Các chính sách khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Trường ĐH Y-Dược Huế
1. Các trường hợp người bệnh có BHYT trên địa bàn tỉnh khám, chữa bệnh đúng tuyến tại Bệnh viện Trường ĐHYD Huế
Đối với người bệnh có BHYT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, sẽ có các trường hợp:
- Thứ nhất: Trường hợp thẻ BHYT ghi rõ nơi đăng ký khám bệnh ban đầu tại Bệnh viện Trường ĐHYD Huế thì khi khám bệnh và điều trị nội trú tại Bệnh viện sẽ được hưởng đúng phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định.
- Thứ hai: Trường hợp thẻ BHYT có nơi đăng ký khám bệnh ban đầu ở bất kỳ cơ sở y tế nào trên địa bàn tỉnh TT Huế (không phải là Bệnh viện Trường ĐHYD Huế) thì theo quy định của chính sách thông tuyến tỉnh, kể từ ngày 01/01/2021 người bệnh khi điều trị nội trú tại Bệnh viện sẽ được hưởng như đúng tuyến mà không cần phải có giấy chuyển tuyến, còn khi đi khám bệnh ngoại trú vẫn phải xin giấy chuyển tuyến thì mới được hưởng như quy định trước đây.
- Thứ ba: Trường hợp người bệnh có phiếu hẹn khám lại tại các phòng khám của Bệnh viện Trường thì khi đi khám bệnh sẽ được hưởng đúng phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT theo quy định.
2. Chính sách BHYT không đúng tuyến
Quy định thông tuyến tỉnh nội trú về khám chữa bệnh BHYT quy định cho người tham gia bảo hiểm y tế khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.
Vì vậy, đối với người bệnh có thẻ BHYT cư trú ở bất kỳ tỉnh thành nào khi điều trị nội trú tại Bệnh viện Trường ĐHYD Huế đều được quyền lợi như đúng tuyến mà không cần phải có giấy chuyển tuyến, căn cứ trên tình trạng bệnh cần nhập viện để điều trị nội trú.
3. Các quyền lợi của người có BHYT khi đi khám, chữa bệnh ngoại trú tại Bệnh viện Trường ĐHYD Huế
- Trường hợp người bệnh là người lao động đến khám BHYT ngoại trú, cha hoặc mẹ đưa con (dưới 07 tuổi) đi khám, xin cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì đăng ký xin cấp giấy chứng nhận theo mẫu quy định (GCN-PL7) ngay tại phòng khám chuyên khoa đó. Trong trường hợp này, người lao động cần cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin của cơ quan, đơn vị đang quản lý, sử dụng lao động; thông tin hành chính của bản thân hoặc cha/ mẹ đưa con đi khám.
- Một lần khám chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để bác sĩ tại phòng khám xem xét quyết định.
- Trường hợp người lao động trong cùng một thời gian được hai chuyên khoa trở lên của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau khám và cùng được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì chỉ được hưởng một trong những giấy chứng nhận có thời gian nghỉ dài nhất.
- Trường hợp người lao động khám nhiều chuyên khoa trong cùng một ngày tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với nhiều bệnh khác nhau thì chỉ cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và được giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với bệnh có chế độ cao nhất.
- Trường hợp người bệnh điều trị bệnh lao theo Chương trình Chống lao Quốc gia thì thời gian nghỉ tối đa không quá 180 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
- Trường hợp người lao động bị sẩy thai, phá thai, nạo, hút thai, thai chết lưu mà tuổi thai từ 13 tuần tuổi trở lên thì thời gian nghỉ tối đa theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội nhưng không quá 50 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
4. Một số trường hợp không được hưởng BHYT dù đúng tuyến khi đi khám tại Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Huế
- 1. Chi phí trong trường hợp đã được ngân sách nhà nước chi trả.
- 2. Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng.
- 3. Khám sức khỏe.
- 4. Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị.
- 5. Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ.
- 6. Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ.
- 7. Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi.
- 8. Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.
- 9. Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa.
- 10. Khám bệnh, chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác.
- 11. Giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
- 12. Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.
5. Người bệnh có đóng BHXH nhưng bộ phận BHXH không in thẻ BHYT thì cần làm gì khi đi khám, chữa bệnh BHYT?
Người bệnh đi khám chữa bệnh có thể xuất trình ảnh thẻ BHYT trên app VSSID ở điện thoại thông minh hoặc sử dụng căn cước công dân có gắn chip (đã tích hợp thông tin BHYT) để đăng ký phiếu khám bệnh BHYT tại Bệnh viện Trường ĐHYD Huế.
6. Cách đăng ký BHYT ở Bệnh viện Trường ĐHYD Huế
Bệnh viện Trường Đại học Y- Dược Huế là bệnh viện đa khoa hạng I nên không thuộc danh sách các cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của BHYT (trừ một số trường hợp theo quy định). Nếu muốn sử dụng dịch vụ BHYT ở Bệnh viện Trường ĐHYD Huế, bạn có thể đăng ký mua BHYT tại UBND phường, xã nơi cư trú và đăng ký khám chữa bệnh tại cơ sở y tế ghi trên thẻ BHYT, trường hợp nếu vượt quá khả năng chuyên môn, cơ sở y tế sẽ viết giấy chuyển tuyến cho bạn đến Bệnh viện Trường ĐHYD Huế để được khám hưởng BHYT.
7. Thời gian làm việc tại Bệnh viện Trường ĐHYD Huế
Bệnh viện Trường ĐHYD Huế khám ngoại trú BHYT từ thứ 2 đến thứ 6 (buổi sáng từ 7h – 11h30, buổi chiều từ 13h30 – 17h) tại quầy Đón tiếp bệnh nhân BHYT; Khám ngoại trú theo yêu cầu từ thứ 2 đến sáng thứ 7, người bệnh đăng ký phiếu khám tại quầy Thu viện phí tầng 1 nhà H (trừ bệnh nhân thuộc chuyên khoa Ngoại Tiết Niệu và Ngoại Thần kinh vào sáng thứ 7).