Chị Nguyễn Thị H. trú tại Hoàng Mai, Hà Nội là bệnh nhân Covid-19 số 195 hiện vẫn chưa quên căn bệnh đến với chị như một tai nạn không báo trước. Chị là nhân viên của Công ty Trường Sinh và làm việc tại căng tin BV Bạch Mai. Từ đầu mùa dịch, chị H. hiểu rằng dịch bệnh nguy hiểm thế nào nên luôn luôn chủ động phòng bệnh cho mình và gia đình. Chị luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người lạ. Chị H, kể 18 năm làm việc ở đây và trải qua biết bao mùa dịch,chị chưa khi nào nhiễm bệnh và có nhiều kinh nghiệm tự phòng bệnh cá nhân. Trong mùa dịch, chị vô tình trở thành bệnh nhân số 195.
Khi có ca đầu tiên ở Công ty Trường Sinh, chị H. chỉ ở nhà không tiếp xúc với ai và chờ ngày xét nghiệm. Khi biết kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, chị được đưa sang BV Bệnh nhiệt đới cơ sở 2 ở Đông Anh. Người thân của chị được đưa đi cách ly tại BV Thanh Nhàn. Những ngày đầu nằm viện, chị H. vô cùng hoang mang khi thấy trên mạng người ta mắng chửi chị. Chị H, không trốn bệnh viện, không trốn cách ly, nhưng mạng xã hội đồn chị trốn bệnh viện về nhà bị công an giải đi rồi làm liên lụy tới hàng xóm.
Chị H. vô cùng mệt mỏi. Đêm nào cũng thức không thể ngủ nổi. 1,2 h sáng có bệnh nhân mới vào chị H, lại ào ra xem có ai là người nhà của mình không. Với chị đó là những ngày tháng vô cùng áp lực. Bản thân chị bị bệnh thì không sao, nhưng sợ nhất là ảnh hưởng tới người thân. Chị ngóng chờ tin tức của những ca F1 tiếp xúc với mình.
Chị H. không có triệu chứng của bệnh nhưng khi vào viện sử dụng thuốc kháng virus chị thấy người mệt hơn, miệng khô hơn, ăn uống không ngon. Sau 20 ngày điều trị thuốc chị H. có kết quả âm tính nhưng trong phòng bệnh có người tái dương tính. Cứ như thế, chị H, phải đếm đi đếm lại số ngày cách ly và ở viện gần 2 tháng mới được về nhà cách ly tại nhà. Dù đã trải qua 5 lần xét nghiệm âm tính khi cách ly ở nhà nhưng chị H. vẫn bị kỳ thị. Có người còn gọi chị là “con covid”.
Chị H. khỏi bệnh cũng là lúc chị mất việc. Chị phải tìm một công việc khác để đi làm nhưng cũng không dễ. Hai tuần trước, chị H, mới tìm được công việc làm bảo vệ dưới kho của một siêu thị. Công việc đó chị hầu như ít tiếp xúc với mọi người. Từ bệnh nhân Covid-19, chị hiểu được mình may mắn khi không có biến chứng nặng. Chị H. đã hiến huyết tương để cứu bệnh nhân nặng.
Cùng với chị H., chị H.T.T. bệnh nhân số 196 trú tại Thường Tín, Hà Nội cũng tương tự. Chị H, tâm sự chị cũng khổ sở vì bị cộng đồng mạng chửi, người ta chửi chị chồng đi cách ly còn cố tình đi ship hàng gieo rắt virus khắp nơi. Trong khi đó, chị hoàn toàn ở nhà và chồng chị vẫn đi làm bình thường. Chỉ đến 29/3 mới được đưa đi cách ly. Áp lực từ mạng xã hội khiến chị T. như ngã qụy. May mắn lúc đó có các nhân viên y tế luôn ở bên động viên, cổ vũ tinh thần, chăm sóc cho chị từ miếng ăn, thuốc uống.
Chị T. cũng có thời gian điều trị Covid-19 dài ngày tới gần 3 tháng. Dù không có biến chứng gì, cơ thể khoẻ mạnh nhưng cứ âm tính rồi lại dương tính. Sau khi ra viện, chị hoàn thành cách ly tại nhà 1 tháng nhưng mỗi lần ra đường chị vẫn nhìn thấy nhiều ánh mắt ái ngại. Có những lần đi mua bỉm, sữa cho con, chị T. thấy người bán hàng còn chạy vào lấy khẩu trang ra mới nói chuyện với chị.
Anh H.H.D, 42 tuổi, giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội là bệnh nhân covid-19 số 109, anh D. đi nước ngoài và về nước được cách ly luôn. Khi điều trị xong hơn 1 tháng anh trở về nhà và hoàn thành thêm cách ly tại nhà 1 tháng. Anh thuận tiện hơn là làm việc qua mạng, nhưng thời gian ở viện, nhiều bạn bè, người quen trong viện mắc covid-19 bị kỳ thị, anh D. cũng thấy buồn.
Anh D. kể có người đồng bệnh nằm cùng phòng anh lúc nào cũng ủ rũ vì người thân, con cái bị kỳ thị vì người ta bị Covid-19. Anh D. cho biết virus có loại trừ ai đâu và ai không may mắn thì mắc bệnh như một tai nạn.
Theo ThS.BS Đồng Phú Khiêm - Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng người bị nhiễm Covid-19 khi trở về cộng đồng họ bị kỳ thị. Có những bệnh nhân tâm sự họ bị mất việc, họ không thể đi làm thậm chí trở thành “tội đồ” mang dịch bệnh về cho làng xóm, đống nghiệp.
Bác sĩ Khiêm cho biết, kỳ thị người bệnh chỉ khiến công tác phòng chống dịch khó hơn, bởi vì sợ bị kỳ thị nên những người có yếu tố nguy cơ họ không chịu khai báo y tế thậm chí có dấu hiệu cũng không dám tới bệnh viện khám.
Bác sĩ Khiêm chia sẻ, hiện nay các bệnh nhân đã điều trị Covid-19 khỏi đang tích cực hỗ trợ công tác nghiên cứu điều trị bệnh nhân Covid-19 năng hơn. Họ sẵn sàng hiến huyết tương để cứu người khác. Bác sĩ Khiêm cho rằng, cộng đồng nên thông cảm và chia sẻ với người bệnh nhiều hơn để có thể chiến thắng dịch bệnh sớm hơn, nhanh hơn.
Pháp luật nghiêm cấm lợi dụng tình trạng dịch bệnh để lấy thông tin cá nhân nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Tùy vào hành vi, mục đích hành vi cụ thể có thể xử phạt hành chính hoặc khởi tố hình sự về các tội làm nhục người khác, vu khống…
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.
Ngoài ra, nếu hành vi này nghiêm trọng, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội làm nhục người khác, có thể bị phạt tù lên đến 5 năm.
Theo suckhoedoisong.vn