Nhiều cha mẹ không chắc chắn liệu dính thắng lưỡi có gây ra các vấn đề về cho bú hay các vấn đề về ngôn ngữ như “chậm nói” hoặc ảnh hưởng đến âm thanh lời nói như “nói ngọng” của trẻ hay không.
1. Dính thắng lưỡi là gì?
Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh mà bất kỳ trẻ sơ sinh nào cũng có nguy cơ mắc phải do bị ngắn dây thắng lưỡi (một lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi) làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi.
Khoảng 5% trẻ sơ sinh được sinh ra có dính thắng lưỡi. Cho đến thời điểm hiện tại, các nhà nghiên cứu chưa tìm ra nguyên nhân gây ra dính thắng lưỡi.
Nguồn ảnh: Mayo Clinic, 2018
Có nhiều phân loại mức độ dính thắng lưỡi khác nhau. Dựa trên chiều dài của thắng lưỡi được đo từ nơi bám của sàn miệng đến vị trí bám vào lưỡi, dính dây thắng lưỡi có 4 mức độ như sau:
- Mức độ 1: Trẻ bị dính thắng lưỡi nhẹ từ 12 – 16 mm
- Mức độ 2: Trẻ bị dính thắng lưỡi trung bình từ 8 – 11 mm
- Mức độ 3: Trẻ bị dính thắng lưỡi nặng từ 3 – 7 mm
- Mức độ 4: Trẻ bị dính thắng lưỡi hoàn toàn dưới 3 mm
Cần lưu ý rằng phân loại này không đánh giá chức năng của lưỡi. Nếu không ảnh hưởng đến chức năng thì bất kể hình dáng và vị trí của thắng lưỡi như thế nào cũng không khuyến khích phẫu thuật. Mặc dù dính thắng lưỡi có thể gây ra một số ảnh hưởng nhưng trong 4 đến 5 năm đầu đời, khoang miệng của trẻ thay đổi đáng kể về hình dạng và kích thước và những hạn chế chức năng gây ra bởi dính thắng lưỡi có thể giảm đi khi trẻ lớn lên.
2. Dính thắng lưỡi ảnh hưởng đến việc cho bú mẹ và ăn uống như thế nào?
Hầu hết trẻ sơ sinh có dính thắng lưỡi không có vấn đề nào khi bú mẹ hoặc bú bình và phần lớn không cần bất cứ điều trị hay can thiệp nào.
Khoảng 25% trẻ sơ sinh có dính thắng lưỡi có thể gặp khó khăn khi bú. Cho con bú đòi hỏi em bé phải giữ lưỡi của mình trên nướu dưới trong khi mút. Nếu không thể di chuyển lưỡi hoặc giữ nó ở đúng vị trí, em bé có thể nhai thay vì mút núm vú. Điều này có thể gây đau núm vú đáng kể, tạo ra các và cản trở khả năng lấy sữa mẹ của em bé. Cuối cùng, việc cho con bú kém có thể dẫn đến dinh dưỡng không đầy đủ và ảnh hướng đến sự phát triển của con.
Nhưng bạn cần nhớ rằng ngay cả khi không có dính thắng lưỡi, một số trẻ sơ sinh vẫn gặp khó khăn khi bú ngay từ khi mới sinh ra. 70 đến 90% vấn đề này được giải quyết khi cha mẹ và em bé học cách cho bú và bú đúng cách ví dụ như điều chỉnh tư thế đúng. Bạn cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn hướng dẫn giúp trẻ ngậm bắt núm vú đúng cách và được thăm khám, loại trừ hoặc xử lý các vấn đề có thể gây ra khó khăn khi bú như khe hở môi vòm miệng, tắc nghẽn mũi, tắc nghẽn đường thở hoặc trào ngược trước khi quyết định phẫu thuật dính thắng lưỡi. Ngay cả khi trẻ đã được phẫu thuật dính thắng lưỡi, có thể vẫn không giải quyết được vấn đề cho con bú.
Phần lớn dính thắng lưỡi cũng không gây ra các vấn đề gì khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Khi trẻ lớn lên, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc di chuyển viên thức ăn trong miệng và làm sạch khoang miệng bằng lưỡi. Điều này có thể dẫn đến chứng hôi miệng mãn tính và góp phần gây sâu răng.
3. Dính thắng lưỡi có phải là nguyên nhân khiến trẻ “chậm nói”, “chậm phát triển ngôn ngữ” hoặc có “rối loạn ngôn ngữ” không?
Đầu tiên bạn cần phải hiểu rằng lời nói và ngôn ngữ là hai điều riêng biệt.
