PGS.TS. Phạm Anh Vũ
Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế
Giới thiệu
Thoát vị bẹn (TVB) là một trong những bệnh lý phổ biến nhất ở trẻ em và trẻ sơ sinh với tỉ lệ mắc cao nhất trong giai đoạn 3 tháng đầu đời. Thuật ngữ “Thoát vị bẹn” được mô tả từ Hy Lạp cổ đại. Tỷ lệ mắc thoát vị bẹn trong đời là 5% đối với nam. Thoát vị bẹn ở nam giới gấp 5-10 lần so với nữ. Tỷ lệ này thường gặp cao nhất dưới 1 tuổi ở nam và 4,7 tuổi ở nữ. Thoát vị bẹn thường gặp nhiều hơn ở bên phải. Nguy cơ cao thoát vị bẹn nghẹt ở trẻ sơ sinh và khả năng không đóng kín được lỗ thoát vị ở trẻ nhỏ cần phải đặt ra vấn đề phẫu thuật sớm.
Hình 1. Đi từ trái sang phải (Bình thường, tràn dịch màng tinh hoàn, tràn dịch màng tinh thể thông, thoát vị bẹn, thoát vị bẹn hoàn toàn).
Yếu tố nguy cơ và liên quan
Mối liên quan phổ biến nhất là vấn đề sinh non gây gián đoạn quá trình di chuyển đi xuống bình thường của tinh hoàn gây ra tình trạng chưa đóng kín ống phúc tinh mạc. Một trong những yếu tố nguy cơ khác là yếu tố tăng áp lực ổ bụng và viêm phổi mạn tính trong thời kỳ phôi thai làm tăng khả năng mắc thoát vị bẹn.
Phân loại
Thuật ngữ thoát vị bẹn bao gồm thoát vị bẹn gián tiếp, trực tiếp, thoát vị đùi. Thoát vị bẹn ở trẻ em hầu hết là thoát vị bẹn gián tiếp. Thoát vị Pantaloon là loại thường gặp ở trẻ sơ sinh với thoát vị bẹn gián tiếp + trực tiếp.
Chẩn đoán
Chẩn đoán thoát vị bẹn dựa vào lâm sàng xuất hiện khối phồng ở vùng bẹn, tăng kích thước khi làm tăng áp lực ổ bụng như khóc, ho, chạy nhảy… hoặc trong lịch sử bệnh nhân xuất hiện khối phồng ở nhà được cha mẹ ghi nhận lại. Thoát vị bẹn nghẹt cần phải được phát hiện sớm với các dấu hiệu trẻ khóc nhiều, nôn mửa, đau nhiều ở khối phồng,… vì những biến chứng nguy hiểm của nó như hoại tử tạng thoát vị, tắc ruột… Siêu âm kiểm tra phát hiện tạng thoát vị, hình ảnh túi thoát vị.
Điều trị
Phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị thoát vị bẹn. Thời điểm phẫu thuật nên chọn là ngay sau khi chẩn đoán, để giảm đáng kể các biến chứng có thể xảy ra. Đối với trẻ sơ sinh non tháng, việc phẫu thuật sớm khi trẻ đạt được 2kg cân nặng trái ngược với các quan điểm trước đây. Ở trẻ nhỏ <1 tuổi, nguy cơ biến chứng thoát vị bẹn nghẹt tăng gấp đôi và thời gian phẫu thuật kéo dài hơn so với lứa tuổi lớn. Hiện nay, phẫu thuật mở thắt cao túi thoát vị thường được nhiều nơi trên thế giới áp dụng để điều trị bệnh nhân thoát vị bẹn. Với vết mổ trung bình từ 2-3cm ở vùng bẹn để phẫu tích tách túi thoát vị khỏi thừng tinh (Hình 2)
Hình 2. A. Tách túi thoát vị ra khỏi thừng tinh, B. Thắt túi thoát vị, C. Vết mổ sau phẫu thuật
Phẫu thuật nội soi ngày nay đang trở thành xu thế để điều trị các bệnh lý ngoại khoa nói chung cũng như thoát vị bẹn ở người lớn và trẻ em. Do các ưu, nhược điểm của phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn trẻ em nên vấn đề lựa chọn phương pháp phẫu thuật của các phẫu thuật viên còn gây nhiều tranh cãi tính hợp lý chưa hẳn vượt trội của phẫu thuật nội soi so với mổ mở. Với các ưu điểm về giảm đau sau phẫu thuật, giảm thời gian phục hồi sau mổ và thẩm mỹ. Nhược điểm bao gồm tăng thời gian, chi phí, và thời gian huấn luyện phẫu thuật. Phẫu thuật nội soi được Montupet báo cáo từ năm 1993 với kỹ thuật xâm nhập trong ổ phúc mạc với mũi khâu chỉ vòng quanh tại vị trí lỗ bẹn trong. Phẫu thuật nội soi (PTNS) sửa chữa thoát vị bẹn chia làm hai loại chính đó là PTNS sửa chữa bên trong ổ phúc mạc và PTNS hỗ trợ sửa chữa bên ngoài cơ thể.
