• 41 & 51 Nguyễn Huệ, Phường Vĩnh Ninh, TP Huế
Cấp cứu 24/7
(0234)3837777
Đường dây nóng
0962871919

28

05

Những Hiểu Biết Cơ Bản Về Thiếu Máu, Thiếu Sắt

28-05-2024 ThS. BS. Nguyễn Đắc Duy Nghiêm

1. Thiếu máu

Thiếu máu đã, đang và sẽ là vấn nạn sức khỏe toàn cầu. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), thiếu máu được định nghĩa khi nồng độ hemoglobin giảm dưới ngưỡng sinh lý tương ứng với mỗi đối tượng.

Bảng 1. Nồng độ Hemoglobin (g/L) trong chẩn đoán thiếu máu

Đối tượng

Không thiếu máu

Thiếu máu

Nhẹ

Vừa

Nặng

6 - 59 tháng tuổi

≥ 110

100 – 109

70 – 99

< 70

5 – 11 tuổi

≥ 115

110 – 114

80 – 109

< 80

12 – 14  tuổi

≥ 120

110 – 119

80 – 109

< 80

Phụ nữ không có thai (≥ 15 tuổi)

≥ 120

110 – 119

80 – 109

< 80

Phụ nữ có thai

≥ 110

100 – 109

70 – 99

< 70

Nam giới

(≥ 15 tuổi)

≥ 130

110 – 129

80 – 109

< 80

Hemoglobin là chất đóng vai trò quan trọng vận chuyển khí oxy vì thế khi cơ thể tạo không đủ lượng hemoglobin sẽ dẫn đến giảm cung cấp oxy cho các mô và cơ quan. Trong đó, sắt là nguyên tố thiết yếu để tổng hợp hemoglobin, vì vậy thiếu sắt là một trong những nguyên nhân gây thiếu máu.

2. Những dấu hiệu nhận biết thiếu máu thiếu sắt

Những biểu hiện của thiếu máu mạn tính: cảm giác mệt khi hoạt động gắng sức, hồi hộp, chóng mặt, ù tai, da, niêm mạc nhợt, rụng tóc, trẻ em chậm phát triển tâm thần, chiều cao, thích ăn uống những thức ăn lạ (hội chứng pica): thích ăn sơn tường, đất sét, giấy, tóc, kèm cảm giác khó nuốt, ăn kém, chán ăn. Các triệu chứng diễn tiến mạn tính, người bệnh dần thích nghi với tình trạng thiếu máu nên thường không tới viện trong giai đoạn sớm, khi bệnh diễn tiến nặng hơn thì mới bắt đầu đi khám; có nhiều trường hợp bệnh được phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe định kỳ.

Hình 1. Các biểu hiện trong thiếu máu thiếu sắt

3. Nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt

Mất máu mạn tính và giảm hấp thu sắt từ thức ăn là nguyên nhân chính gây thiếu sắt.

+ Mất máu mạn tính: hay gặp là chảy máu qua đường tiêu hóa (viêm loét, khối u,…) như loét dạ dày tá tràng, ung thư đại trực tràng, trĩ …và chảy máu qua đường tiết niệu sinh dục như u xơ tử cung, đái máu, ung thư tử cung, rong kinh, cường kinh,...

+ Giảm hấp thu sắt: sắt bình thường được hấp thu qua đường tiêu hóa. Nếu đường tiêu hóa không hoạt động bình thường thì quá trình hấp thu sắt bị rối loạn, thường gặp sau cắt bỏ dạ dày, bệnh celiac, viêm dạ dày tự miễn,…

Ngoài ra một số nguyên nhân cũng có thể gây thiếu sắt bao gồm chế độ ăn uống thực phẩm chứa hàm lượng sắt ít, thường gặp ở những người ăn chay trường không đúng cách, ăn kiêng; tăng nhu cầu sắt sinh lý ở trẻ em đang trong độ tuổi phát triển hoặc phụ nữ có thai cũng có thể là nguyên nhân gây thiếu sắt.

4. Chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt

Chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt hiện nay chủ yếu dựa vào:

+ Dấu hiệu thiếu máu trên lâm sàng.

+ Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi: thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc (giảm chỉ số Hb, MCV, MCH).

+ Sinh hóa máu: Ferritin huyết thanh < 30ng/mL và hoặc độ bão hòa transferrin < 30%.

Dựa vào lâm sàng, các xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt, là do giảm cung cấp sắt hay mất sắt do mất máu hoặc do các nguyên nhân khác.

