Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Hữu Ngọc Minh*
Khoa/Bộ môn Tai Mũi Họng - Trường Đại học Y Dược Huế
Ung thư thanh quản là bệnh lý khối u ác tính xuất phát chủ yếu từ lớp biểu mô trong lòng thanh quản, thường gặp là ung thư dây thanh. Đây là loại ung thư đứng hàng thứ 2 trong các ung thư đường hô hấp sau ung thư phổi, với tỷ lệ mắc ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Dù vậy, ung thư thanh quản nếu được phát hiện và điều trị kịp thời ở giai đoạn sớm có thể khỏi với tỷ lệ trên 80%.
Làm sao để phát hiện ung thư dây thanh giai đoạn sớm ?
Các triệu chứng trong ung thư dây thanh giai đoạn sớm (với T1a, T1b) thường rất kín đáo, chủ yếu là khàn tiếng, âm sắc thô, với đặc điểm tiến triển chậm, ngày càng tăng dần và không tự khỏi. Đa số bệnh nhân thường chủ quan dẫn tới việc đi khám ở giai đoạn đã muộn. Do đó, đối với các trường hợp khàn tiếng kéo dài, điều trị nội khoa nhiều lần không đỡ, có yếu tố nguy cơ cao như hút thuốc lá… cần được nội soi tai mũi họng để tầm soát ung thư thanh quản. Đây là bước rất quan trọng giúp phát hiện, điều trị sớm và mang lại cơ hội thành công cao.
Các phương pháp nào điều trị ung thư dây thanh giai đoạn sớm ?
Hai phương pháp phẫu thuật bảo tồn thường được sử dụng để cắt bỏ khối u giới hạn ở 1/3 giữa dây thanh là nội soi vi phẫu thanh quản sử dụng laser CO2 hoặc mở sụn giáp cắt dây thanh.
Nội soi vi phẫu thanh quản có sử dụng laser là một trong những kỹ thuật có hiệu quả bảo tồn chức năng thanh quản và tỷ lệ hồi phục sau mổ nhanh. Tuy nhiên, phương pháp này có một số hạn chế như giá thành khá cao, một số trường hợp phẫu thuật khó khăn nếu không bộc lộ được hết tổn thương do khối u ở sát mép trước hay do bệnh nhân mập, cổ ngắn, răng vẩu, há miệng hạn chế,...
Phẫu thuật mở sụn giáp cắt dây thanh giúp phẫu thuật viên bộc lộ rõ, quan sát và đánh giá tốt tình trạng khối u về đại thể để quyết định vùng phẫu thuật và kỹ thuật cắt dây thanh hay cắt bán phần thanh quản. Đồng thời khắc phục được những hạn chế của nội soi vi phẫu cắt thanh quản bằng laser. Đây là kỹ thuật đã được thực hiện tại Bệnh viện trường Đại học Y Dược Huế trong điều trị ung thư dây thanh giai đoạn sớm.
Tiên lượng của ung thư dây thanh giai đoạn sớm?
Tiên lượng phụ thuộc vào giai đoạn, thể giải phẫu bệnh và thời điểm can thiệp. Đối với ung thư dây thanh giai đoạn sớm (với T1a, T1b), khả năng điều trị khỏi thường cao vì tiến triển bệnh tương đối chậm do mô liên kết dưới niêm mạc của dây thanh thường dày đặc và mạng lưới bạch mạch ít.
Kết quả giải phẫu bệnh các mẫu sinh thiết rìa sau khi đã cắt bỏ khối u với ranh giới an toàn rất quan trọng, quyết định hướng điều trị tiếp theo sau phẫu thuật. Nếu mẫu bệnh phẩm sinh thiết rìa có kết quả dương tính, bệnh nhân sẽ được xạ trị hỗ trợ, tiếp tục theo dõi và đánh giá sau xạ trị (theo NCCN-National Comprehensive Cancer Network). Ngoài ra, theo các nghiên cứu cho thấy, xạ trị đơn thuần cũng cho kết quả thành công cao, cùng với bảo tồn chức năng đối với ung thư thanh quản giai đoạn sớm.
Một trường hợp ung thư dây thanh giai đoạn sớm vừa được điều trị tại Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện trường Đại học Y Dược Huế
Bệnh nhân N.V.D., nam, 58 tuổi, địa chỉ tại Phú Hậu - Huế, có tiền sử hút thuốc lá 43 gói/năm, khàn tiếng kéo dài hơn 5 tháng. Bệnh nhân đến khám và nội soi tại Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Trường Đại học Y Dược, được phát hiện khối u sùi khu trú ở 1/3 giữa dây thanh phải, dây thanh di động tốt. Nội soi treo vi phẫu thanh quản cắt u làm giải phẫu bệnh với kết quả: Carcinoma tế bào vảy. Bệnh nhân được chẩn đoán là Ung thư dây thanh phải, giai đoạn I với phân loại cTNM là T1aN0M0, nên được chỉ định cắt dây thanh phải. Nội soi treo thanh quản ở bệnh nhân này khó bộc lộ và quan sát hoàn toàn được mép trước dây thanh. Bệnh nhân được chỉ định cắt u dây thanh phải với ranh giới an toàn qua đường mở sụn giáp và tái tạo dây thanh bằng niêm mạc tại chỗ, bảo tồn chức năng nói cho bệnh nhân sau mổ. Lấy bỏ bệnh phẩm khối u và sinh thiết rìa tại 4 vị trí: mép trước dây thanh đối bên (bên trái), mép trên dây thanh phải (đáy băng thanh thất), mép dưới dây thanh phải (hạ thanh môn), mép sau dây thanh phải (gần sụn phễu) nhằm đánh giá phân độ, tiên lượng sau mổ, cũng như đưa ra hướng xử trí tiếp theo. Theo dõi hậu phẫu: vết mổ liền tốt, bệnh nhân nói được, dây thanh còn lại di động tốt.
Như vậy, ung thư dây thanh giai đoạn sớm có thể điều trị và cho kết quả khả quan. Do đó, mỗi người cần có ý thức tự phát hiện triệu chứng sớm và đến thăm khám tại cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để không bỏ lỡ giai đoạn vàng trong điều trị.
Tài liệu tham khảo
1. Flint P.W.et al (2015). Chapter 106: Malignant tumors of the larynx, Cumming’s Otolaryngology - Head and Neck Surgery, 6th edition, Mosby, Philadelphia,1601-1634.
2. Riccardo N., Gabriele M., Camilla M.et al (2020). Updates on larynx cancer epidemiology, Chinese Journal of Cancer Research, 32(1),18–25.
3. Baird, B. J., Sung, C. K., Beadle, B. M., & Divi, V. (2018). Treatment of early-stage laryngeal cancer: A comparison of treatment options. Oral Oncology, 87, 8–16.