Hai lĩnh vực này giống như hai mặt của đồng xu, tuy có mối liên hệ nhưng chúng vẫn là hai mặt khác nhau. Lời nói đề cập đến cách chúng ta tạo ra âm thanh và từ. Theo Hiệp hội Ngôn ngữ và Thính học Hoa Kỳ (ASHA), lời nói bao gồm cấu âm, giọng nói và sự lưu loát.
Ngôn ngữ là những từ chúng ta sử dụng và cách chúng ta sử dụng chúng để truyền đạt ý nghĩa, bao gồm ý nghĩa của từ, cách tạo từ mới, cách ghép các từ lại với nhau và những gì chúng ta sử dụng từ vào những thời điểm khác nhau. Ngôn ngữ cũng không cần phải nói, vì vậy ngôn ngữ ký hiệu hay viết cũng được xem là các hình thức khác của ngôn ngữ.
Nếu con bạn bị chậm nói, con không có từ vựng để nói, nói không đúng ngữ pháp, nói không phù hợp với ngữ cảnh hoặc không có nghĩa. Đây là vấn đề về ngôn ngữ. Ngay cả khi con tạo ra các câu dài, có nghĩa, đúng ngữ pháp và đúng ngữ cảnh tương đương với các bạn cùng tuổi, điều đó gợi ý con không có vấn đề về ngôn ngữ thì con vẫn có thể có các vấn đề về lời nói như “nói ngọng” hay phát âm sai, đó chính là vấn đề về âm lời nói, con có thể nói không lưu loát như “nói cà lăm” hay còn gọi là “nói lắp”, giọng con có thể bị khàn, yếu, nhiều hơi, đó chính là vấn đề về giọng nói.
Tóm lại, “chậm nói” là vấn đề về ngôn ngữ, còn “nói ngọng” là vấn đề về âm lời nói.
Dính thắng lưỡi KHÔNG ảnh hưởng đến sự phát triển NGÔN NGỮ.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi dính thắng lưỡi và “chậm nói”, “chậm phát triển ngôn ngữ” hoặc có “rối loạn ngôn ngữ”có thể xảy ra cùng nhau. Tuy nhiên, sự xuất hiện đồng thời không có nghĩa là điều này có mối quan hệ nhân quả (nguyên nhân – hệ quả). Nhiều nghiên cứu đáng tin cậy đã chỉ ra rằng dính thắng lưỡi không gây ra “chậm nói’. Điều đó có nghĩa là khả năng hiểu giao tiếp và thể hiện mong muốn, nhu cầu, suy nghĩ và ý tưởng của con bạn sẽ không bị ảnh hưởng bởi dính thắng lưỡi.
Thay vào đó, khi có vấn đề “chậm nói” hoặc “nói ít hơn các bạn cùng tuổi” cùng với “dính thắng lưỡi”, bạn cần xem xét các nguyên nhân khác gây ra vấn đề về ngôn ngữ.
4. Dính thắng lưỡi có khiến con bạn “nói ngọng”, “nói không rõ” hay “rối loạn âm lời nói” không?
Dính thắng lưỡi có thể hạn chế chuyển động của lưỡi. Tuy nhiên, lưỡi của bạn thực sự đòi hỏi rất ít chuyển động để tạo ra âm thanh lời nói. Trong nhiều trường hợp, khó khăn về lời nói không liên quan đến sự hiện diện của dính thắng lưỡi và phẫu thuật không được khuyến khích nếu lí do phẫu thuật chỉ để cải thiện khả năng phát âm.
Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta không có đủ bằng chứng để chỉ ra rằng khả năng phát âm của trẻ bị ảnh hưởng bởi dính thắng lưỡi (Kummer, 2005; Wang và cộng sự, 2022)
Nhiều trẻ có dính thắng lưỡi vẫn có thể tạo ra tất cả các âm thanh cần thiết cho lời nói, miễn là đầu lưỡi của trẻ có thể chạm vào vòm miệng phía sau răng cửa của hàm trên.
Âm thanh được tạo ra ở vị trí này bao gồm âm thanh của:
- “t” như trong “tai”
- “đ” như trong “đi”
- “n” như trong “nắng”
- “x” như trong “xanh”
- “l” như trong “lá”
- “th” như trong “thu”
Những đứa trẻ đang thể hiện khả năng phát âm rõ những âm thanh này như hoặc có thể nâng đầu lưỡi lên vòm miệng không có khả năng được hưởng lợi từ việc phẫu thuật dính thắng lưỡi.
