1. Động kinh là gì?
Động kinh (epilepsy) là một bệnh lý của não đặc trưng bởi khuynh hướng tái lập các cơn co giật (tạm dịch từ “seizure”). Các cơn co giật này do hiện tượng phóng điện bất thường của các tế bào não, gây ra các triệu chứng ngắn, thoáng qua nhưng rất đa dạng: cảm giác, cảm xúc, hành vi hoặc vận động hoặc là tình trạng rối loạn tri giác.
Động kinh là một bệnh phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hơn 50 triệu người toàn thế giới. Ở Việt Nam, một nghiên cứu cộng đồng tại Ba Vì – Việt Nam trên 50.000 người cho thấy tỷ lệ hiện mắc là 4.4/1000 dân. Tỷ lệ này tương đương với các nghiên cứu tại Châu Âu và Châu Mỹ.
Quá trình chẩn đoán bệnh còn gặp rất nhiều khó khăn do tính chất bệnh (cơn ngắn, cơn đa dạng, trẻ em khó tự mô tả được cơn, có thể gây giảm tri giác khiến người bệnh không nhận thức được,…), do người nhà (hốt hoảng nên không mô tả được cơn, không mô tả được biểu hiện ban đầu,…) hoặc do y tế (hiểu biết về bệnh động kinh của nhân viên y tế còn hạn chế, không có phương tiện chẩn đoán, …). Do đó, để chẩn đoán tốt cần các chuyên gia và các phương tiện hổ trợ chuyên sâu.
2. Các phương pháp hổ trợ chẩn đoán động kinh
Các xét nghiệm cơ bản được thực hiện cho các bệnh nhân động kinh:
- Điện não đồ khảo sát hoạt động điện chức năng của tế bào được ghi nhận qua các điện cực bề mặt. Các phương pháp hỗ trợ chẩn đoán về điện sinh lý thần kinh cổ điển gồm: điện não thường quy, điện não giấc ngủ và theo dõi điện não – video liên tục.
- Cộng hưởng từ não được dùng để đánh giá các tổn thương cấu trúc đại thể của não, có thể hổ trợ chẩn đoán nguyên nhân động kinh.
Các phương tiện chẩn đoán khác có những bước phát triển vượt bậc như kỹ thuật hình ảnh chức năng cao cấp (PET, SPECT, …) hay kỹ thuật ghi điện não phức tạp (điện não với điện cực nội sọ, ,…). Tuy nhiên, các phương tiện này sử dụng chủ yếu đánh giá trước phẩu thuật động kinh.
3. Ưu điểm của theo dõi điện não video
- Tăng tỷ lệ phát hiện các bất thường trên điện não. Trong 9 tháng vừa qua (6/2020 – 3/2021), chúng tôi thực hiện 41 ca theo dõi video điện não, tỷ lệ phát hiện các bất thường ngoài cơn ở 31 trường hợp (75.6%) và ghi nhận được 13 trường hợp (31,7%) có cơn động kinh lâm sàng. Từ đó, chúng tôi thay đổi chẩn đoán thể động kinh từ động kinh toàn thể đã được chẩn đoán trước đó thành động kinh cục bộ cho 9 trường hợp.
- Phối hợp quay video giúp bác sĩ chuyên khoa có thể đánh giá được triệu chứng cơn của bệnh nhân để giúp trả lời câu hỏi: có phải cơn động kinh hay không? Nếu là cơn động kinh, cơn cục bộ hay toàn thể? Ổ phóng điện kịch phát có thể từ đâu ở não? Trong 41 ca được chẩn đoán động kinh, chúng tôi ghi nhận 3 trường hợp co giật do căn nguyên tâm lý, không phải động kinh.
Một bệnh nhân được theo dõi điện não video tại Đơn vị. Bệnh nhân nằm thoải mái, được dán các điện cực vào đầu (không gây đau) để ghi hoạt động điện não, đồng thời được camera ghi lại.
4. Các trường hợp lâm sàng minh họa
Trường hợp 1:
Bệnh nhân nam 26 tuổi, có tiền sử được chẩn đoán Động kinh toàn thể đang điều trị với Depakin 1g/ngày và Phenobarbital 200 mg/ngày, đến khám vì 1 tuần gần đây lên 4 cơn động kinh khi ngủ.
Theo dõi điện não video 4 tiếng phát hiện được cơn động kinh cục bộ thái dương bên trái trong khi ngủ. Video ghi nhận quay mắt đầu sang phải, loạn trương lực tay phải và sau đó là toàn thể hóa. Đồng thời, điện não ghi nhận: trong giai đoạn 3 của giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh, xuất hiện các hoạt động kịch phát nhanh dần lên xuất phát từ thái dương trái và lan sang các vùng kế cận và sau đó toàn thể hóa (chủ yếu là hình ảnh nhiễu cơ).
Trong trường hợp này, điện não video giúp xác định được thể động kinh (cục bộ toàn thể hóa) và định vị ổ tổn thương (thái dương bên Trái).
Trường hợp 2:
Bệnh nhân nam 28 tuổi, có tiền sử được chẩn đoán Động kinh toàn thể đang điều trị với Depakin 1.5 g/ngày và Topiramax 100 mg/ngày, đến khám vì lên nhiều cơn khó chịu ở sống lưng và bắt bệnh nhân phải vận động (bệnh nhân nghĩ rằng đó là cơn động kinh).
Theo dõi điện não video 2 tiếng phát hiện được cơn co giật tâm lý không phải động kinh. Video ghi nhận bệnh nhân liên tục di chuyển tay chân và đầu do cảm giác khó chịu sống lưng lan lên, khiến bệnh nhân di chuyển. Trước và tại thời điểm có triệu chứng này, không có hoạt động phóng điện kịch phát dạng động kinh, không có thay đổi hoạt động nền của điện não trước trong và sau cơn.
Quá trình hội chẩn với các chuyên gia đã xác định đây là một trường hợp chồng lấp của các cơn co giật tâm lý không phải động kinh với động kinh cục bộ thái dương trong bên phải do teo hải mã. Y văn thế giới ghi nhận có hơn 10% bệnh nhân động kinh có các cơn co giật tâm lý không phải động kinh.
5. THÔNG TIN LIÊN HỆ
Phòng Điện não đồ, Đơn vị Thăm dò chức năng
Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế
- Địa chỉ: Tầng 1, nhà D, 41-51 Nguyễn Huệ, Phường Vĩnh Ninh, TP Huế
- Hotline: 0234.388.9878
- Email: dv.tdcn@bvhuemed-univ.edu.vn
- Fanpage: Đơn vị Thăm dò chức năng - Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế