Giới thiệu
Hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt Revolution Maxima (Hình 1) là hệ thống CLVT cao cấp với tốc độ chụp nhanh (tốc độ quay bóng 0,35 giây/vòng), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới GE Healthcare, Hoa Kỳ, giúp phân biệt, phát hiện nhanh và sớm các tổn thương nhỏ chỉ 0,28 mm, và giảm tối đa các ảnh giả trên các cơ quan, ứng dụng trong nhiều trường hợp khó trên lâm sàng.
Hình 1. Hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt Revolution Maxima (GE Healthcare, Hoa Kỳ) tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, Thành phố Huế.
Hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt có khoảng bao phủ 40mm theo trục dọc cơ thể, giúp thu hình nhanh chóng, rõ nét, ưu thế trong những trường hợp như bệnh nhân béo phì, cấp cứu,.... Máy còn có khả năng giảm liều xạ đến 82%, đảm bảo vấn đề an toàn bức xạ tốt nhất cho người bệnh, đặc biệt là trẻ em.
Nguyên lý hoạt động
Máy chụp cắt lớp vi tính hoạt động dựa trên nguyên lý bóng phát tia X trong máy sẽ quét qua cơ thể bệnh nhân; lượng tia X được cơ thể hấp thụ được định lượng và truyền tín hiệu về bộ xử lý trung tâm. Các tín hiệu này được số hoá và hiển thị hình ảnh cơ thể trên máy tính.
Ở hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt, trong mỗi vòng quay, máy sẽ chụp được 128 lát cắt qua cơ thể, giúp bác sĩ có cái nhìn toàn diện về các cấu trúc giải phẫu cũng như bệnh lý. Bóng phát tia X trong máy với sự hỗ trợ của AI giúp điều chỉnh liều tia ở mức thấp, đảm bảo an toàn bức xạ cho bệnh nhân. Chi tiết quá trình chụp cắt lớp vi tính ở hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt như sau:
- Bệnh nhân nằm lên bàn chụp, bàn chụp di chuyển vào trong khoang máy.
- Bóng phát tia X quay quanh cơ thể bệnh nhân, phát ra chùm tia X xuyên qua cơ thể.
- Các đầu thu đặt bên trong khoang máy ghi nhận lượng tia X bị hấp thụ và chuyển thành tín hiệu điện.
- Máy tính xử lý, số hoá các tín hiệu điện, tạo ra hình ảnh cắt lớp 3D chi tiết.
- Bác sĩ phân tích, đánh giá hình ảnh thu được để chẩn đoán bệnh.
Công nghệ nổi bật
Hệ thống đầu thu Clarity (Clarity Detector): Công nghệ tiên tiến của bộ đầu thu được thiết kế để ít sinh nhiệt hơn, lên đến 90% so với các thế hệ máy trước đây, giúp giảm nhiễu nền lên đến 44%, độ phân giải không gian 0,28 mm3 cho hình ảnh trung thực với độ phân giải cực kì cao. Tốc độ vòng quay 0,35 giây kết hợp với pitch 1,531 giúp rút ngắn thời gian chụp, giảm thời gian nín thở, từ đó có thể tránh phải gây mê cho bệnh nhân, đồng thời giảm ảnh giả do hô hấp, chuyển động của bệnh nhân.
Công nghệ liều xạ thông minh: ASiR-V là công nghệ mới nhất trong dòng kỹ thuật tái tạo lặp hàng đầu của GE Healthcare, giúp giảm đến 82% liều tia nhưng không làm thay đổi chất lượng hình ảnh [1]. Chức năng giảm liều tia 3D, và Organ Dose Modulation (ODM) giúp giảm liều tia theo từng bệnh nhân, từng cơ quan nhạy cảm với tia X như mắt, tuyến giáp, tuyến vú, cơ quan sinh dục.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI): Máy tự động định vị bệnh nhân nhờ công nghệ AI. Camera Xtream thiết kế treo trần (hình 2) cho phép tự động phát hiện mốc giải phẩu và tự động căn chỉnh bệnh nhân, giúp tối ưu hóa liều bức xạ và chất lượng hình ảnh, tránh được các lỗi phát sinh so với chế độ định vị thông thường [2].
