Nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân; sau một thời gian lắp đặt tại Phòng khám RHM, Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Huế đã triển khai hệ thống chụp phim Cone Beam CT(Cone beam Computed Tomography – chụp cắt lớp điện toán chùm tia hình nón - CBCT), một hệ thống máy thế hệ mới nhất, tích hợp 3 trong 1: 3D, Panorama, Cephalometric; được sản xuất năm 2024. Chụp CBCT được áp dụng cho tất cả bệnh nhân điều trị ngoại trú, nội trú, BHYT và theo yêu cầu.
GIỚI THIỆU: Cone Beam CT (CBCT) là công nghệ hình ảnh tiên tiến được sử dụng trong lĩnh vực nha khoa và chẩn đoán hình ảnh. Đây là công cụ quan trọng giúp Bác sĩ nha khoa và các Chuyên gia chẩn đoán hình ảnh có được hình ảnh chi tiết và chính xác về xương, răng, mô mềm cũng như các cấu trúc giải phẫu khác ở vùng đầu-mặt-cổ.
NGUYÊN LÝ HOẠT ĐỘNG: Máy CBCT hoạt động bằng cách quay quanh bệnh nhân tạo ra một loạt hình ảnh chụp từ nhiều góc độ khác nhau. Dữ liệu hình ảnh này sau đó được xử lý bởi máy tính để tạo ra hình ảnh không gian 3 chiều. So với máy CT thông thường (MSCT: Multislice Computer Tomography), máy CBCT có khả năng tạo ra hình ảnh với độ phân giải cao hơn và thời gian chụp nhanh hơn. Một phim CBCT được chụp có lượng tia khoảng 27-166mSv so với 800-2000mSv của một phim cắt lớp điện toán Y khoa (MSCT) và nhỏ hơn rất nhiều lần lượng tia mà một người bị ảnh hưởng từ phát xạ tự nhiên của môi trường sống (khoảng >1000mSv/1 người/1 năm) nên CBCT khá an toàn khi chụp. Mỗi máy chụp sẽ có nhiều kích thước vùng chụp (Field of View: FOV) khác nhau đưa đến lượng tia khác nhau. Bác sĩ sẽ luôn chỉ định vùng chụp nhỏ nhất để giảm tối đa lượng tia cho bệnh nhân.
CHỈ ĐỊNH: CBCT được chỉ định khi các phim tia X hai chiều thông thường (2D) không thể khảo sát được đầy đủ và chính xác theo yêu cầu điều trị. Cụ thể phim CBCT được chỉ định thông thường trong các trường hợp như:
- Phát hiện bệnh lý xương hàm: CBCT giúp các Bác sĩ phẫu thuật hàm mặt phát hiện, chẩn đoán, đánh giá độ lan rộng của các bệnh lý xương hàm xâm lấn như u nguyên bào men, nang sừng hoá do răng, ung thư xương hàm,…, từ đó lên kế hoạch điều trị cũng như xác định vị trí phẫu thuật phù hợp.
- Phát hiện gãy xương vùng hàm mặt và gãy răng do chấn thương: Đây là 2 hình thái tổn thương thường gặp do tai nạn liên quan đến răng, vùng đầu mặt mà phim 2D có thể không thể hiện rõ đường và hướng gãy. Phim CBCT sẽ thể hiện rõ nhất những đường gãy và những mảnh xương gãy để phẫu thuật viên có thể lên kế hoạch mổ kết hợp xương phù hợp và thẩm mỹ nhất.
- Ứng dụng trong chỉnh nha: Với phim chụp CBCT, Bác sĩ chỉnh nha có thể xem tình trạng răng ngầm, hướng mọc của các răng, tương quan và sự phát triển xương hàm, vị trí xương để đặt minivis, phân tích các thông số chỉnh nha về thẩm mỹ khuôn mặt, đánh giá kết quả trước và sau khi chỉnh nha của bệnh nhân.
