• 41 & 51 Nguyễn Huệ, Phường Vĩnh Ninh, TP Huế
Cấp cứu 24/7
(0234)3837777
Đường dây nóng
0962871919
Giảm Đau Đa Mô Thức Sau Phẫu Thuật: Phương Pháp Hỗ Trợ Tối Ưu Giúp Bệnh Nhân Hồi Phục Nhanh Chóng

1. Vai trò của giảm đau sau phẫu thuật

Đau sau phẫu thuật là vấn đề làm bệnh nhân lo ngại nhất khi phải trải qua bất kì một cuộc phẫu thuật nào. Nó ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như hô hấp, tuần hoàn, nội tiết, gây ức chế hệ miễn dịch của cơ thể con người, làm chậm lành thương, tăng tỉ lệ biến chứng sau phẫu thuật, tăng thời gian nằm viện và làm giảm đi chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Mặt khác, nếu từ cơn đau cấp sau phẫu thuật chuyển sang đau mạn tính thì bệnh nhân sẽ phải chịu những cơn đau dai dẵng kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm sau đó làm giảm chất lượng sống, sinh hoạt của người bệnh.

Điều trị giảm đau sau phẫu thuật là nhu cầu tất yếu của bệnh nhân, nó không chỉ là việc giúp bệnh nhân giảm bớt đau đớn khi trải qua một cuộc phẫu thuật, thụ hưởng thành quả của y học hiện đại mà còn liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm công tác y tế. Ngoài ra, giảm đau hiệu quả sau phẫu thuật sẽ giúp bệnh nhân vận động sớm, giúp nhanh chóng hồi phục, giảm thiểu được thời gian nằm viện và giảm chi phí điều trị bệnh.

Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế đảm nhận gây mê hồi sức cho nhiều chuyên ngành từ phẫu thuật lồng ngực, chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật thần kinh, tạo hình hàm mặt, phẫu thuật tiêu hoá, gan mật, tiết niệu, sản phụ khoa, tai mũi họng… Để giảm tốt cho người bệnh, Bệnh viện đã xây dựng, chuẩn hóa quy trình gây mê, gây tê, giảm đau và có phác đồ cụ thể theo từng chuyên khoa, mang lại độ an toàn cao nhất cũng như giúp người bệnh cảm thấy thoải mái nhất. Bệnh viện cũng có đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng gây mê hồi sức được đào tạo bài bản, nhiệt huyết, giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao cùng với trang thiết bị hiện đại như máy gây mê kèm thở Drager với các module theo dõi độ đau, độ mê, độ giãn cơ, máy truyền giảm đau do bệnh nhân tự kiểm soát PCA, máy siêu âm hiện đại… chắc chắn sẽ mang lại sự hài lòng cho người bệnh, để đau không còn là nỗi ám ảnh trong tâm trí mỗi người bệnh khi trải qua cuộc phẫu thuật.

Hình 1. Máy giảm đau PCA (giảm đau do bệnh nhân tự kiểm soát)

Hình 2. Máy siêu âm Sonosite (Hoa Kỳ) ứng dụng trong gây tê vùng

2. Các mức độ đau sau phẫu thuật

Không phải bệnh nhân nào cũng cảm thấy đau sau phẫu thuật giống nhau. Tùy thuộc vào tính chất cuộc phẫu thuật, vị trí phẫu thuật, khả năng chịu đựng của từng bệnh nhân mà mức độ đau của mỗi người sẽ khác nhau. Đau của mỗi người bệnh khác nhau, thay đổi theo thời gian sau phẫu thuật, theo thời điểm trong ngày nên việc theo dõi, đánh giá mức độ đau của bệnh nhân giúp bác sĩ đưa ra được phác đồ điều trị giảm đau thích hợp và điều chỉnh theo đáp ứng của người bệnh để nhắm đến hiệu quả cao nhất, cá thể hoá việc điều trị.

Để đánh giá mức độ đau, chúng tôi sử dụng thang điểm VAS

Hình 3. Thang điểm đánh giá đau VAS

3. Các phương pháp giảm đau được sử dụng trong giảm đau đa mô thức

Giảm đau đa mô thức là phương pháp kết hợp các thuốc giảm đau và các kỹ thuật gây tê nhằm mục đích tăng hiệu quả giảm đau, giảm tác động của đau lêc các cơ quan, giảm các dụng không mong muốn của đau.

Các thuốc được sử dụng đường uống, đường tiêm tĩnh mạch, hoặc truyền tĩnh mạch do bệnh nhân tự kiểm soát.

Gây tê vùng là phương pháp sử dụng thuốc tê bupivacain, levobupivacain để gây tê tại chỗ, gây tê thần kinh ngoại vi dưới hướng dẫn siêu âm, gây tê ngoài màng cứng, gây tê tủy sống phối hợp.

Gây tê tủy sống phối hợp morphin làm kéo dài đường uống tác dụng giảm đau sau phẫu thuật lên đến 24 giờ.

4. Quy trình thực hiện giảm đau đa mô thức

a. Bệnh nhân được nhập viện, làm các xét nghiệm, được chẩn đoán và lên kế hoạch phẫu thuật.

b. Vào trước ngày phẫu thuật, bác sĩ gây mê sẽ tiến hành khám trước mê, giải thích và lên kế hoạch gây mê hồi sức và giảm đau cho bệnh nhân, tiến hành làm giấy cam đoan thực hiện thủ thuật.

c. Khi bệnh nhân vào phòng phẫu thuật, nếu phương thức giảm đau bằng gây tê vùng được áp dụng, bệnh nhân có thể được tiến hành gây tê ngay trước khi gây mê.

d. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được chuyển phòng hồi tỉnh, được theo dõi liên tục tại hồi tỉnh từ 24-48 giờ. Tại đây, tùy kế hoạch được đề xuất trước đó, bệnh nhân sẽ được tiến hành các biện pháp giảm đau phù hợp dựa vào đánh giá lâm sàng. Điểm đau sau phẫu thuật của bệnh nhân khi áp dụng phương pháp đa mô thức luôn ở mức dưới 3 điểm (theo thang điểm VAS ở trên). Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ được phối hợp vận động sớm để hồi phục sớm và giảm biến chứng. 

e. Sau thời gian áp dụng giảm đau, bệnh nhân được tiếp tục điều trị đau và chuyển về khoa phòng ban đầu và sẽ được theo dõi điều trị tiếp tục cho đến khi bệnh nhân được xuất viện.

4. Một số hình ảnh về ứng dụng giảm đau đa mô thức tại khoa Gây mê hồi sức bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế

Hình 4. Gây tê đám rối thần kinh cánh tay dưới hướng dẫn của siêu âm để giảm đau sau phẫu thuật chi trên

Hình 5. Bệnh nhân được giảm đau đa mô thức sau phẫu thuật cắt dạ dày

Tóm lại, giảm đau đa mô thức là một biện pháp an toàn và hiệu quả, một bước tiến vượt bậc trong công tác điều trị bệnh nhân, góp phần làm giảm biến chứng do đau không được điều trị hợp lí, giảm tiến triển thành đau mạn tính, tăng sự hài lòng của người bệnh, tăng tốc độ hồi phục, giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí nằm viện, tăng hiệu quả lao động và chất lượng cuộc sống.

Các trang thiết bị