Lúc 17 giờ 30 phút ngày 15 tháng 5 năm 2020, Trung tâm Cấp cứu – Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế tiếp nhận một bệnh nhân nam, được người đi đường phát hiện nằm bất tỉnh bên vệ đường nên đưa vào viện. Bệnh nhân khoảng 50 tuổi, thể trạng gầy, tím tái, hôn mê, mạch nhanh 120 lần/phút, huyết áp giảm còn 80/40 mmHg, phổi nhiều ran rít ran ngáy. Nhận định đây là một trường hợp rất nguy kịch, đe dọa ngừng tuần hoàn hô hấp trong thời gian ngắn, kíp trực đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp ổn định chức năng sống gồm đặt nội khí quản và thông khí hỗ trợ, đặt đường truyền tĩnh mạch để bù dịch và sử dụng các thuốc trợ tim. Các dấu hiệu sống dần ổn định, tuy nhiên trên lâm sàng bệnh nhân vẫn còn hôn mê, phổi nghe còn nhiều ran co thắt đường thở, hút trong ống nội khí quản ra nhiều đàm trắng đục, khí máu động mạch cho thấy bệnh nhân bị suy hô hấp nặng. Qua tìm hiểu người đưa bệnh nhân vào viện không có bất kỳ thông tin nào về bệnh nhân, bệnh nhân không có giấy tờ tùy thân và không có điện thoại liên lạc. Kiểm tra trên người bệnh nhân tìm thấy một số loại thuốc như bình xịt Ventolin và Theophyllin gợi ý tình trạng hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trước đây của bệnh nhân. Sau khi xin ý kiến của Lãnh đạo bệnh viện, bệnh nhân nhanh chóngđược chuyển đến Đơn vị Hồi sức cấp cứu – Khoa Gây mê - Hồi sức - Cấp cứu - Chống độc để điều trị, đồng thời báo cáo Công an Thành phố đến làm việc để xác định danh tính và tìm thân nhân người bệnh. Bệnh nhân được nhập viện với một cái tên “Vô danh” được ghi trên bệnh án và các giấy tờ xét nghiệm. Mặc dù không có viện phí cũng như không có bảo hiểm y tế nhưng bệnh nhân vẫn được thực hiện các chỉ định điều trị đầy đủ phù hợp với tình trạng nguy kịch của bệnh nhân. Trong suốt hai ngày điều trị cho bệnh nhân, với tinh thần hết lòng vì người bệnh, đội ngũ nhân viên của khoa đã thực hiện chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, từ chăm sóc vệ sinh, nuôi dưỡng và các điều trị khác. Tình trạng bệnh cải thiện sau khi được chăm sóc và điều trị tích cực. Sau 3 ngày điều trị bệnh nhân tỉnh táo, không cần hỗ trợ thở máy nữa và được rút ống nội khí quản. Tình trạng khó thở cải thiện nhiều, bệnh nhân có thể tự ăn uống và chăm sóc bản thân.
Mặt khác, bằng các kỹ thuật nghiệp vụ của Công an và sự hỗ trợ của phương tiện thông tin đại chúng cũng như sự lan truyền thông tin trên trang fanpage Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, sau hai ngày thân nhân đã tới bệnh viện để xác định người thân, trả lại tên thật cho bệnh nhân. Bệnh nhân tên là Trương Phi L., 55 tuổi, ở phường An Tây, thành phố Huế.
Tuy nhiên, hoàn cảnh bệnh nhân và gia đình thuộc diện hộ nghèo, bản thân bệnh nhân lại không có bảo hiểm y tế nên khó khăn chồng chất khó khăn. Vợ bệnh nhân bị bệnh tâm thần hiện đang ở quê ngoại tại tỉnh Quảng Trị trong tình trạng nằm liệt giường. Số tiền được người nhà tích góp, vay mượn cũng không đủ chi phí những ngày nằm điều trị tại hồi sức. Các cán bộ, nhân viên trong khoa lại tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ từ các tổ chức và cá nhân thiện nguyện để hỗ trợ bệnh nhân trang trải chi phí điều trị, vượt qua cơn bạo bệnh. Ngoài ra, Lãnh đạo bệnh viện cũng xem xét giảm một phần kinh phí cho bệnh nhân.
Cuối cùng, bệnh nhân cũng đã được xuất viện trong niềmvui mừng và hạnh phúc của gia đình cũng như tập thể cán bộ và nhân viên trong khoa. Hy vọng bệnh nhân sẽ cố gắng vượt qua những khó khăn và sớm ổn định cuộc sống của mình. Với nhân viên y tế chúng tôi chỉ thấy đơn giản rằng: “Hạnh phúc là sẻ chia”.
BS. Trần Vũ Huấn
Khoa Gây mê - Hồi sức - Cấp cứu - Chống độc
Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế