• 41 & 51 Nguyễn Huệ, Phường Vĩnh Ninh, TP Huế
Cấp cứu 24/7
(0234)3837777
Đường dây nóng
0962871919
Lọc Máu Liên Tục

Lọc máu liên tục là gì?

Lọc máu liên tục là kỹ thuật nâng cao được sử dụng trong điều trị bệnh nhân hồi sức nhằm chủ yếu để thay thế chức năng thận do tổn thương thận cấp tính, ngoài ra còn có thể áp dụng để loại bỏ một số chất độc bị nhiễm từ bên ngoài vào như ngộ độc rượu, cồn công nghiệp hoặc được tạo ra do quá trình bệnh lý của cơ thể bệnh nhân như suy gan, tiêu cơ vân. Khác với lọc máu chu kỳ, quá trình lọc máu liên tục được tiến hành một cách từ từ, trong suốt 24 giờ/ngày và kéo dài nhiều ngày cho đến khi tình trạng chức năng tạng bệnh nhân hồi phục hoặc không cần lọc máu nữa.

Máu được lọc sạch như thế nào?

Sơ đồ kỹ thuật lọc máu liên tục

Máu của bệnh nhân được đưa vào vòng tuần hoàn ngoài cơ thể thông qua một catheter 2 nòng đặt vào một tĩnh mạch lớn như tĩnh mạch đùi, cảnh trong, dưới đòn. Sau đó, máu đi vào quả lọc, quả lọc là nơi máu được lọc sạch các chất độc, chất gây bệnh. Máu sau khi được lọc sạch sẽ trả về lại người bệnh. Phần dịch thải chứa các chất bị loại bỏ được chứa trong một túi thải. Tùy vào từng bệnh lý cụ thể, từng chất muốn loại bỏ mà bác sĩ sẽ lựa chọn quả lọc và kiểu lọc phù hợp.

Do máu tiếp xúc với nhiều bề mặt lạ nên rất dễ bị đông, vì vậy máu sẽ được chống đông khi đi vào vòng tuần hoàn ngoài cơ thể. Chống đông có thể tại chỗ hoặc toàn thân, thường dùng heparin hoặc citrat.

Máy lọc máu liên tục tại Đơn vị hồi sức tích cực, Khoa Gây mê Hồi sức – Cấp cứu – Chống độc, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế

Một số chỉ định lọc máu liên tục trên lâm sàng:

- Tổn thương thận cấp trong bối cảnh: Rối loạn huyết động, suy tim nặng, suy đa tạng, tăng áp lực nội sọ, thiếu máu nặng, cần cai máy thở.

- Nhiễm khuẩn nặng, sốc nhiễm khuẩn

- Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển – ARDS

- Tăng cytokin máu dai dẳng sau phẫu thuật

- Viêm tụy cấp nặng

- Sau ngừng tuần hoàn hô hấp

- Suy gan cấp (kết hợp với thay huyết tương)

- Trong và sau tuần hoàn ngoài cơ thể (CPB)

- Bỏng nặng

- Đa chấn thương có sốc

- Suy tim sung huyết (dùng để rút dịch từ từ)

- Hội chứng ly giải u

- Tiêu cơ vân cấp

- Nhiễm toan lactic

- Rối loạn chuyển hóa ở trẻ sơ sinh

Lọc máu liên tục có chống chỉ định không?

Không có chống chỉ định tuyệt đối. Cần thận trọng trong các trường hợp:

- Không nâng được huyết áp tâm thu ≥ 90 mmHg bằng bù dịch và thuốc vận mạch

- Rối loạn đông máu nặng

- Giảm tiểu cầu nghi do heparin

Biến chứng của lọc máu liên tục là gì?

Lọc máu liên tục là một biện pháp điều trị xâm lấn phức tạp nên tiềm ẩn nhiều biến chứng như: Tụt huyết áp, rối loạn nước – điện giải, tắc mạch, nhiễm khuẩn và tụ máu, xuất huyết tại chỗ chọc catheter.

Bệnh nhân sẽ được theo dõi chặt chẽ bởi đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng có kinh nghiệm và được xét nghiệm đánh giá liên tục trong quá trình lọc máu để kịp thời phát hiện và xử trí các biến chứng liên quan.

Tóm tắt

Lọc máu liên tục ra đời và phát triển góp phần đáp ứng nhu cầu điều trị các bệnh nhân nặng, trở thành một cuộc cách mạng trong hồi sức cấp cứu và chống độc do làm thay đổi tiên lượng của nhiều loại bệnh vốn là thách thức của nhân loại. Lọc máu liên tục không còn chỉ dành riêng để điều trị tổn thương thận cấp cho bệnh nhân huyết động không ổn định mà còn được áp dụng rộng rãi trong nhiều bệnh lý ngoài thận. Bên cạnh hồi sức tuần hoàn và hô hấp, lọc máu liên tục đóng vai trò quan trọng hỗ trợ chức năng của các tạng trong cơ thể, góp phần nâng cao hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nặng.

Các trang thiết bị