Tất cả những âm thanh này thường có thể được tạo ra, ngay cả khi hạn chế đáng kể đầu lưỡi. Điều này có thể được kiểm tra bằng cách tạo ra những âm thanh này với đầu lưỡi được ấn xuống hoặc chống lại nướu hàm dưới. Điều này có thể dẫn đến một ít biến dạng. Khi nói, đầu lưỡi cần nâng cao nhất khi nói âm /l/ và lưỡi cần đưa ra trước nhiều nhất khi phát âm /th/. Do đó, khi đánh giá ảnh hưởng của dính thắng lưỡi đến lời nói, cần tập trung đánh giá âm /l/ và âm /th/. Nếu trẻ có thể phát âm tất cả các âm còn lại một cách bình thường và chỉ không tạo được hai âm này dù đặt lưỡi ở vị trí thay thế, dính thắng lưỡi là một yếu tố góp phần gây ra tình trạng này.
Nghiên cứu cũng chỉ ra không có sự khác biệt về âm lời nói ở những trẻ có hoặc không có phẫu thuật dính thắng lưỡi trong giai đoạn sơ sinh. Do đó, nếu không có vấn đề về bú thì bạn không cần phẫu thuật để dự phòng “nói ngọng”, “nói không rõ” trong tương lai.
Tóm lại, dính thắng lưỡi thường không ảnh hưởng đến lời nói. Đánh giá về ngôn ngữ trị liệu là điều cần thiết để đánh giá tác động của dính thắng lưỡi đối với việc tạo ra âm thanh lời nói.
5. Các vấn đề khác
Trẻ lớn và người lớn có dính thắng lưỡi nặng có thể khó khăn khi ăn kem, liếm môi, thực hiện một nụ hôn kiểu Pháp hoặc chơi một số loại nhạc cụ. Trẻ cũng có thể lo âu, và cảm thấy tự ti về hình thức của mình do dính thắng lưỡi. Ngoài ra, vai trò của dính thắng lưỡi trong sự phát triển của hàm dưới hoặc các vấn đề về nướu vẫn chưa rõ ràng.
Dính thắng lưỡi không gây ngưng thở khi ngủ cũng là một trong những tuyên bố đạt được sự đồng thuận của các chuyên gia.
6. Cắt hay không cắt dính thắng lưỡi?
Năm 2020, một tuyên bố đồng thuận lâm sàng về dính thắng lưỡi (Messner và cộng sự, 2020) đã được các chuyên gia hàng đầu ở Mỹ, thống nhất rằng cần phải đánh giá kỹ lưỡng để xác định xem việc dính thắng lưỡi có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng bú của trẻ hay không. Hầu hết khó khăn trong việc cho trẻ có dính thắng lưỡi bú và đau của mẹ có thể giải quyết mà không cần điều trị bằng phẫu thuật như quan sát, tư vấn cho trẻ bú mẹ đúng các. Phẫu thuật dính thắng lưỡi ở trẻ sơ sinh có thể hữu ích trong việc cho con bú, nhưng không phải tất cả trẻ sơ sinh bị dính thắng lưỡi đều cần phải phẫu thuật và có những nguyên nhân phổ biến khác gây khó khăn cho con bú, chẳng hạn như tắc nghẽn mũi, tắc nghẽn đường thở hoặc trào ngược dạ dày thực quản. Nếu vấn đề về bú mẹ không được cải thiện sau khi xử lý các vấn đề này, trong trường hợp này, phẫu thuật có thể được xem xét.
Phẫu thuật dính thắng lưỡi cũng là một lựa chọn ở trẻ lớn hơn với khả năng phát âm hạn chế và/hoặc các vấn đề xã hội khác, nhưng bằng chứng còn hạn chế và chất lượng tương đối kém.
7. Tài nguyên hỗ trợ phát triển ngôn ngữ và lời nói cho con
Bạn lo lắng về sự phát triển ngôn ngữ và lời nói của con? Bạn muốn chủ động nhất có thể? Chúng tôi sẽ chia sẽ một số nguồn tài nguyên có sẵn, miễn phí và đáng tin cậy để bạn có thể tiếp cận một cách khoa học và dễ dàng.
a. Danh sách kiểm tra các mốc phát triển của trẻ từ 0 đến 5 tuổi của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention, CDC).
https://www.cdc.gov/ncbddd/actearly/pdf/CDC_LTSAE-Checklist15_FNL_VI_508.pdf
b. A365 cung cấp những bộ công cụ được các Hiệp hội y khoa khuyến cáo rộng rãi như ASQ®-3, M-CHAT-R, PSC, CSHQ, BAMBI, và VADRS để theo dõi sự phát triển của trẻ và phát hiện sớm các nguy cơ rối loạn phát triển như Rối loạn phổ tự kỷ, Tăng động giảm chú ý, … cũng như các kiến thức và kỹ năng giúp người chăm sóc hiểu trẻ hơn, lựa chọn và áp dụng được các chiến lược và hoạt động can thiệp một cách vui và hiệu quả.
