Nhiễm khuẩn vết mổ làm tăng chi phí điều trị, kéo dài thời gian và bệnh tật cho bệnh nhân. Một nhiễm khuẩn vết mổ đơn thuần làm kéo dài thời gian nằm viện thêm 7-10 ngày. Tại Anh, chi phí điều trị phát sinh do nhiễm khuẩn vết mổ thay đổi từ 814 tới 6.626 bảng tùy thuộc loại phẫu thuật và mức độ nặng của nhiễm khuẩn vết mổ. Tỉ lệ nhiễm khuẩn vết mổ ở các nước tiên tiến là 5-7%. Tại các nưóc đang phát triển khoảng 15-25%. Ở Hoa Kỳ, nhiễm khuẩn vết mổ đứng hàng thứ hai trong nhiễm khuẩn bệnh viện (15-18%), trong các năm từ 1986-1996 có 16.000 trường hợp nhiễm khuẩn vết mổ. Hậu quả kéo dài thời gian nằm viện 7-10 ngày, tăng tỉ lệ tử vong: 20.000 tử vong/năm, tăng chi phí 3 tỉ đô la mỗi năm và lạm dụng kháng sinh và tăng đề kháng kháng sinh.
Theo kết quả nghiên cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (2002), thời gian nằm viện và chi phí điều trị phát sinh do nhiễm khuẩn vết mổ là 8,2 ngày và 2,0 triệu đồng. Ngoài ra, nhiễm khuẩn vết mổ làm tăng việc lạm dụng kháng sinh và kháng kháng sinh, một vấn đề lớn cho y tế cộng đồng và điều trị lâm sàng trên toàn cầu.
Bệnh sinh của nhiễm khuẩn vết mổ liên quan đến các yếu tố vi sinh vật gây bệnh (như số lượng vi khuẩn nhiễm, độc lực của vi khuẩn, khuẩn chí bình thường), loại phẫu thuật và kỹ năng của thầy thuốc cũng như điều kiện phòng mổ (Kỹ thuật mổ, Thất bại trong hủy bỏ khoảng chết, Chấn thương mô, Dẫn lưu, Tưới máu kém, Thời gian phẫu thuật, Rửa tay của phẫu thuật viên, Chuẩn bị da, Cạo lông, Sát trùng da, Khử trùng dụng cụ, Thông khí phòng mổ, Kháng sinh dự phòng…) và sức đề kháng của bệnh nhân (Tuổi, Chấn thương, Bệnh ác tính, Bệnh chuyển hóa, Tình trạng dinh dưỡng, Đái tháo đường, Hút thuốc lá, Béo phì, Nhiễm trùng kế cận, Thay đổi đáp ứng miễn dịch, Thời gian nằm viện trước mổ…). Nguồn tác nhân gây bệnh có thể là từ nội sinh bệnh nhân, hoặc từ môi trường của phòng mổ, hoặc từ nhân viên bệnh viện, hoặc từ những ổ nhiễm khuẩn kế cận và từ những thiết bị nhân tạo được cấy vào bên trong bệnh nhân (prosthetic devices, implants) hoặc từ những dụng cụ sử dụng cố định ngoài ở các xương gẫy trên bệnh nhân chỉnh hình.
Những tác nhân gây nhiễm khuẩn vết mổ tùy thuộc vào loại phẫu thuật được thực hiện. Ví dụ đối với loại phẫu thuật trên hệ thống đường tiêu hóa và đường niệu sinh dục, vi khuẩn thường gặp là trực khuẩn Gram âm, cầu khuẩn Gram dương và vi khuẩn yếm khí. Tác nhân nhiễm khuẩn còn khác nhau theo vùng và khu vực, vị trí địa lý. Những báo cáo ở các nước đang phát triển cho thấy bệnh nguyên chủ yếu là các trực khuẩn Gram âm, trong khi đó kết quả ở các nước Âu châu thì nhiễm khuẩn vết mổ thường do vi khuẩn Gram dương.
