Các “từ F” này được đưa ra dựa trên khung Phân loại Quốc tế về Hoạt động Chức năng, Khuyết tật và Sức khỏe (ICF) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Khung ICF cho thấy mối liên quan qua lại giữa cấu trúc và chức năng cơ thể, hoạt động, sự tham gia, các yếu tố môi trường và các yếu tố cá nhân và các thành phần này đều có ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động chức năng của chúng ta. Cách tiếp cận toàn diện này khuyến khích chúng ta tập trung vào các yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của mọi trẻ em, kết hợp hoạt động với sự tham gia và môi trường của chúng.
Ví dụ khung ICF của một trẻ bại não:
Các chữ F này là: Function (Chức năng), Family (Gia đình), Fitness (Thể dục), Fun (Vui vẻ), Friends (Bạn bè) và Future (Tương lai).
Function (Chức năng, cũng có thể dịch là Hoạt động):
- Đề cập đến những gì mọi người làm chẳng hạn như các chức năng của cơ thể và cách thực hiện hoạt động; các từ đồng nghĩa bao gồm “vai trò”, “công việc”, “nhiệm vụ” (đối với trẻ em, “chơi” là “công việc” của chúng).
- Các tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc để trẻ khuyết tật trải nghiệm nhiều điều khác nhau trong cuộc sống mà không cần quá chú trọng vào việc điều đó được thực hiện tốt như thế nào. Nhiều người thường tập trung quá nhiều vào việc để trẻ khuyết tật làm những việc “bình thường” hoặc “điển hình” nhưng điều này có thể hạn chế những trải nghiệm của trẻ. Do đó, cần nhấn mạnh sự phát triển chức năng nằm hỗ trợ trải nghiệm của trẻ, tuy nhiên, chức năng không có nghĩa là “điển hình” hoặc “hoàn hảo”.
HOẠT ĐỘNG
Con có thể làm hơi khác nhưng con CÓ THỂ làm được. Con làm thế nào không quan trọng. Hãy để con thử!
Family (Gia đình)
- Đại diện cho “môi trường” thiết yếu của mọi trẻ.
- Như các tác giả giải thích, người bệnh ở đây không chỉ là đứa trẻ mà còn là cha mẹ của cháu.
- Việc bao gồm cha mẹ là thành viên tích cực trong các dịch vụ trị liệu đã được chứng minh là mang lại kết quả tốt nhất cho trải nghiệm của trẻ trong trị liệu. Các cách để bao gồm gia đình là thông qua việc cùng thiết lập mục tiêu, giải thích những gì bạn đang thực hiện trong quá trình trị liệu và tại sao bạn làm vậy, đồng thời cung cấp một không gian an toàn để họ đặt câu hỏi, tìm hiểu và biện hộ cho con cái và gia đình của họ. Vì vậy, thực hành lấy gia đình làm trung tâm là thực hành tốt nhất
GIA ĐÌNH
Họ hiểu rõ con nhất và con tin họ sẽ làm những điều tốt nhất cho con. Hãy lắng nghe họ. Trò chuyện với họ. Nghe họ. Tôn trọng họ.
Fitness (Thể dục):
- Đề cập đến cách trẻ duy trì hoạt động thể chất bao gồm tập thể dục và các cơ hội giải trí khác.
- Trẻ khuyết tật thường kém “khỏe mạnh” hơn trẻ không khuyết tật. Cũng có ít cơ hội giải trí hơn cho trẻ em khuyết tật.
- Cần tập trung vào sức khỏe và sự khỏe mạnh chung của trẻ khuyết tật bên cạnh khiếm khuyết của chúng, chứ không chỉ tập trung vào sự khiếm khuyết của chúng.
TẬP THỂ DỤC
Tất cả mọi người đều cần giữ thân hình cân đối và khoẻ mạnh, kể cả con. Hãy giúp con có cách để tập thể dục.
Fun (Vui vẻ):
- Bao gồm các hoạt động cụ thể mà trẻ thích tham gia.
- Trong trị liệu, hãy tìm hiểu xem trẻ thích làm gì và hãy làm điều đó. Trẻ em thích làm mọi thứ mà chúng không nhất thiết phải “hoàn hảo” vì vậy hãy thử làm mọi thứ ngay cả khi bạn lo lắng rằng chúng không thể thực hiện “một cách hoàn hảo”. Hãy thay đổi các hoạt động nếu cần và đảm bảo luôn có sự vui thú!
VUI CHƠI
Tuổi thơ phải là vui chơi. Đây là cách con học hỏi và phát triển. Hãy giúp con thực hiện những hoạt động mà con thấy vui nhất.
Friends (Bạn bè):
- Đề cập đến tình bạn với các trẻ đồng trang lứa.
- Các dịch vụ trị liệu theo nhóm hoặc thiết lập ngày chơi là một cách tuyệt vời để giúp trẻ hình thành những tình bạn có ý nghĩa, điều cực kỳ có lợi cho sự phát triển tình cảm và xã hội cũng như sức khỏe tổng thể của trẻ.
BẠN BÈ
Có những người bạn thời thơ ấu là điều rất quan trọng. Hãy cho con cơ hội kết bạn với bạn bè cùng trang lứa.
Future (Tương lai):
- Tất cả trẻ em đều ở trong trạng thái đang phát triển. Từ này đề cập đến những kỳ vọng và ước mơ của cha mẹ và con cái về tương lai của chúng.
- Do đó, điều quan trọng là phải nghĩ về tương lai của trẻ ngay từ khi bắt đầu các dịch vụ trị liệu. Điều này có thể và nên liên quan đến thảo luận với cha mẹ và đứa trẻ. Các nhà cung cấp dịch vụ không thể toàn quyền quyết định điều gì là có thể và không thể đối với trẻ và gia đình của chúng.
TƯƠNG LAI
Một ngày nào đó con sẽ trưởng thành. Vì vậy hãy tìm cách để con phát triển tính độc lập và hòa nhập vào cộng đồng.
Ghi chú: Với các chữ F, chúng ta hướng đến mặt mạnh của trẻ và gia đình, và làm thế nào để tận dụng hiệu quả các mặt mạnh này nhằm thúc đẩy hoạt động chức năng và phát triển của trẻ. Nhiều bác sĩ, kỹ thuật viên khi đối mặt với trẻ, lại quá chú tâm vào cái khiếm khuyết, cái không thể của trẻ nhằm thay đổi, chỉnh sửa, phục hồi. Tuy nhiên, với một góc nhìn khác, sử dụng, tận dụng, phát huy cái mạnh để vượt qua cái khiếm khuyết (nhiều khi không còn chỉnh sửa được) mới là giải pháp tối ưu. Tiếp cận này được gọi là Tiếp Cận Dựa trên Mặt Mạnh (Strengths-based approach)
Tham khảo chính:
Rosenbaum, P. & Gorter, J.W. (2011). The ‘F-Words’ in childhood disability: I swear this is how we should think!. Child:Care, health and development, 38(4), 457-463.
Dịch và Tổng hợp: ThS Tôn Thất Minh Đạt