• 41 & 51 Nguyễn Huệ, Phường Vĩnh Ninh, TP Huế
Cấp cứu 24/7
(0234)3837777
Đường dây nóng
0962871919

30

11

Trầm cảm: Những Điều Bạn Cần Biết

30-11-2023 ThS.BS. Lê Trần Tuấn Anh

Cảm xúc buồn bã là một cảm xúc bình thường của con người, đặc biệt là khi đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn hoặc mất mát. Nhưng đối với nhiều người, cảm giác u ám này có thể trở nên mãnh liệt. Nó có thể khiến người ta cảm thấy vô vọng và bất lực và có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí lâu hơn. Cảm giác buồn bã tột độ này thường là cách mọi người mô tả về bệnh trầm cảm.

Trầm cảm không chỉ đơn giản là cảm giác buồn bã hay có một ngày tồi tệ. Đó là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới.

1.Trầm cảm không đơn thuần chỉ là cảm thấy buồn:

Cảm xúc buồn là một trạng thái cảm xúc khi bạn phản ứng với những hoàn cảnh khó khăn gặp phải. Tuy nhiên, không giống như trầm cảm, tâm trạng của bạn sẽ phục hồi theo thời gian. Buồn bã về một sự kiện trong cuộc sống hay do mất mát người thân có thể kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần, nhưng sự buồn bã này thường không dẫn đến cảm giác tối tăm nặng nề như trầm cảm.

Cảm xúc buồn bã có nghĩa là bạn vẫn có thể tận hưởng những hoạt động mà bạn đã từng thích trước đây. Tuy nhiên, khi bị trầm cảm, nỗi buồn đó chiếm hết suy nghĩ của bạn khiến niềm vui trong cuộc sống biến mất và những ngày dài đắm chìm trong những suy nghĩ tiêu cực. Trầm cảm sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bạn. Nếu không được điều trị, trầm cảm có thể ảnh hưởng vào mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn, như là công việc, học tập và và các mối quan hệ trong gia đình.

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến và nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến cách bạn cảm nhận, suy nghĩ, và hành động. Nó được đặc trưng bởi cảm giác buồn rầu kéo dài và mất hứng thú trong các hoạt động từng thích thú. Nó có thể dẫn đến nhiều vấn đề về cảm xúc và thể chất và có thể làm giảm khả năng hoạt động/sinh hoạt tại nơi làm việc và ở nhà.

2.Nguyên nhân gây ra trầm cảm

Trầm cảm có thể phát sinh từ sự tương tác phức tạp của các yếu tố xã hội, tâm lý, và sinh học. Những người đã trải qua các sự kiện tiêu cực trong đời (thất nghiệp, mất mát, sang chấn tâm lý) có nhiều khả năng bị mắc trầm cảm. Yếu tố di truyền cũng rất quan trọng, ví dụ như bạn có nguy cơ mắc trầm cảm hơn khi cha hay mẹ bạn từng mắc trầm cảm.

Một đợt trầm cảm có thể xảy ra sau một sang chấn tâm lý hoặc sự thay đổi hoàn cảnh trong cuộc sống của một người. Nó cũng có thể xảy ra do sự thay đổi trong não, do nghiện ma túy hoặc rượu. Trầm cảm có thể xảy ra vào khoảng thời gian sinh con, do thay đổi chu kỳ kinh nguyệt hoặc do sự thay đổi theo mùa của thời tiết.

3.Ai có thể mắc bệnh trầm cảm?

Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh trầm cảm ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc sống của họ. Điều này có thể xảy ra do các sự kiện trong cuộc sống hoặc do sự thay đổi trong cơ thể. Khó có thể xác định chắc chắn rằng ai sẽ bị trầm cảm. Vì lý do này, việc nhận biết các dấu hiệu của trầm cảm là vô cùng quan trọng để bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp nếu cần thiết.

Mặc dù trầm cảm xảy ra nhiều hơn ở người lớn, nó cũng có thể xảy ra với trẻ em. Là cha mẹ hoặc người chăm sóc, việc biết các dấu hiệu của trầm cảm giúp trẻ nhận được sự hỗ trợ cần thiết để đối phó với cảm xúc của mình một cách phù hợp.

4.Dấu hiệu nhận biết trầm cảm:

Nếu bạn thường cảm thấy khó chịu, buồn bã và chán nản, bạn nên tự hỏi liệu mình có đang vật lộn với chứng trầm cảm hay không.?

Một dấu hiệu quan trọng của một đợt trầm cảm là nếu nỗi buồn kéo dài hơn hai tuần. Hầu hết mọi người đều có những thăng trầm trong cuộc sống của họ và có những khoảng thời gian vui vẻ để bù đắp cho những khoảng thời gian không mấy tốt đẹp.

Một số triệu chứng khác như:

- Không còn hứng thú với các sở thích và hoạt động mà trước đây từng hứng thú.

- Cảm giác mệt mỏi.