Nghiên cứu SENIC (Study on the Efficacy of Nosocomial Infection Control) cho thấy khoảng 1/3 nhiễm khuẩn vết mổ có thể dự phòng được bởi việc triển khai chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn thích hợp đó là các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn vết mổ hiện hành, bao gồm cả liệu pháp kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật.
1. Chẩn đoán nhiễm khuẩn vết mổ
Nhiễm khuẩn vết mổ có 3 mức độ, nông, sâu và cơ quan.
1.1. Nhiễm khuẩn vết mổ nông: Phải thỏa mãn các tiêu chuẩn sau:
- Nhiễm khuẩn xảy ra trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật.
- Chỉ xuất hiện ở vùng da hay vùng dưới da tại đường mổ.
- Có ít nhất một trong các triệu chứng sau:
a. Chảy mủ từ vết mổ nông.
b. Phân lập được vi khuẩn từ cấy dịch hay mô được lấy vô khuẩn từ vết mổ.
c. Có ít nhất một trong những dấu hiệu hay triệu chứng sau: đau, sưng, nóng, đỏ và cần mở bung vết mổ, trừ khi nuôi cấy phân lập vi khuẩn từ vết mổ âm tính.
d. Bác sĩ lâm sàng chẩn đoán nhiễm khuẩn vết mổ nông.
1.2. Nhiễm khuẩn vết mổ sâu: Phải thỏa mãn các tiêu chuẩn sau:
- Nhiễm khuẩn xảy ra trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật hay 1 năm đối với đặt implant.
- Xảy ra ở mô mềm sâu của đường mổ.
- Có ít nhất một trong các triệu chứng sau:
a. Chảy mủ từ vết mổ sâu nhưng không từ cơ quan hay khoang nơi phẫu thuật.
b. Vết thương hở da sâu tự nhiên hay do phẫu thuật viên mở vết thương khi bệnh nhân có ít nhất một trong các dấu hiệu hay triệu chứng sau: sốt trên 38oC, đau, sưng, nóng, đỏ, trừ khi nuôi cấy vi khuẩn từ vết mổ âm tính.
c. Áp xe hay bằng chứng nhiễm khuẩn vết mổ sâu qua thăm khám, phẫu thuật lại, Xquang hay giải phẫu bệnh.
d. Bác sĩ chẩn đoán nhiễm khuẩn vết mổ sâu.
1.3. Nhiễm khuẩn vết mổ tại cơ quan/khoang phẫu thuật: Phải thỏa mãn các tiêu chuẩn sau:
- Nhiễm khuẩn xảy ra trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật hay 1 năm đối với đặt implant.
- Xảy ra ở bất kỳ nội tạng, loại trừ da, cân, cơ, đã xử lý trong phẫu thuật
- Có ít nhất một trong các triệu chứng sau:
a. Chảy mủ từ dẫn lưu nội tạng
b. Phân lập vi khuẩn từ cấy dịch hay mô được lấy vô khuẩn ở cơ quan hay khoang nơi phẫu thuật.
c. Áp xe hay bằng chứng khác của nhiễm khuẩn qua thăm khám, phẫu thuật lại, Xquang hay giải phẫu bệnh
d. Bác sĩ chẩn đoán nhiễm khuẩn vết mổ tại cơ quan/khoang phẫu thuật.
2. Các biện pháp dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn vết mổ:
a. Biện pháp chung:
- Tắm khử khuẩn cho người bệnh trước phẫu thuật;
- Loại bỏ lông và chuẩn bị vùng rạch da đúng quy định;
- Khử khuẩn tay ngoại khoa và thường quy bằng dung dịch rửa tay chứa cồn;
- Áp dụng đúng liệu pháp kháng sinh dự phòng
- Tuân thủ chặt chẽ quy trình vô khuẩn trong buồng phẫu thuật
- Kiểm soát đường huyết, ủ ấm người bệnh trong phẫu thuật.
- Duy trì tốt các điều kiện vô khuẩn khu phẫu thuật như dụng cụ, đồ vải phẫu thuật, nước vô khuẩn để rửa tay ngoại khoa và đảm bảo thông khí sạch trong buồng phẫu thuật.
b. Chuẩn bị người bệnh trước phẫu thuật
- Xét nghiệm đường máu trước mọi phẫu thuật.