- Chẩn đoán răng khôn mọc lệch/ngầm: Răng khôn hàm dưới là răng trên cung hàm nằm gần với ống thần kinh răng dưới nhất và dễ có nguy cơ gây tổn thương thần kinh khi phẫu thuật nhổ răng. Nhờ có sự giúp đỡ của CBCT, Bác sĩ có thể xác định được mối liên quan của chân răng khôn với dây thần kinh từ đó đưa ra quyết định kỹ thuật nhổ răng thích hợp để ngăn ngừa tai biến và biến chứng.
- Trong điều trị nội nha: Cấu trúc giải phẫu nội nha phức tạp như các ống tuỷ phụ, ống tuỷ hình chữ C và các tình trạng bệnh lý như sỏi tuỷ răng, calci hoá ống tuỷ,…, gây khó khăn rất nhiều cho việc điều trị và các tình trạng trên không thể thấy được trên phim X quang 2D thông thường. Với phim chụp CBCT sẽ hỗ trợ tối đa cho Bác sĩ trong việc đánh giá giải phẫu ống tuỷ theo 3 chiều không gian cũng như phân tích được những cản trở nhằm hỗ trợ cho điều trị tốt hơn.
- Trong chẩn đoán bệnh lý khớp thái dương hàm: Phim CBCT chụp khớp thái dương hàm (TMJ) mỗi bên có thể sử dụng để đánh giá cho những thay đổi của phần xương vùng này đến lồi cầu xương hàm dưới và xương thái dương cũng như tương quan vị trí lồi cầu trong hõm khớp. Những thay đổi của phần xương này có thể là kết quả của chấn thương/gãy xương, loạn sản, quá sản hay các bệnh lý về xương, khớp.
- Bệnh lý về TMH, Mắt: Hỗ trợ rất thiết thực trong chẩn đoán bệnh lý về xoang, xương chủm, tai trong,…; trong chấn thương mắt, u vùng ổ mắt…
ƯU ĐIỂM: Một số ưu điểm khi sử dụng máy chụp CBCT bao gồm:
- Độ chính xác cao: CBCT cho phép tạo ra hình ảnh 3D chính xác về cấu trúc xương, răng, xoang và mô mềm trong vùng cần khảo sát.
- Tiết kiệm thời gian: Quá trình chụp CBCT nhanh chóng và hiệu quả, chỉ mất vài phút để hoàn thành. Điều này giúp tiết kiệm thời gian cho cả Bác sĩ và bệnh nhân.
- An toàn: Máy chụp CBCT sử dụng mức xạ ionizing thấp hơn so với máy chụp CT truyền thống, từ đó giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm tia xạ cho bệnh nhân.
- Khả năng tạo hình ảnh 3D: CBCT tạo ra hình ảnh 3D chi tiết về cấu trúc xương, răng, xoang và mô mềm. Điều này giúp Bác sĩ xem xét và đánh giá các vấn đề liên quan đến Răng Hàm Mặt, Tai Mũi Họng, Mắt một cách toàn diện.
- Ứng dụng rộng rãi: CBCT được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như Răng Hàm Mặt, Tai Mũi Họng, Mắt, trong chẩn đoán và điều trị ung thư và nhiều hơn nữa.
KẾT LUẬN: Với nhưng ưu điểm vượt trội, CBCT ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nha khoa hiện đại, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả Bác sĩ và bệnh nhân, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
PGS.TS.BSCKII. Trần Tấn Tài
ThS.BS Nguyễn Thanh Minh
Phòng khám Răng hàm mặt - Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Huế
Tài liệu tham khảo:
1. Nemtoi, A., Czink, C., Haba, D., & Gahleitner, A. (2013). Cone beam CT: a current overview of devices. Dento maxillo facial radiology, 42(8)
2. Venkatesh E., Elluru SV. (2017) “Cone beam computed tomography: basics and applications in dentistry”, Journal of Istanbul University Faculty of Dentistry, 51 (3), p102-121.
3. Kapshe N., Pujar M. & Jaiswal S. (2020). Cone beam computed tomography: A review. International Journal of Oral Health Dentistry. 6. p71-77.
4. Nelly Bromberg; Melina Brizuela (2023). Dental Cone Beam Computed Tomography. Author Information and Affiliations Last Update, StatPearls.
5. U.S. Food and Drug Administration (FDA). (2020), Dental Cone-beam Computed Tomography, webpage.