• 41 & 51 Nguyễn Huệ, Phường Vĩnh Ninh, TP Huế
Cấp cứu 24/7
(0234)3837777
Đường dây nóng
0962871919

Phục hồi chức năng

Chào bạn,

Nếu bạn bị đứt dây chằng chéo trước hoàn toàn, giải pháp tốt nhất là phẫu thuật tái tạo để đảm bảo chức năng của dây chằng chéo, phòng tránh các tổn thương khớp gối về sau.

Sau phẫu thuật, bạn sẽ được các kỹ thuật viên phục hồi chức năng tư vấn các bài tập phù hợp theo các giai đoạn tăng tiến dần. Nếu không có điều kiện, bạn có thể tham khảo thực hiện các bài tập sau mổ cho tuần thứ 1 và 2 như sau:

  • Bài tập bơm cổ chân
  • Bài tập di động xương bánh chè
  • Bài tập trượt gót
  • Bài tập gồng cơ tứ đầu
  • Bài tập nâng thẳng chân
  • Bài tập dạng chân ở tư thế nằm nghiêng
  • Ngồi dậy và trợ giúp gập gối với chân lành
  • Bài tập duỗi gối
  • Tập đi lại với nạng với dáng đi ba điểm, chịu một phần trọng lượng

Bạn có thể tham khảo các bài tập này trên kênh Youtube

 

Chào bạn,

Mẹ bạn đã lớn tuổi, có đau khớp gối hai bên, nguyên nhân thường gặp nhất có thể do thoái hóa khớp gối. Hiện vẫn chưa có phương thuốc nào chứng minh có thể điều trị bệnh này hiệu quả. Các loại thuốc thường dùng chỉ có tác dụng giảm đau ngắn hạn. Điều quan trọng là đừng làm khớp gối bị chịu quá tải và phòng ngừa các biến chứng thứ phát.

Sau đây là một số ý kiến tư vấn:

  • Bạn có thể giúp mẹ giảm đau với các phương pháp vật lý đơn giản như chườm lạnh hoặc chườm nóng, hay thậm chí châm cứu.
  • Cần giữ tư thế đúng, tránh chêm gối dưới đầu gối vì dẫn đến co rút gập gối.
  • Thay đổi hoạt động để giảm lực đè ép lên khớp gối. Tránh đứng lâu, leo cầu thang, quỳ, gập đầu gối quá mức như ngồi xổm.
  • Mẹ bạn nên có các khoảng thời gian nghỉ hợp lý trong ngày
  • Có chế độ ăn uống vận động hợp lý để giảm cân, nếu mẹ bạn có thể tạng mập.
  • Tập luyện để đảm bảo các cơ quanh gối được mạnh khoẻ, giúp giữ vững khớp gối khi đi lại.
  • Trường hợp đau nhiều, có thể sử dụng các dụng cụ trợ giúp đi lại, như gậy hoặc khung tập đi, hoặc đeo các nẹp bảo vệ khớp gối.
  • Xem xét thay đổi, điều chỉnh môi trường nhà nếu cần thiết, chẳng hạn như chuyển sang bệ xí bệt thay vì bệ xí xổm trong nhà vệ sinh.

Chúc bạn và mẹ luôn vui khỏe.

 

 

Chào bạn,

Tình trạng của bạn có thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm C5/C6, phình đĩa đệm C4/C5, có thể bắt đầu bằng dùng thuốc và nên kết hợp các biện pháp vật lý trị liệu, các bài tập phục hồi chức năng và thay đổi lối sống.

Các phương pháp vật lý như điện xung, laser, hồng ngoại, siêu âm có thể giúp bạn giảm đau, căng cơ vùng cổ vai. Nếu phù hợp, bác sĩ có thể chỉ định thêm kéo giãn cột sống cổ bằng máy. Bên cạnh đó, bạn cần tập các bài tập mềm dẻo, mạnh cơ cổ vai theo hướng dẫn của các kỹ thuật viên có kinh nghiệm để có một cột sống cổ khoẻ mạnh, ít bị tái phát. Tốt nhất bạn nên đến khoa phục hồi chức năng để được khám và tư vấn, chỉ định can thiệp phù hợp nhất.

Chào bạn,

Theo bạn mô tả, nhiều khả năng bạn mắc chứng viêm cột sống dính khớp. Để điều trị giảm đau, bạn cần được thăm khám - điều trị với bác sĩ chuyên về nội cơ xương khớp (dùng các thuốc giảm đau và thuốc đặc trị cho loại bệnh này). Ngoài ra, đặc điểm của bệnh là có thể gây dính cột sống và ảnh hưởng đến vận động của cột sống lưng, ngực và cả cột sống cổ. Bạn nên đến khoa phục hồi chức năng để được tư vấn hướng dẫn tư thế đúng, các bài tập làm mềm dẻo và làm mạnh cơ vùng cột sống, cũng như các bài tập lồng ngực và hô hấp. Nếu bạn tuân thủ điều trị tốt, bệnh sẽ chậm tiến triển và chức năng sẽ tốt hơn. Chúc bạn vui khỏe.

Chào bạn,

Điều trị thoát vị đĩa đệm có thể bắt đầu bằng điều trị nội khoa với thuốc và vật lý trị liệu và/hoặc y học cổ truyền. Trường hợp của bạn thoát vị chưa đến mức nặng, nên kết hợp các phương pháp vật lý trị liệu để giảm đau và thực hiện các bài tập cột sống thắt lưng để cải thiện vận động cột sống và phòng bệnh tái phát hoặc nặng hơn.

Ngoài ra, bạn cần tránh ngồi lâu, cúi cong lưng, làm các động tác xoắn vặn người quá mức, hạn chế chạy bộ, không bê vác nặng.

Có thể đi bộ nhẹ nhàng, đi bơi 20 - 30 phút mỗi ngày...

Bạn nên đến khám trực tiếp để được tư vấn điều trị và hướng dẫn bài tập phù hợp.