- Phát hiện và điều trị mọi ổ nhiễm khuẩn ở ngoài vị trí phẫu thuật hoặc ổ nhiễm khuẩn tại vị trí phẫu thuật trước mổ đối với các phẫu thuật có chuẩn bị.
- Người bệnh mổ phiên phải được tắm bằng xà phòng kháng khuẩn hoặc dung dịch kháng khuẩn có chứa iodine hoặc chlorhexidine vào tối trước ngày phẫu thuật.
- Không loại bỏ lông trước phẫu thuật trừ người bệnh phẫu thuật sọ não hoặc người bệnh có lông tại vị trí rạch da. Sử dụng kéo cắt hoặc máy cạo râu để loại bỏ lông, không sử dụng dao cạo.
c. Sử dụng kháng sinh dự phòng (KSDP) trong phẫu thuật
Sử dụng KSDP với các phẫu thuật sạch và sạch - nhiễm. KSDP cần dùng liều ngắn ngày ngay trước phẫu thuật nhằm diệt các vi khuẩn xâm nhập vào vết mổ trong thời gian phẫu thuật. Thường dùng 30 phút trước lúc rạch da với một liều duy nhất. Nếu phẫu thuật quá 3 giờ hoặc mất máu nhiều thì lặp lại liều thứ 2.
Dùng kháng sinh dự phòng khi có chỉ định và chọn lọc nó dựa vào hiệu quả kháng lại những bệnh nguyên thường gặp nhất gây nhiễm khuẩn vết mổ theo từng phẫu thuật đặc biệt và dựa vào các khuyến cáo đã ban hành.
Cần sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật khi phẫu thuật được xem là phẫu thuật sạch hay sạch nhiễm. Nếu phẫu thuật là phẫu thuật dơ hay phẫu thuật nhiễm, sử dụng kháng sinh được xem là điều trị thực sự. Nếu dùng kháng sinh dự phòng thì không được dùng kéo dài sau phẫu thuật. Nếu dùng kháng sinh để điều trị thì cần phải có sự điều trị tiếp tục.
Kháng sinh dự phòng cần được cho trước khi rạch da tức là khi vi khuẩn được đưa vào nơi mổ. Định thời gian liều khởi đầu kháng sinh dự phòng làm thế nào để nồng độ diệt khuẩn của thuốc được xác lập ngay khi đường rạch được tiến hành. Để chắc chắn đủ nồng độ kháng sinh ở mô, khung thời gian hiệu quả nhất là trong vòng hai giờ tốt nhất trong vòng 30 phút trước lần rạch đầu tiên. Như vậy kháng sinh dự phòng phải được nhóm gây mê cho trong khi chờ các phẫu thuật viên và chuẩn bị vùng da phẫu thuật. Tuy nhiên, bảng kháng sinh này có thể sẽ được điều chỉnh lại theo tình hình thực tế tại nước ta. Không khuyến cáo sử dụng Vancomycin làm kháng sinh dự phòng.
Duy trì nồng độ điều trị của thuốc trong huyết tương và trong mô trong suốt quá trình phẫu thuật cho đến tối thiểu vài giờ sau khi đóng da. Do đó, tăng thêm liều thuốc trong khi mổ cũng cần xem xét trong trường hợp mổ dài quá thời gian bán hủy của kháng sinh, hoặc những cuộc mổ mất máu nhiều trong khi mổ, và những cuộc mổ thực hiện trên bệnh nhân béo phì.
Thuốc được cho bằng đường tĩnh mạch trừ khi chuẩn bị ruột trong mổ đại-trực tràng, có thể cho thuốc bằng đường uống. Trước khi tiến hành phẫu thuật chương trình vùng đại trực tràng, cần chuẩn bị đại tràng về mặt cơ học bằng thụt tháo hay thuốc nhuận tràng. Dùng kháng sinh dự phòng uống loại không hấp thu chia làm nhiều liều vào ngày trước khi phẫu thuật. Đối với những phẫu thuật mổ lấy thai, dùng kháng sinh dự phòng ngay trước khi cuống rốn được kẹp.