Phẫu thuật sửa chữa ngoài cơ thể nội soi hỗ trợ với nhiều ưu điểm về tính thẩm mỹ cao (chỉ một vết rạch da nhỏ 5mm ở vị trí rốn và một vị trí tương ứng lỗ bẹn sâu bên ngoài thành bụng <5mm) có tính khả thi cao và nhiều nơi trên thế giới bắt đầu triển khai.
Là một trong những trung tâm đầu tiên triển khai PTNS sửa chữa bên ngoài nội soi hỗ trợ, tại khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế, chúng tôi đã triển khai thành công mổ nội soi thoát vị bẹn trẻ em với dụng cụ ống soi <5mm kèm 1 kim nhỏ (catheter thông thường). Không cần dụng cụ phẫu thuật nội soi chuyên dụng cho trẻ em (giá thành cao và dễ hỏng), không cần các loại kim chuyên dụng (giá thành cao).
Các bước thực hiện như sau:
1. Đặt trocart nhỏ ở rốn, quan sát bằng ống soi <5mm. (Ảnh 1)
2. Phía trong của lỗ bẹn sâu: Xuyên catheter 16G vào khoang trước phúc mạc, phía ngoài của bó mạch thượng vị dưới. Xuyên kim vào phúc mạc sau khi đã tách qua ống dẫn tinh/dây chằng tròn. Đặt thòng lọng chỉ chờ.
3. Phía ngoài của lỗ bẹn sâu: Xuyên catheter 16G vào khoang trước phúc mạc. Xuyên kim vào phúc mạc sau khi đã tách qua bó mạch sinh dục. Đưa chỉ qua catheter vào thòng lọng đợi sẵn.
4. Rút chỉ, khâu buộc chỉ chôn dưới da. (Ảnh 2,3)
Phẫu thuật khả thi, có thể thực hiện cho tất cả các độ tuổi của trẻ thoát vị và thậm chí thoát vị nghẹt đến sớm. Với kỹ thuật xâm lấn tối thiếu, thời gian mổ ngắn, đảm bảo tính thẩm mỹ, không cần khâu da, trẻ có thể ra viện trong ngày.
Ảnh 1: Quan sát qua nội soi: lỗ bẹn sâu (mũi tên xanh lục), bó mạch sinh dục (mũi tên đỏ), ống dẫn tinh (mũi tên vàng)
Ảnh 2: Mũi chỉ vòng qua lỗ bẹn sâu trước khi buộc
Ảnh 3: Lỗ bẹn sâu thu hẹp khi rút chỉ
Ảnh 4: Vết rạch da nhỏ (xanh lục), không cần khâu da. Vết mổ cũ thoát vị bẹn bên trái cách 4 năm (mũi tên vàng)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chris R (2020), Inguinal hernia in children, Uptodate, 1-34
2. Glick PL and Boulanger SC (2012), Chapter 76 - Inguinal Hernias and Hydroceles, Pediatric Surgery 7th Ed, Elsevier, 985-1001
3. Snyder CL (2020),Chapter - 50Inguinal hernia,Holcomb and Ashcraft’s
Pediatric Surgery, Elsevier, 784-804.
4. Wester T (2009), chapter 51 - Hernias, Pediatric Surgery, Springer, 497-506.