• 41 & 51 Nguyễn Huệ, Phường Vĩnh Ninh, TP Huế
Cấp cứu 24/7
(0234)3837777
Đường dây nóng
0962871919

31

10

Ứng dụng kỹ thuật hồi sức hiện đại cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hoàn hô hấp kéo dài tại Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Huế

31-10-2023 KHOA GÂY MÊ - HỒI SỨC - CẤP CỨU - CHỐNG ĐỘC
Ngày 08 tháng 10 năm 2023, Trung tâm Cấp cứu - Đột quỵ Bệnh viện trường Đại học Y - Dược Huế tiếp nhận bệnh nhân nam Phan T. 28 tuổi là quân nhân vừa xuất ngũ, nhập viện vì yếu tay chân tăng dần trong 3 ngày, không tự đi lại được. Khi vào Trung tâm Cấp cứu - Đột quỵ, bệnh nhân còn tiếp xúc được, cơ lực tứ chi yếu, chỉ còn 1/5 đến 2/5 do tình trạng hạ kali máu nặng (1,51 mmol/L) trên nền bệnh lý nhiễm độc giáp (TSH 0,008 uIU/mL, FT4 3,21 ng/dL). Mặc dù đã được chẩn đoán và xử trí rất sớm với bù dịch kèm kali nhưng tình trạng loạn nhịp tim xuất hiện nhanh chóng, bệnh nhân rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn hô hấp do rung thất. Trung tâm Cấp cứu - Đột quỵ nhanh chóng kích hoạt quy trình báo động đỏ phối hợp khoa Gây mê Hồi sức Cấp cứu - Chống độc tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp nâng cao theo phác đồ, sốc điện, dùng thuốc chống loạn nhịp amiodaron, tiếp tục bù kali. Sau 40 phút cấp cứu, tuần hoàn hô hấp của bệnh nhân được tái lập trở lại và được chuyển vào Đơn vị Hồi sức Tích cực,

Hình 1. Hình ảnh rung thất trên điện tâm đồ của bệnh nhân T.

Nhận thấy đây là một trường hợp nặng sau ngừng tuần hoàn hô hấp kéo dài do rối loạn điện giải nặng trên nền bệnh lý nhiễm độc giáp, đơn vị Hồi sức Tích cực khẩn trương nhận bệnh, hội chẩn liên chuyên khoa và hội chẩn toàn viện, đồng thời lên kế hoạch điều trị hợp lý và kịp thời. Bệnh nhân T được tiếp tục thông khí nhân tạo bằng máy thở, điều trị hồi sức tích cực với mục đích bảo vệ não, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, điều chỉnh các rối loạn nội môi và hỗ trợ các tạng khác trong cơ thể. Các đích điều trị hồi sức về hô hấp và tuần hoàn đạt được, bệnh nhân mở mắt và cử động tay chân theo yêu cầu sau khi ngừng thuốc an thần. Tuy nhiên, bệnh nhân xuất hiện thiểu niệu và vô niệu nhanh chóng do xảy ra tình trạng tiêu cơ vân cấp (CK máu tăng từ 155 lên 13628 U/L). Đây là một bối cảnh lâm sàng thường gặp sau ngừng tuần hoàn hô hấp và là một thách thức với các bác sĩ hồi sức. Tình trạng tổn thương thận cấp tăng nhanh (creatinin máu tăng từ 61 μmol/L lên 251 μmol/L) gây ra tình trạng nhiễm toan chuyển hoá nặng (pH 7,098, HCO3- 11,3 mmol/L), ứ đọng các sản phẩm chuyển hoá, kali máu tăng nhanh từ 2,45 lên 6,52 mmol/L trong vòng 6 giờ. Khoa Gây mê Hồi sức Cấp cứu - Chống độc hội chẩn nhanh và quyết định tiến hành lọc máu liên tục để hỗ trợ sớm chức năng thận, giải quyết tình trạng nhiễm toan, tăng kali máu, đồng thời tăng cường đào thải myoglobin là nguyên nhân gây tắc ống thận gây suy thận cấp. Lọc máu liên tục (CRRT - Continuous renal replacement therapy) là một trong những kỹ thuật hồi sức hiện đại được sử dụng để thay thế chức năng thận do tổn thương thận cấp tính, ngoài ra còn có thể áp dụng để loại bỏ một số chất độc bị nhiễm từ bên ngoài vào hoặc được tạo ra do các bệnh lý mắc phải. Khác với lọc máu ngắt quãng (chạy thận nhân tạo), quá trình lọc máu liên tục được tiến hành một cách từ từ nên an toàn đối với những bệnh nhân có huyết động không ổn định, quá trình thực hiện trong suốt 24 giờ/ngày và kéo dài nhiều ngày cho đến khi tình trạng chức năng thận bệnh nhân hồi phục.

