• 41 & 51 Nguyễn Huệ, Phường Vĩnh Ninh, TP Huế
Cấp cứu 24/7
(0234)3837777
Đường dây nóng
0962871919
Kỹ Thuật Chuyển Phôi

Chuyển phôi là một bước quan trọng trong quy trình IVF. Dù kỹ thuật không quá phức tạp nhưng yêu cầu độ tinh tế và chính xác rất cao. Việc tối ưu kĩ thuật chuyển phôi sẽ đưa đến khả năng mang thai tốt nhất. Siêu âm hướng dẫn trong quy trình này cho thấy nhiều lợi ích hơn chuyển phôi mù, giúp tăng đáng kể khả năng làm tổ, mang thai và sinh sống.

Siêu âm có thể thực hiện qua đường bụng hay đường âm đạo, giúp định hướng vào của catheter và vị trí đặt phôi trong buồng tử cung, thường ở vị trí cách đáy tử cung khoảng 1–1,5cm. Ngoài độ sâu buồng tử cung, độ cong của kênh cổ tử cung, góc giữa cổ tử cung và nội mạc tử cung cần được đánh giá và hướng của ống vỏ ngoài catheter (nòng ngoài) được điều chỉnh cho phù hợp để giúp định hướng catheter mang phôi (nòng trong) đi vào và tránh va chạm dễ dàng. Sử dụng catheter hai nòng là rất cần thiết để đạt được hiệu quả chuyển phôi tốt hơn, đặc biệt khi cổ tử cung gập quá mức.

Trong một số rất ít trường hợp chuyển phôi khó khăn do đường vào quá hẹp hay quá gập, có thể phối hợp với một số kỹ thuật hỗ trợ như bơm căng bàng quang hay dùng que thăm dò. Tuy nhiên, điều quan trọng là tất cả các thao tác trong chuyển phôi phải hết sức nhẹ nhàng tránh gây sang chấn hay làm co thắt tử cung.

Chuyển phôi dưới hướng dẫn siêu âm đường bụng có các điểm bất lợi như bệnh nhân phải nhịn tiểu để làm căng bàng quang và điều này có thể gây khó chịu cũng như kích thích các cơn co thắt tử cung. Hình ảnh niêm mạc tử cung qua siêu âm đường bụng thường rõ ràng, đặc biệt sẽ khó xác định vị trí đầu catheter ở bệnh nhân thành bụng dày, béo phì, tử cung ngả sau. Siêu âm qua đường âm đạo giúp giải quyết những nhược điểm của siêu âm đường bụng, có được hình ảnh buồng tử cung tối ưu, nhưng đòi hỏi kỹ năng của người thực hiện cao hơn vì phải vừa thực hiện siêu âm vừa chuyển phôi

Sau khi chuyển phôi, bệnh nhân được chuyển nhẹ nhàng ra giường và nằm nghỉ khoảng 20-30 phút. Việc nghỉ ngơi chủ yếu để thư giãn về mặt tâm lý, không phải bất động và thời gian nằm nghỉ không ảnh hưởng đến cơ hội thành của phương pháp thụ tinh ống nghiệm.

Các yếu tố trong quá trình chuyển phôi có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ làm tổ và sự thành công của điều trị bao gồm đưa catheter vào khó khăn, phải dùng đến pozzi kẹp cổ tử cung hay que thăm dò, chảy máu khi chuyển phôi hoặc nhiều máu trên catheter, chuyển phôi mù hoặc không xác định rõ vị trí catheter trên siêu âm khi chuyển, tử cung bị co thắt khi chuyển phôi. Đặc biệt, kinh nghiệm của bác sĩ đã được chứng minh là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội thành công khi chuyển phôi.

Để tối ưu hoá hiệu quả của quá trình chuyển phôi, cần lưu ý một số điểm:

- Khảo sát tốt dưới siêu âm ống cổ và buồng tử cung trước khi đưa catheter vào.

- Quan sát rõ ràng vị trí bóng khí (kèm môi trường chứa phôi) cố định trong buồng tử cung sau khi chuyển.

- Sử dụng catheter 2 nòng với nòng trong mềm.

- Thao tác kỹ thuật nhẹ nhàng, hạn chế tối đa va chạm vào cơ tử cung, đáy tử cung và tránh làm tổn thương nội mạc tử cung

- Kiểm soát việc chuyển phôi đúng cách vào trong buồng tử cung với sự hướng dẫn chính xác của siêu âm về vị trí của đầu catheter cũng như vị trí đặt môi trường chứa phôi. Không chuyển phôi “mù” khi không có hay không khảo sát được bằng siêu âm.

- Điểm có tiềm năng tăng cơ hội phôi làm tổ tốt nhất theo cá thể hoá được đề nghị là điểm giao nhau của hai đường thẳng trục hai sừng tử cung trên mặt phẳng đứng

Các kỹ thuật cao