Hình 2. Camera AI Xtream thiết kế treo trần giúp định vị bệnh nhân hoàn toàn tự động.
Công nghệ hiệu chỉnh chuyển động mạch vành - SnapShot Freeze: Giảm độ mờ chuyển động của mạch vành đến 6 lần, hỗ trợ chẩn đoán bằng cách đóng băng chuyển động mạch vành ngay cả với bệnh nhân nhịp tim cao [3], với độ phân giải thời gian 29 mili giây.
Các ứng dụng chính
Chụp toàn thân
Chụp cắt lớp vi tính toàn thân (Hình 3) giúp phát hiện và sàng lọc ung thư ở giai đoạn sớm. Các khối u, bệnh lý ác tính được chẩn đoán sớm rất quan trọng, giúp tăng hiệu quả điều trị và mang lại cơ hội sống sót cho người bệnh.
Hình 3. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ngực – bụng – chậu trên máy cắt lớp vi tính 128 lát cắt.
Chụp và phân tích động mạch vành
Với độ phân giải thời gian 44 mili giây và tốc độ vòng quay 0,35 giây, hệ thống máy cắt lớp vi tính 128 lát cắt cho phép chụp mạch vành chỉ trong 5 nhịp (Hình 4). Ngoài ra, công nghệ SnapShot Freeze hỗ trợ chẩn đoán bằng cách đóng băng chuyển động mạch vành ngay cả với bệnh nhân nhịp tim cao với độ phân giải thời gian 29 mili giây. Phần mềm xử lý hình ảnh còn giúp mã hóa màu các mảng xơ vữa, hình ảnh 4D các valve và động mạch, đo lường thông số hẹp của mảng xơ vữa…
Hình 4. Hình ảnh cắt lớp vi tính động mạch vành trên máy cắt lớp vi tính 128 lát cắt.
Chụp và phân tích các mạch máu khác
Phần mềm VesselIQ Xpress và Autobone tự động xoá xương, chỉ hiển thị mạch máu, hỗ trợ bác sĩ hiển thị, đo đạc, phân tích hội chứng hẹp, phát hiện huyết khối, tự động định danh hệ thống mạch máu.
Hình 5. Hình ảnh động mạch cảnh – não (Hình A) và động mạch phổi – động mạch vành – động mạch chủ (Hình B) được phổ màu trên máy cắt lớp vi tính 128 lát cắt.
Đánh giá tưới máu não
Phần mềm kết hợp AI phân tích hình ảnh CT Perfusion liên quan đến đột quỵ, khối u tăng sinh mạch, cung cấp các giá trị tuyệt đối và tương đối trong phân loại mô (vùng tranh tối, tranh sáng, vùng nhồi máu).
Hình 6. Phần mềm phân tích tưới máu não.
Chụp cắt lớp vi tính phổi tầm soát liều thấp
Hệ thống máy cắt lớp vi tính 128 lát cắt có các chương trình chụp với liều xạ thấp, thời gian chụp nhanh và hình ảnh rõ ràng và sắc nét, giúp phát hiện các nốt mờ phổi, có ý nghĩa quan trọng trong việc sàng lọc ung thư phổi, giúp ngăn ngừa một số lượng đáng kể các ca tử vong liên quan đến ung thư phổi.
Nội soi ảo đại trực tràng
Phần mềm Colon Computer Aided Reading giúp làm nổi bật các cấu trúc hình cầu như polyp, khối u (Hình 7), đồng thời phân tích, đo kích thước tổn thương.
Hình 7. Hình ảnh nội soi ảo đại trực tràng từ cắt lớp vi tính.
