• 41 & 51 Nguyễn Huệ, Phường Vĩnh Ninh, TP Huế
Cấp cứu 24/7
(0234)3837777
Đường dây nóng
0962871919

14

06

Can Thiệp Cho Rối Loạn Nuốt Ở Bệnh Nhân Đột Quỵ

14-06-2023 ThS Tôn Thất Minh Đạt
Rối loạn nuốt: “Là sự suy yếu hoặc rối loạn các giai đoạn của quá trình nuốt làm viên thức ăn hoặc nước uống khó đi xuống dạ dày và/hoặc một phần lọt vào các đường ngoài thực quản như khí quản, mũi.”

Rối loạn nuốt có thể xảy ra ở các giai đoạn miệng, họng hầu và /hoặc thực quản của quá trình nuốt.

Hình: Các giai đoạn của nuốt

Ở bệnh nhân đột quỵ, rối loạn nuốt thường xảy ra ở giai đoạn miệng và họng hầu, do các nguyên nhân:

  • Rối loạn cảm giác miệng họng: tê lưỡi hoặc má có thể làm bệnh nhân không biết thức ăn vẫn còn lại trọng miệng.
  • Thay đổi xung động: Thay đổi cách bệnh nhân điều khiển kích thước một lần ăn vào miệng, tốc độ ăn. Một số bệnh nhân ăn quá nhanh trong khi những bệnh nhân khác cứ ngậm thức ăn trong miệng.
  • Yếu cơ môi miệng: làm bệnh nhân khó ngậm chặt miệng, do đó thức ăn và/hoặc nước uống chảy ra hoặc rơi vãi. Không ngậm chặt miệng cũng gây khó khăn để tạo áp lực cần thiết để nuốt.
  • Yếu cơ lưỡi: làm bệnh nhân khó khăn di chuyển thức ăn quanh miệng, đẩy thức ăn vào dưới răng để nhai, cũng như di chuyển khối thức ăn ra sau miệng để nuốt.
  • Yếu hoặc cứng các cơ hầu họng, giảm sự phối hợp vận động "từ trên xuống" của các cơ này: làm thức ăn ứ lại trong họng, không di chuyển xuống thực quản và dạ dày một cách bình thường, và/hoặc đi nhầm vào đường thở (hít phải/aspiration).

Cần lượng giá khả năng nuốt của mọi bệnh nhân đột quỵ bằng các công cụ lâm sàng (như thang điểm GUSS) và cận lâm sàng nếu cần thiết để từ đó đưa ra khuyến cáo về nuốt và dinh dưỡng phù hợp.

Bài viết trình bày một số biện pháp PHCN dành cho bệnh nhân rối loạn nuốt.

Lưu ý: Trong giai đoạn sớm của đột quỵ, cần chú trọng vào an toàn với nuốt và đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ. Mục tiêu quan trọng là phòng ngừa hít phải - một nguyên nhân chính của viêm phổi.

1 .Chiến lược bù trừ

Nhằm tạm thời cải thiện hoặc tạo sự an toàn trong việc nuốt bằng cách điều chỉnh, bù trừ hoạt động nuốt bị khiếm khuyết.

a.Thay đổi chế độ ăn:

Tùy theo giai đoạn rối loạn nuốt và mức độ rối loạn nuốt mà đưa ra chế độ ăn khuyến cáo an toàn cho người bệnh.

*Phân loại Quốc tế về đồ ăn: Theo Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ:

  • Mức độ 1: Rối loạn nuốt – Nhão: Đồng nhất, có độ kết dính cao, dạng pudding, yêu cầu nhai rất ít.

  • Mức độ 2: Rối loạn nuốt – Mềm, Thay đổi về mặt cơ học: Kết dính, ẩm, mềm, cần nhai một chút.

  • Mức độ 3: Rối loạn nuốt – Mềm, Tiến bộ: Thức ăn mềm đòi hỏi nhai nhiều hơn

  • Mức độ 4: Bình thường: Không hạn chế, cho phép mọi loại thức ăn.

