• 41 & 51 Nguyễn Huệ, Phường Vĩnh Ninh, TP Huế
Cấp cứu 24/7
(0234)3837777
Hotline
0962871919
Phòng TC-HC
(0234)3847146

16

08

Bệnh viện Trường Đại học Y Dược triển khai thành công Kỹ Thuật Đặt Tạo Nhịp Bó Nhánh Trái

16-08-2024 Đơn vị DSA, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế
Rối loạn nhịp chậm là một trong các bệnh lý phổ biến trong chuyên ngành tim mạch. Hiện nay, đặt máy tạo nhịp tim là phương pháp hiệu quả trong điều trị một số dạng rối loạn nhịp chậm, đã được áp dụng trên nửa thế kỷ nay. Tuy nhiên, tạo nhịp mỏm thất phải còn tiềm ẩn nhiều vấn đề như gây mất đồng bộ về mặt điện học và cơ học cho tim, tăng nguy cơ xuất hiện rung nhĩ, suy tim, tử vong. Một số vị trí cấy điện cực khác trong thất phải như vùng vách liên thất và đường ra thất phải đã được nghiên cứu với kỳ vọng làm giảm sự mất đồng bộ điện học và cơ học trong thất so với tạo nhịp mỏm thất phải, nhưng hiệu quả dài hạn vẫn chưa được chứng minh vượt trội so với tạo nhịp mỏm thất phải.

Gần đây, kĩ thuật cấy điện cực tạo nhịp vào hệ thống dẫn truyền nhĩ – thất của tim (bó nhánh trái) để tạo nhịp trực tiếp vào hệ thống dẫn truyền, tận dụng đường dẫn truyền tự nhiên để truyền xung động tạo nhịp, nhằm tối ưu nhất tình trạng đồng bộ điện học và cơ học cho tim đã ra đời. Kĩ thuật này giúp cải thiện tiên lượng và mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân có chỉ định cấy máy tạo nhịp. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy các ưu điểm tốt hơn của tạo nhịp vào đường dẫn truyền khi so sánh với tạo nhịp thất phải truyền thống.

Đây là một kỹ thuật mới, khó chỉ mới được triển khai gần đây ở các nước phát triển và một vài trung tâm lớn ở Việt Nam và với sự hướng dẫn, chuyển giao kĩ thuật từ các Giáo sư, chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, Malaysia... Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trường Đại Học Y Dược Huế đã làm chủ kĩ thuật và triển khai cho các bệnh nhân có chỉ định giúp cho tối ưu hóa tạo nhịp ở bệnh nhân.

Trường hợp lâm sàng: Bệnh nhân nam 71 tuổi vào viện vì chóng mặt, có nhiều lần bị ngất trong vòng 2 tháng nay, tiền sử: Tăng huyết áp. Bệnh nhân có điện tâm đồ, kèm Holter ECG phát hiện có nhiều khoảng ngừng, có khoảng >5 giây. Bệnh nhân được tiến hành đặt tạo nhịp 2 buồng có đáp ứng tần số, vùng thất được đặt chọn lọc vào bó nhánh trái.

Hình 1: Hình ảnh ECG trước khi đặt máy tạo nhịp

Hình 2: Hình ảnh Holter ECG với nhiều khoảng ngưng kéo dài

Hình 3: ECG sau đặt máy tạo nhịp có QRS hẹp.

Sau đặt máy tạo nhịp bệnh nhân hết xoàng đầu, không ngất, linh hoạt hơn, không khó thở, điện tim đo lại tạo nhịp QRS hẹp giúp cải thiện tiên lượng lâu dài cho bệnh nhân.

Như vậy kỹ thuật tạo nhịp bó nhánh trái là kỹ thuật mới, tiên tiến hiện nay được đơn vị DSA trung tâm tim mạch Bệnh viện Trường Đại học Y Dược triển khai thành công và đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân về mặt cải thiện lâm sàng và điện học của tim.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Đánh giá nội bộ: Tiêu chuẩn chất lượng trong hoạt động phòng Xét nghiệm Y học
Xem tiếp...
THEO DÒNG SỰ KIỆN
Thông tin Hội nghị Khoa học
Hoạt động chào mừng sự kiện

Phòng Vật tư - Trang thiết bị

Thông báo chào mời giá Mua Cảm biến lưu lượng IFLOW

07-01-2025
Phòng Vật tư - Trang thiết bị

Thông báo chào mời giá Mua Dụng cụ

08-01-2025

Tin cập nhật