• 41 & 51 Nguyễn Huệ, Phường Vĩnh Ninh, TP Huế
Cấp cứu 24/7
(0234)3837777
Đường dây nóng
0962871919

30

04

Cấp cứu bệnh nhân đột quỵ não bằng thuốc tiêu sợi huyết tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế

30-04-2023 Trung tâm Cấp cứu đa khoa và Đột quỵ
Ngày 25/4/2023, một bệnh nhân đột quỵ được đưa đến Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế sau 30 phút từ khi có triệu chứng. Ngay lập tức, bệnh nhân được chụp CT Scan và MRI sọ não cấp cứu, chẩn đoán xác định nhồi máu não tối cấp, được chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết ngay trên bàn chụp chỉ sau 34 phút kể từ khi đến bệnh viện. Kết quả, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn ngôn ngữ và vận động tay chân sau 30 phút dùng thuốc tiêu sợi huyết.

Đột quỵ não

Đột quỵ não là nguyên nhân hàng thứ hai gây tử vong trên thế giới và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Cùng với sự phát triển của y học thế giới trong vài thập niên gần đây trong điều trị đột quỵ, Việt Nam nói chung và Trung tâm Cấp cứu - Đột quỵ thuộc bệnh viện Đại học Y Dược Huế nói riêng cũng đã bắt đầu áp dụng các phương pháp mới điều trị đột quỵ với mục tiêu cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân mà đặc biệt là giảm mức độ tàn phế sau tai biến mạch máu não. Trong đó, lợi ích đã được thấy rõ với phương pháp điều trị tiêu sợi huyết (thuốc ly giải cục máu đông) cho bệnh nhân nhồi máu não (tắc mạch máu não do cục máu đông).

Có 2 loại đột quỵ là đột quỵ do thiếu máu và đột quỵ do xuất huyết

- Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Chiếm khoảng 85% tổng số các ca bị đột quỵ hiện nay. Đây là tình trạng đột quỵ do các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình máu lưu thông lên não.

- Đột quỵ do xuất huyết: Đột quỵ do xuất huyết là tình trạng mạch máu đến não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt gây xuất huyết não. Nguyên nhân khiến mạch máu vỡ là do thành động mạch mỏng yếu hoặc xuất hiện các vết nứt, rò rỉ.

 

Các dấu hiệu sớm của đột quỵ 

- Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó.

- Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể. Dấu hiệu đột quỵ chính xác nhất là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc.

- Khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể thực hiện phép thử bằng cách nói những câu đơn giản và yêu cầu người bệnh nhắc lại, nếu không thể nhắc lại được thì người bệnh đó đang có những dấu hiệu đột quỵ.

- Hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động.

- Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ.

- Đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn.

 

Ngày 25/4/2023, một bệnh nhân đột quỵ được đưa đến Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế sau 30 phút từ khi có triệu chứng. Ngay lập tức, bệnh nhân được chụp CT Scan và MRI sọ não cấp cứu, chẩn đoán xác định nhồi máu não tối cấp, được chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết ngay trên bàn chụp chỉ sau 34 phút kể từ khi đến bệnh viện. Kết quả, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn ngôn ngữ và vận động tay chân sau 30 phút dùng thuốc tiêu sợi huyết.

Ông Võ C. G., 56 tuổi, tiền sử tăng huyết áp điều trị không thường xuyên. Ngày 25/4/2023, khi đang đón cháu đi học đột ngột ông G. cảm thấy yếu liệt nửa người phải, nói khó, người nhà vội đưa vào viện. Thời gian khởi phát triệu chứng đến khi bệnh nhân đến Trung tâm Cấp cứu đa khoa và Đột quỵ, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế là 30 phút. Bệnh nhân được đánh giá nhanh tại cấp cứu: Glassgow 14 điểm, NIHSS 11 điểm, liệt hoàn toàn 1/2 người (P), liệt mặt trung ương (P), thất ngôn Broca hoàn toàn, huyết áp 140/90 mmHg. Chẩn đoán ban đầu: nhồi máu tối cấp do tắc mạch lớn. Bệnh nhân được chụp CT scan sọ não cấp cứu với kết quả bình thường. Tiến hành chụp MRI cấp cứu phát hiện nhồi máu cấp với DW (+) và FLAIR (-). Thời gian chụp MRI sọ não mất 12,6 phút. Khi có kết quả hiện lên màn hình, bệnh nhân được chỉ định tiêu sợi huyết ngay trên bàn chụp. Liều lượng Alteplase 50mg/50ml bolus TM 5ml, 45 ml truyền qua seringe điện trong 60 phút. Tổng thời gian từ khi bệnh nhân đến viện và được bolus thuốc tiêu sợi huyết (TSH) Alteplase là 34 phút. Sau TSH 30 phút bệnh nhân nói và cử động tay chân bình thường.