c. “Ngôn ngữ và hoạt động hằng ngày”. Một cuốn sách ngắn gọn, dễ hiểu và tham khảo nhiều bằng chứng khoa học để giúp bạn thiết lập tương tác, tạo cơ hội giao tiếp và phát triển ngôn ngữ cho con thông qua các hoạt động hằng ngày như ăn uống, vệ sinh cá nhân, đưa đón con đi học, đi dạo cùng con và trước giờ đi ngủ.
https://trinhfoundation.org/static/pdf/Ngon-ngu-va-hoat-dong-hang-ngay.pdf
8. Bạn là người hiểu rõ con nhất
Dính thắng lưỡi không giống nhau ở tất cả trẻ em. Bất kỳ thông tin nào từ Google cũng không thể cung cấp cho bạn chẩn đoán, phương pháp can thiệp hay tiên lượng tối ưu cho bạn. Ngay cả các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển vẫn còn nhiều tranh cãi về lĩnh vực này. Tuy nhiên, các chuyên gia đã thống nhất và đồng thuận về những quan điểm sau.
Chăm sóc trẻ dính thắng lưỡi liên quan đến nhiều chuyên ngành trong y học như bác sĩ nhi, bác sĩ tai mũi họng, bác sĩ răng hàm mặt, bác sĩ phục hồi chức năng, chuyên viên ngôn ngữ trị liệu, chuyên gia tư vấn sữa mẹ, điều dưỡng.
Dính thắng lưỡi có thể ảnh hưởng đến việc cho bú ở trẻ sơ sinh, khiến trẻ chậm tăng cân. Bạn chỉ nên cắt thắng lưỡi cho trẻ sơ sinh khi điều này ảnh hưởng đến việc bú và đã điều trị bảo tồn nhưng không đem lại hiệu quả. Bạn cần phải biết rằng, ngay cả khi đã phẫu thuật, các vấn đề về cho bú cũng có thể không được giải quyết.
Dính thắng lưỡi không gây ra “chậm nói” hay “rối loạn ngôn ngữ”. Nếu con bạn chậm nói, điều đó không liên quan đến dính thắng lưỡi. Điều này có nghĩa là cắt thắng lưỡi không giúp con bạn biết nói.
Cần lưu ý là các nghiên cứu cho đến thời điểm hiện tại chỉ ra rằng không có mối liên hệ rõ ràng giữa dính thắng lưỡi và “nói ngọng”.
Nếu con không đạt một hoặc nhiều mốc phát triển về giao tiếp, ngôn ngữ và lời nói, hoặc mất đi những kỹ năng đã có, đừng chờ đợi. Hãy hành động sớm bằng cách đưa trẻ đi khám, sàng lọc và đánh giá phát triển. Ngôn ngữ trị liệu (hay còn gọi là Âm ngữ trị liệu) là điều cần thiết trong trường hợp này.
Mặc dù phẫu thuật dính thắng lưỡi là một thủ thuật nhỏ, đơn giản nhưng điều nguy hiểm thực sự có thể xảy ra khi cha mẹ tin rằng điều này sẽ khắc phục các vấn đề về ngôn ngữ và lời nói mà không đưa trẻ đi đánh giá và can thiệp ngôn ngữ trị liệu. Điều này có thể khiến con bỏ lỡ mất thời gian vàng để can thiệp về giao tiếp, ngôn ngữ và lời nói.
Nếu bạn vẫn cần tư vấn, sàng lọc và đánh giá phát triển, bạn có thể đến Đơn vị Âm ngữ trị liệu, Khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế.
Tài liệu tham khảo
Australian Dental Association. (2022). Factsheet Tongue-tie. Retrieved April 30, 2024 from: https://www.teeth.org.au/media/0mtpt3gc/ada2022-factsheet-tongue-tie.pdf
Brianna, M., Stefanie, L. (2024) Clarifying Social-Media Misinformation About Pediatric Feeding Disorders. The ASHA LeaderLive. Retrieved April 30, 2024 from: https://leader.pubs.asha.org/do/10.1044/2024-0122-ped-feeding-slp/full/
Kummer, A. W. (2005). Ankyloglossia: To Clip or Not to Clip? That’s the Question. The ASHA Leader, 10(17), 6-30.
Messner, A. H., Walsh, J., Rosenfeld, R. M., Schwartz, S. R., Ishman, S. L., Baldassari, C., ... & Satterfield, L. (2020). Clinical consensus statement: ankyloglossia in children. Otolaryngology–Head and Neck Surgery, 162(5), 597-611.
Salt, H., Claessen, M., Johnston, T., & Smart, S. (2020). Speech production in young children with tongue-tie. International Journal of Pediatric Otorhinolaryngology, 134, 110035.
Wang, J., Yang, X., Hao, S., & Wang, Y. (2022). The effect of ankyloglossia and tongue‐tie division on speech articulation: a systematic review. International journal of paediatric dentistry, 32(2), 144-156.