5. Điều trị

Điều trị thiếu máu thiếu sắt chủ yếu là điều trị bệnh nguyên cơ bản dù trên thực tế đôi khi khó phát hiện được nguyên nhân. Các phương pháp điều trị có mục đích là hồi phục lượng sắt sự trữ của cơ thể bệnh nhân.

Hạn chế truyền máu, chỉ truyền máu trong trường hợp thiếu máu nặng, mất bù.

Có hai phương pháp bù sắt: qua đường uống hoặc đường tĩnh mạch, khuyến khích sử dụng bằng phương pháp đường uống.

Bổ sung sắt bằng đường uống: bệnh nhân được điều trị với viên sắt dưới dạng muối Fe2+ hoặc Fe3+ trong đó muối Fe2+ được hấp thu dễ hơn, người bệnh nên uống viên sắt lúc đói vì như thế sẽ giúp tăng khả năng hấp thu sắt. Tác dụng phụ có thể xuất hiện bao gồm kích ứng dạ dày, buồn nôn, chướng bụng, tiêu chảy hoặc táo bón. Ngoài dùng thuốc, bệnh nhân nên ăn uống thêm các thực phẩm giàu chất sắt như các loại thịt đỏ, gan, rau đậm màu, các loại đậu, ngũ cốc, sô cô la đen, bánh mì làm từ ngũ cốc còn nguyên hạt, trái cây, các sản phẩm từ đậu nành… Khi bổ sung sắt cần cung cấp thêm vitamin C hoặc uống thêm nước cam, nước chanh để tăng khả năng hấp thu sắt. Bên cạnh đó, người bệnh chú ý không nên sử dụng thực phẩm giàu sắt chung với cà phê, nước trà, nước chè vì ức chế hấp thu sắt.

Hình 2. Thực phẩm giàu sắt

Sắt đường tĩnh mạch được sử dụng khi bệnh nhân không đáp ứng với sắt qua đường uống hoặc bệnh nhân không dùng được thuốc do tác dụng phụ nặng. Dạng tiêm tĩnh mạch thường dùng là sắt dextran và bệnh nhân phải nhập viện nội trú để được điều trị.

Thời gian bổ sung sắt: kéo dài, nên tiếp tục bổ sung sắt thêm 3 tháng sau khi nồng độ huyết sắc tố trở về bình thường.

Theo dõi điều trị: bệnh nhân nên được tái khám định kỳ hàng tháng để được đánh giá đáp ứng điều trị. Một số xét nghiệm được thực hiện khi bệnh nhân đi tái khám đó là tổng phân tích tế bào máu, đếm số lượng hồng cầu lưới, bilan sắt.

6. Phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt

Bệnh nhân có tiền sử thiếu máu thiếu sắt có thể tăng nguy cơ tái phát ở những lần sau, đặc biệt khi không theo dõi sát. Vì thế để bên cạnh điều trị nguyên nhân, bù sắt, bệnh nhân cần được tái khám định kỳ.

Một số đối tượng có nguy cơ thiếu sắt như phụ nữ có thai, trẻ em đang trong độ tuổi phát triển nên được kiểm tra xét nghiệm thường quy: tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, sắt và Ferritin huyết thanh để phát hiện thiếu máu thiếu sắt kịp thời và điều trị.

Nên nuôi con bằng sữa mẹ hoặc bổ sung sắt dành cho trẻ trong năm đầu đời vì sắt trong sữa mẹ được hấp thu tốt hơn trong sữa bột.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Y tế (2022). Thiếu máu thiếu sắt. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý huyết học, Quyết định số 1832/QĐ-BYT, trang 16-19.
  2. World Health Organization. Haemoglobin concentrations for diagnosis of anaemia and assessment of severity. Vitamin and Mineral Nutrition Information System. WHO/NMH/NHD/MNM/11.1.

ThS. BS. Nguyễn Đắc Duy Nghiêm

Khoa Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế

CÙNG CHUYÊN MỤC
THEO DÒNG SỰ KIỆN
Thông tin Hội nghị Khoa học
Hoạt động chào mừng sự kiện

Phòng Quản trị - Cơ sở vật chất

Yêu cầu báo giá hàng vải phòng mổ quý I năm 2025

13-12-2024
BV Trường ĐH Y-Dược Huế

Yêu cầu báo giá bao rác quý I năm 2025

12-12-2024
Phòng Quản trị - Cơ sở vật chất

Yêu cầu báo giá giấy in quý I năm 2025

11-12-2024

Tin cập nhật