Hồi sức cho bệnh nhân sau ngừng tuần hoàn hô hấp kéo dài là một thử thách vì tất cả các cơ quan trong cơ thể đều bị ảnh hưởng và thay đổi rất lớn. Bên cạnh việc thông khí nhân tạo bằng máy thở (09 ngày), hỗ trợ tuần hoàn, ứng dụng nhiều chế độ lọc máu liên tục phù hợp theo từng giai đoạn bệnh lý (07 ngày), quá trình hồi sức bệnh nhân Phan T. được tiến hành một cách toàn diện với việc ứng dụng siêu âm trong đánh giá chức năng tim phổi, nội soi phế quản giải quyết tình trạng xẹp phổi và lấy bệnh phẩm xét nghiệm, sử dụng các gói chăm sóc hô hấp, dự phòng nhiễm khuẩn, sử dụng kháng sinh hợp lý theo từng giai đoạn, hồi phục chức năng thận, sử dụng chống đông, điều chỉnh điện giải toan kiềm, thuốc kháng giáp, dinh dưỡng và tập phục hồi chức năng sớm là vấn đề được đội ngũ nhân viên của Khoa quan tâm hằng giờ, hằng ngày. Sau 10 ngày chăm sóc và điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân ổn định và được rút nội khí quản, chức năng các tạng trở lại gần như bình thường đặc biệt là bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, bệnh nhân có thể tự mình thực hiện chăm sóc cá nhân, quay trở lại với cuộc sống bình thường trước đó mặc dù đã ngừng tuần hoàn hô hấp trong thời gian dài.

Hình 2. Ứng dụng các kỹ thuật hồi sức hiện đại trong chăm sóc bệnh nhân nặng

Việc điều trị thành công của trường hợp bệnh nặng trên cho thấy vai trò của xử trí cấp cứu ban đầu cực kỳ quan trọng, đặc biệt là quá trình cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp nâng cao đạt chất lượng cao; quá trình chăm sóc hồi sức tích cực một cách toàn diện với việc ứng dụng các kỹ thuật hiện đại như thông khí nhân tạo bằng máy thở, lọc máu liên tục, nội soi phế quản, ứng dụng siêu âm... và sự phối hợp đa chuyên khoa trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân như các chuyên khoa nội tiết, chuyên khoa nội thận, chuyên khoa phục hồi chức năng.

Hình 3. Giai đoạn hồi phục tại đơn vị Hồi sức Tích cực

Hạ kali nặng do nhiễm độc giáp gây yếu liệt chi hay còn gọi liệt chu kỳ do nhiễm độc giáp (Thyrotoxic periodic paralysis), là một rối loạn hiếm gặp ở nam giới, độ tuổi thường gặp từ 20 - 40 tuổi và không có tiền sử gia đình. Triệu chứng lâm sàng biểu hiện bởi yếu liệt đột ngột cơ ngoại biên (tay, chân), xét nghiệm có hạ kali máu. Đây là bệnh cảnh thứ phát do nhiễm độc giáp và yếu liệt xảy ra chủ yếu ở chi dưới. Bệnh diễn tiến nặng hơn, có thể gây rối loạn nhịp tim nặng dẫn đến ngừng tuần hoàn hô hấp và tử vong nhanh chóng nếu không được xử trí kịp thời. Qua trường hợp người quân nhân khoẻ mạnh này, người dân cần cảnh giác và thận trọng khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường như yếu liệt tứ chi, mạch nhanh, sụt cân nhanh, ngất. Không được chủ quan, chần chừ mà cần đi khám ngay, không đợi đến khi các triệu chứng không hết hoặc nặng lên mới đi khám. Việc phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời giúp nhanh chóng kiểm soát được bệnh tật, tránh các biến chứng, gánh nặng đáng tiếc có thể xảy ra.  

Hình 4: Bệnh nhân và người nhà gửi lời cảm ơn đến các y bác sĩ Bệnh viện Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC
Bệnh Viện Trường Đại Học Y Dược Huế Điều Trị Thành Công Bệnh Nhân 94 Tuổi Xuất Huyết Tiêu Hóa Nặng
Chỉnh hình sụn giáp giúp cải thiện lâu dài chỉ số giọng nói MPT “thời gian phát âm tối đa” ở bệnh nhân liệt dây thanh một bên
Xem tiếp...
THEO DÒNG SỰ KIỆN
Thông tin Hội nghị Khoa học
Hoạt động chào mừng sự kiện

Phòng Vật tư - Trang thiết bị

Thông báo mời chào giá Mua Vật tư xét nghiệm Real-time PCR

22-04-2024
Phòng Vật tư - Trang thiết bị

Thông báo mời chào giá Mua Đĩa Petri cấy NUNC 90mm

22-04-2024
Phòng Vật tư - Trang thiết bị

Thông báo mời chào giá Mua Catheter chụp mạch não

22-04-2024

Tin cập nhật