- Cảm thấy vô vọng

- Cảm thấy không giá trị, bất lực hoặc tội lỗi

- Cảm giác lo lắng hoặc kích động

- Tránh xa bạn bè và gia đình

- Những suy nghĩ / hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát

- Giảm khả năng tập trung/chú ý

- Trí nhớ giảm

- Thay đổi trong khẩu vị: giảm hay gia tăng khẩu vị có thể khiến giảm hoặc tăng cân mà không phải do việc ăn kiêng.

Một số triệu chứng cơ thể khác như: Đau đầu, khó tiêu, đau nhức cơ thể không rõ nguyên nhân, bồn chồn, khó ngủ và ngủ nhiều,

Ngoài ra, cần lưu ý rằng các vấn đề sức khỏe khác (ví dụ, vấn đề về tuyến giáp, khối u não, hoặc thiếu hụt vitamin) cũng có thể gây ra các triệu chứng của trầm cảm, vì vậy cần đi khám ở các chuyên gia y tế để loại trừ các vấn đề sức khỏe đó trước khi chẩn đoán trầm cảm.

5.Làm thế nào để chẩn đoán trầm cảm

Để chẩn đoán trầm cảm, chuyên gia y tế hay sức khỏe tâm thần sẽ thăm khám và hỏi bạn nhiều câu hỏi về tình trạng cảm xúc và hành động hàng ngày của bạn. Ngoài ra có thể phải sử dụng các xét nghiệm để xác định xem có nguyên nhân bệnh lý y khoa nào gây ra trạng thái trầm cảm của bạn không. Các thang đo tâm lý cũng có thể được sử dụng.

6.Điều trị trầm cảm như thế nào?

Phác đồ điều trị trầm cảm có thể khác nhau tùy thuộc vào từng người và loại trầm cảm. Một số người sẽ đáp ứng tốt với thuốc, một số sử dụng liệu pháp cá nhân và nhóm, và một số người cần kết hợp cả hai phương pháp điều trị này cùng với các hoạt động khác như tập thể dục và tập yoga.

Để đảm bảo rằng bệnh trầm cảm được điều trị thành công, điều quan trọng là phải cởi mở và trung thực với chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bạn. Việc điều trị cần rất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn. Có các phương pháp điều trị chính như sau:

- Thuốc: Nhiều loại thuốc đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị trầm cảm. Chúng có thể giúp bạn đối phó hiệu quả với các tình huống trong cuộc sống mà không cảm thấy buồn chán. Tuy nhiên bạn cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được giải thích, tư vấn và quản lý các tác dụng phụ và chống chỉ định nếu có.

- Liệu pháp tâm lý: Liệu pháp trò chuyện, còn được gọi là liệu pháp tâm lý, có hiệu quả trong điều trị trầm cảm. Các phương pháp điều trị như liệu pháp hành vi nhận thức hoặc liệu pháp hành vi biện chứng giúp bệnh nhân học các kỹ năng mới để quản lý tốt hơn tâm trạng và các triệu chứng của họ. Nhà trị liệu sẽ giúp người mắc học cách đối phó với các yếu tố tiêu cực một cách hiệu quả khi chúng xảy ra và cũng sẽ giúp bệnh nhân tìm cách tránh các yếu tố thúc đẩy các đợt trầm cảm xảy ra. Liệu pháp có thể được thực hiện theo phương thức trò chuyện chỉ giữa nhà trị liệu và bệnh nhân, hoặc có thể được điều chỉnh để bao gồm cả gia đình hoặc bạn bè nếu cần.

Trong trường hợp trầm cảm nặng không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường, các phương pháp điều trị như kích thích từ tính xuyên sọ (TMS), điều trị ketamine hoặc liệu pháp shock điện (ECT) có thể có lợi ích.

Nếu bạn nghĩ mình hay người thân có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, đừng chần chừ mà hãy liên lạc ngay với chuyên gia sức khỏe tâm thần. Một trong những phòng khám sức khỏe tâm thần có uy tín trên cả nước là Phòng khám Sức khỏe tâm thần và Liệu pháp tâm lý của Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế để gặp gỡ có các chuyên gia đầu ngành và các cán bộ đã được đào tạo ở nước ngoài hoặc bởi các chuyên gia nước ngoài.

Địa chỉ: Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, 41-51 Nguyễn Huệ, Thành phố Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nguồn: https://www.mcleanhospital.org/essential/depression

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Kiểm Soát Trào Ngược Dạ Dày Thực Quản Ở Phụ Nữ Mang Thai Và Cho Con Bú
Hướng Dẫn Dinh Dưỡng Cho Người Bệnh GOUT
Xem tiếp...
THEO DÒNG SỰ KIỆN
Thông tin Hội nghị Khoa học
Hoạt động chào mừng sự kiện

Phòng Vật tư - Trang thiết bị

Thông báo mời chào giá Mua Vật tư xét nghiệm Real-time PCR

22-04-2024
Phòng Vật tư - Trang thiết bị

Thông báo mời chào giá Mua Đĩa Petri cấy NUNC 90mm

22-04-2024
Phòng Vật tư - Trang thiết bị

Thông báo mời chào giá Mua Catheter chụp mạch não

22-04-2024

Tin cập nhật