Khoa Tai Mũi Họng - Mắt - Răng Hàm Mặt
Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Huế
Dị tật khe hở môi - vòm miệng (KHM-VM) là một dị tật bẩm sinh, thường gặp nhất vùng hàm mặt ở Việt Nam cũng như trên thế giới (tỷ lệ 1/600-1000 trẻ mới sinh ra). KHM-VM gây biến đổi các cấu trúc giải phẫu của môi, mũi, vòm miệng từ đó ảnh hưởng đến chức năng ăn uống, phát âm, thẩm mỹ, tổn thương đến tâm lý cho trẻ và gia đình.
Quá trình điều trị và chăm sóc toàn diện cho trẻ cần bắt đầu từ khi trẻ sinh ra đến lúc trưởng thành, cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa: Răng Hàm Mặt, Nhi khoa, Dinh dưỡng, Tai Mũi Họng, Ngôn ngữ trị liệu, Tâm lý cùng sự phối hợp chặt chẽ của người nhà bệnh nhi. Trong đó, phẫu thuật tạo hình môi-mũi và vòm miệng là phương pháp điều trị chính nhằm phục hồi thẩm mỹ và chức năng cho trẻ.
Thời điểm phẫu thuật tạo hình môi-mũi lần đầu đóng vai trò quan trọng trong tái tạo giải phẫu và chức năng vùng môi-mũi. Trên thế giới, thời điểm phẫu thuật lần đầu cho trẻ là sau 10 tuần tuổi. Ở Việt Nam, thời điểm phẫu thuật là từ 5-6 tháng kèm theo các điều kiện về sức khỏe khác của trẻ. Phẫu thuật càng muộn thì các biến dạng vùng môi-mũi càng nhiều, ảnh hưởng đến thẫm mỹ của trẻ về sau.
Hiện nay, các phẫu thuật viên chuyên khoa Răng Hàm Mặt của Khoa Tai Mũi Họng- Mắt- Răng Hàm Mặt Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, đã tiến hành phẫu thuật tạo hình sớm cho trẻ khe hở môi-vòm miệng. Với sự hổ trợ của các Bác sĩ gây mê-hồi sức, Khoa Gây mê - Hồi sức tích cực - Chống độc, chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật cho trẻ KHM-VM ở thời điểm 12 tuần tuổi (3 tháng). Đây là một bước tiến quan trọng trong điều trị phẫu thuật KHM-VM tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, để tiệm cận với điều trị phẫu thuật KHM-VM của thế giới.
Bệnh nhân nam, 3 tháng tuổi, L.Đ.H, chẩn đoán khe hở môi toàn bộ bên phải bẩm sinh.
Bệnh nhân sau phẫu thuật tạo hình mũi – môi lần đầu
Bệnh nhân sau cắt chỉ trước khi ra viện