cho một số người. Mặt khác, cafein làm tăng tần số tim, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, có thể ảnh hưởng đến tình trạng suy tim. Do vậy cần hạn chế sử dụng cà phê ở những bệnh nhân suy tim.

Tùy mức độ suy tim mà có chế độ nghỉ ngơi, tập luyện khác nhau. Bệnh nhân suy tim nhẹ với nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch vẫn cần tập luyện thể lực nhưng không được gắng sức nặng hay thi đấu thể thao. Một số lợi ích của tập luyện thể lực có thể kể đến như:

  • Giúp kiểm soát cân nặng hợp lý.
  • Ổn định huyết áp và nhịp tim.
  • Ổn định đường huyết và mỡ máu.
  • Giúp thư giãn và cải thiện sức khỏe.

Tuy nhiên, khi suy tim nặng hơn cần hoạt động nhẹ hơn và trong trường hợp suy tim rất nặng thì phải nghỉ tại giường theo tư thế nửa nằm nửa ngồi.

Suy tim có thể có nhiều biểu hiện khác nhau; trong đó khó thở khi làm việc nặng có thể là một trong những dấu hiệu gợi y. Tuy nhiên không phải cứ khó thở khi làm việc nặng là có suy tim, bởi nhiều khi rất khó khăn để phân biệt được chính xác nguyên nhân của các dấu hiệu trên là do suy tim hay do bệnh ở phổi hoặc do tình trạng khác.

Suy tim thường là hậu quả của nhiều bệnh tim gây ra, vì thế. Các bác sỹ cần hỏi kỹ tiền sử bệnh, tìm các dấu hiệu của suy tim như phù mắt cá chân, dùng ống nghe để nghe tiếng tim hoặc phát hiện tình trạng sung huyết phổi. Nhiều xét nghiệm (ECG, siêu âm tim, X quang phổi, BNP, NT-proBNP…) được dùng để khẳng định chẩn đoán, tìm nguyên nhân gây ra suy tim và đánh giá mức độ nặng của bệnh.