Phân loại chất lỏng (sử dụng với chất làm đặc)

  • Rất đặc: 3 thìa chất làm đặc với 200ml nước
  • Đặc vừa: 2 thìa chất làm đặc với 200ml nước
  • Đặc nhẹ: 1 thìa chất làm đặc với 200ml nước
  • Loãng: nước tinh khiết

LỜI KHUYÊN CHO BỆNH NHÂN VÀ GIA ĐÌNH VỀ ĂN UỐNG AN TOÀN

  • Chế độ (loại) thức ăn phù hợp.
  • Có thể chia bữa ăn thành các bữa nhỏ hơn
  • Tư thế cho ăn: Ngồi thẳng người khi ăn hoặc uống. Nếu bệnh nhân không ngồi được thì chỉnh đầu giường cho cao hoặc đỡ bệnh nhân ngồi dậy. Không ăn hoặc uống khi nằm
  • Cách cho ăn:
    • Ăn uống từng ít một và uống từng ngụm nhỏ.
    • Không nuốt ực, nốc cạn
    • Ăn từ từ, nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt
    • Chắc rằng đã nuốt xong thức ăn trước khi ăn tiếp
    • Không nói chuyện khi có thức ăn trong miệng.
    • Sau ăn nên giữ tư thế ngồi 30 phút tránh trào ngược
  • Đảm bảo vệ sinh răng miệng: đánh răng, rơ lưỡi sạch

b.Các Kỹ thuật tư thế:

Gập cằm (Chin tuck )

  • Bệnh nhân gấp cằm về phía cổ
  • Mục đích : làm hẹp đường vào thanh quản, giảm khoảng cách giữa nắp thanh môn và vách hầu giúp bảo vệ đường thở.

Xoay mặt về bên liệt khi nuốt:

  • Mục đích: Tác dụng làm dồn thức ăn về phía bên lành, tạo lực ép lên thành bên của thanh quản, làm giảm ứ đọng thức ăn ở xoang lê do bệnh nhân yếu cơ vùng hầu họng

Xoay mặt về phía bên liệt đồng thời cúi xuống khi nuốt 

  • Động tác này kết hợp được cả 2 yếu tố trên

Nghiêng đầu sang bên lành

  • Động tác này sử dụng trọng lực của thức ăn để dồn thức ăn sang bên mạnh của miệng và hầu

c .Không cho ăn bằng đường miệng

Trường hợp không thể ăn bằng đường miệng hoặc không đảm bảo đủ dinh dưỡng nếu chỉ ăn bằng đường miệng.

- Cho ăn qua ruột:

  • Đặt sonde miệng – dạ dày,
  • Đặt sonde mũi – dạ dày,
  • Mở dạ dày qua da bằng nội soi,
  • Mở hỗng tràng qua da bằng nội soi

- Nuôi dưỡng hoàn toàn ngoài ruột:

  • Dùng dịch truyền nuôi dưỡng.

2. Chiến lược cải thiện

Trị liệu tốt nhất cho rối loạn nuốt là tập nuốt, với các loại thức ăn/thức uống khác nhau một cách an toàn.

PHCN rối loạn nuốt truyền thống tập trung vào tập mạnh các cơ, cả các nhiệm vụ liên quan đến quá trình nuốt (như nuốt gắng sức) và không liên quan (như nâng đầu). Các bài tập cần phù hợp với các cơ đích, nếu không thì có thể làm hại nhiều hơn là đem lại lợi ích. Các nghiên cứu hiện tại tập trung vào khái niệm rèn luyện "kỹ năng" nuốt, bên cạnh/thay vì tiếp cận làm mạnh cơ truyền thống.

Bên cạnh đó, các kỹ thuật mới như hồi tác sinh học (biofeedback), kích thích điện cũng được sử dụng trong PHCN rối loạn nuốt với kết quả khả quan.

Các bài tập và kỹ thuật này tốt nhất được hướng dẫn và thực hiện tại các cơ sở PHCN với các kỹ thuật viên có kinh nghiệm, nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả. Sau đây là một số hình ảnh minh hoạ các bài tập và kỹ thuật này.

Hình: Minh hoạ bài tập vận động lưỡi

Hình: Minh hoạ Bài tập Shaker

Hình: Minh hoạ Bài tập Masoko

Hình: Minh hoạ Kích thích điện với VitalStim

 

ThS Tôn Thất Minh Đạt

Bộ môn PHCN, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế

 

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
6 Từ F Cho Trẻ Khuyết Tật
Kiểm Soát Trào Ngược Dạ Dày Thực Quản Ở Phụ Nữ Mang Thai Và Cho Con Bú
Xem tiếp...
THEO DÒNG SỰ KIỆN
Thông tin Hội nghị Khoa học
Hoạt động chào mừng sự kiện

Phòng Quản trị - Cơ sở vật chất

Thư mời chào giá hàng vải bổ sung sau thanh lý

14-05-2024
Phòng Quản trị - Cơ sở vật chất

Thông báo mời chào giá cung cấp và lắp đặt điều hoà

13-05-2024

Tin cập nhật