Hình 1. Sau 30 phút điều trị tiêu sợi huyết, BN nói và vận động bình thường

Đây là bệnh nhân được TSH với thời gian ngắn nhất tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế từ khi kỹ thuật này được triển khai (Door-Needle time 34'). Theo khuyến cáo của các Hội đột quỵ Quốc tế và Việt Nam, thời gian Cửa - Kim (Door-Needle time) là 60 phút và tổng thời gian từ khi bệnh nhân khởi phát triệu chứng đến khi TSH tối đa là 270 phút (4,5h).

Hình 2. PGS.TS.BS. Nguyễn Đình Toàn (Giám đốc trung tâm Cấp cứu và Đột quỵ) đang thăm khám, đánh giá ban đầu bệnh nhân và quyết định điều trị tiêu sợi huyết

Bệnh viện Trường ĐHYD Huế là một trong số ít bệnh viện thực hiện quy trình chụp MRI cấp cứu đột quỵ. Đối với vấn đề MRI sọ não trong đột quỵ cấp, người ta thường ngại do chụp lâu, kỹ thuật phức tạp, nhiều chống chỉ định và khảo sát xuất huyết não khó hơn CT scan nhưng ở Bệnh viện Trường ĐHYD Huế, quá trình chụp để có quyết định tiêu sợi huyết chỉ khoảng 12-14 phút. MRI sọ não rất giá trị trong nhận diện nhồi máu não sớm, ngay cả thời gian muộn nhưng vùng hoại tử còn nhỏ dựa trên chuỗi xung DW và FLAIR. Bên cạnh đó chuỗi xung SW hỗ trợ tốt trong chẩn đoán loại trừ XHN cấp và ưu việt hơn là nhận diện các vi xuất huyết để tối ưu hoá điều trị TSH. Đồng thời chuỗi xung TOF 3D cũng giúp nhận diện có hay không các hẹp, tắc mạch lớn. Với nhiều kỹ thuật phức tạp như vậy nhưng quá trình chụp MRI cho ông G. chỉ mất 12 phút, đây là một khoảng thời gian rất ngắn và rất có lợi cho quá trình cấp cứu bệnh nhân. TSH khung giờ 3-4,5h là tiêu chuẩn. Tuy nhiên với chất lượng và quy trình chụp tốt của MRI BV Trường ĐHYD Huế thì cửa sổ điều trị TSH có thể kéo dài đến 9h trong một số trường hợp.

Hình 3. Hình ảnh CT scan sọ não và MRI chụp cấp cứu: CT scan sọ não không thấy tổn thương nhưng trên MRI sọ não với chuỗi xung DW đã thấy ổ nhồi máu não cấp

“THỜI GIAN LÀ NÃO” luôn là phương châm cấp cứu đột quỵ nhồi máu não cấp. Bệnh nhân được phát hiện càng sớm thì cơ hội điều trị và tránh tàn phế của bệnh nhân càng cao. Do đó nhận thức của cộng đồng về các dấu hiệu nhận diện sớm đột quỵ là cực kỳ quan trọng. Nếu phát hiện bệnh nhân đột quỵ, hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở có đơn vị điều trị đột quỵ sớm nhất có thể trong thời gian VÀNG 3-4,5h kể từ khi khởi bệnh.

Qui trình tiêu sợi huyết ở bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp đã được thực hiện thường qui tại trung tâm Cấp cứu đa khoa và Đột quỵ Bệnh viện Trường ĐHYD Huế. Với qui trình báo động đỏ được áp dụng và với trang thiết bị được đầu tư, thời gian đến Bệnh viện Trường ĐHYD Huế sẽ triển khai thêm nhiều kỹ thuật điều trị hiện đại, hiệu quả và kịp thời cho các bệnh cấp cứu tim - mạch và đột quị.

Trung tâm Cấp cứu đa khoa và Đột quỵ, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế

CÙNG CHUYÊN MỤC
THEO DÒNG SỰ KIỆN
Thông tin Hội nghị Khoa học
Hoạt động chào mừng sự kiện

Phòng Vật tư - Trang thiết bị

Thông báo mời chào giá Mua Vật tư xét nghiệm Real-time PCR

22-04-2024
Phòng Vật tư - Trang thiết bị

Thông báo mời chào giá Mua Đĩa Petri cấy NUNC 90mm

22-04-2024
Phòng Vật tư - Trang thiết bị

Thông báo mời chào giá Mua Catheter chụp mạch não

22-04-2024

Tin cập nhật