Dựng hình 3D cơ xương khớp
Chế độ tái tạo 3D hiển thị hình ảnh hệ thống xương, khớp rõ nét ở dạng 3D (Hình 8), giúp các bác sĩ lâm sàng có cái nhìn trực quan nhất để lên kế hoạch phẫu thuật.
Hình 8. Hình ảnh cắt lớp vi tính phổ màu (Hình A, B) và dựng hình 3D (Hình C) cho bệnh nhân gãy đầu trên xương chày.
Phần mềm Metal Artifact Reduction (MAR) giúp giảm tối đa ảnh giả do nẹp vis và các phương tiện kết hợp xương (Hình 9).
Hình 9. Hình ảnh cắt lớp vi tính đầu dưới xương cẳng chân của bệnh nhân có phương tiện kết hợp xương khi không sử dụng MAR (hình A) và khi sử dụng MAR (hình B). Sử dụng MAR cho hình ảnh giảm nhiễu rõ rệt, tạo điều kiện cho việc dựng hình 3D đầu dưới xương cẳng chân (hình C).
Sinh thiết dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính
Sinh thiết tại các vị trí như phổi, xương, các tạng… để làm giải phẫu bệnh là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh lý ung thư [4, 5]. Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế với đội ngũ y bác sỹ nhiều kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại đã thực hiện thường quy kỹ thuật sinh thiết phổi, xương dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính, cho giá trị chẩn đoán cao, tiết kiệm thời gian, ít biến chứng (Hình 10).
Hình 10. Sinh thiết xương dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính. Hình A: Bác sĩ CĐHA thực hiện thủ thuật sinh thiết xương; hình B: hình ảnh sinh thiết dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính.
Các ứng dụng khác của hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt:
- Tự động đánh giá, phân tích tổn thương, lập kế hoạch điều trị u gan.
- Phân độ ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) theo LIRADS 2018.
- Phân tích phổi, đánh giá u phổi.
- Phân tích đường dẫn khí.
- Phân tích hình ảnh cắt lớp vi tính 2 mức năng lượng, sử dụng trong bệnh lý sỏi thận và gout.
- Hoà hình, đồng bộ các hình chụp CT, MRI, PET, SPECT để lập kế hoạch xạ trị.
- Bệnh lý nhi khoa: khả năng chụp nhanh với liều thấp, giúp giảm ảnh hưởng của tia X đến các bệnh nhi.
- Bệnh lý sản khoa: theo dõi và đánh giá điều trị bệnh lý tử cung, buồng trứng…
Kết luận
Với việc trang bị hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt thế hệ mới với nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế khẳng định cam kết không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, phục vụ tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Tài liệu tham khảo
1. Fan J, Yue M, Melnyk R. Benefits of ASiR-V reconstruction for reducing patient radiation dose and preserving diagnostic quality in CT exams. White paper, GE Healthcare. 2014.
2. Gang Y, Chen X, Li H, Wang H, Li J, Guo Y, et al. A comparison between manual and artificial intelligence–based automatic positioning in CT imaging for COVID-19 patients. European Radiology. 2021;31(8):6049-58.
3. Wu Z, Han Q, Liang Y, Zheng Z, Wu M, Ai Z, et al. Enhancing diagnostic performance and image quality in coronary CT angiography: Impact of SnapShot Freeze 2 algorithm across varied heart rates in stent patients. J Appl Clin Med Phys. 2024;25(8):e14412.
4. Mavrogenis, A. F., Altsitzioglou, P., Tsukamoto, S., & Errani, C. (2024). Biopsy Techniques for Musculoskeletal Tumors: Basic Principles and Specialized Techniques. Current Oncology, 31(2), 900-917.
5. Nooreldeen, R., & Bach, H. (2021). Current and future development in lung cancer diagnosis. International journal of molecular sciences, 22(16), 8661.