Hướng dẫn sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật
Loại phẫu thuật |
|
Kháng sinh |
Liều lượng |
Vi khuẩn thường gặp |
Tổng quát |
Phẫu thuật sạch |
Cefuroxime |
750mg TM |
S. aureus E. coli |
|
Dạ dày, ruột non, tụy và đường mật |
Ceftriaxone |
1g TM |
S. aureus Streptococci |
|
Phẫu thuật ruột già |
Cephalosporin 3 + Metronidazole |
1 g TM 1g TM |
E. coli, Enterococci, Vi khuẩn kỵ khí, Klebsiella |
|
Mổ ruột thừa |
Cephalosporin 3 + Metronidazole |
1g TM 500 mg TM |
E. coli VT kỵ khí |
Chấn thương |
Vết thương thấu bụng |
Ampicillin/Sulbactam |
3 g TM |
Các vi khuẩn Gram (-) và vi khuẩn Gram (+) |
Sản Phụ khoa |
Cắt tử cung Mổ lấy thai |
Cephalosporin 3 |
1 g TM |
E coli, Enterococci Streptococci |
Tiết niệu |
Cắt tiền liệt tuyến |
Ciprofloxacin |
400 ng TM (trước và sau mổ) |
E. coli Staphylococci |
Ghép tạng |
Thận |
Cephalosporin 3 |
1g TM |
Staphylococci |
|
Gan |
Amocillin/Sulbactam |
3 g TM |
E. coli, Staphylococci |
|
Tụy hay Thận-tụy |
Vancomycin + Imipenem/Cilastin + Fluconazole |
1g TM 500mg TM 400mg TM |
Staphylococci E. coli Nấm |
Đầu- cổ |
Ung thư |
Cephalosporin 3 |
1 g TM |
Staphylococci |
|
Gãy xương hàm |
Penicillin G |
2-triệu UI (>60Kg:4 T ) |
|
Chỉnh hình |
Thay khớp |
Cephalosporin 3 |
1gTM |
Staphylococci |
|
Gãy xương hở |
Cephalosporin 3 |
2 g TM |
Staphylococci E coli |
d. Các biện pháp dự phòng trong phẫu thuật
- Buồng phẫu thuật phải đảm bảo thông khí thích hợp. Phòng mổ nên duy trì ở áp lực dương đối với vùng kế cận và hành lang. Duy trì tối thiểu 15 luồng khí thay đổi mỗi giờ, ba trong số những luồng không khí đó phải là không khí sạch. Lọc tất cả không khí, tươi và quay vòng lại bằng hệ thống lọc thích hợp. Đưa không khí vào từ trần nhà và hút ra dưới sàn. Cửa buồng phẫu thuật phải luôn đóng kín trong suốt thời gian phẫu thuật trừ khi phải vận chuyển thiết bị, dụng cụ hoặc khi ra vào buồng phẫu thuật.
- Hạn chế số lượt nhân viên y tế vào khu vực vô khuẩn của khu phẫu thuật và buồng phẫu thuật. Những người không có nhiệm vụ không được vào khu vực này. Mọi nhân viên y tế khi vào khu vực vô khuẩn của khu phẫu thuật phải mang đầy đủ, đúng quy trình các phương tiện phòng hộ trong phẫu thuật
- Các thành viên không trực tiếp tham gia phẫu thuật phải rửa tay hoặc khử khuẩn tay bằng dung dịch rửa tay chứa cồn theo quy trình rửa tay thường quy.
- Mọi người khi đã vào buồng phẫu thuật cần hạn chế nói chuyện, hạn chế đi lại hoặc ra ngoài buồng phẫu thuật và hạn chế tiếp xúc tay với bề mặt môi trường trong buồng phẫu thuật.
- Kỹ thuật mổ: Khi phẫu thuật cần thao tác nhẹ nhàng, duy trì cầm máu tốt, tránh làm đụng rập, thiểu dưỡng mô/tổ chức. Cần loại bỏ hết tổ chức chết, chất ngoại lai và các khoang chết trước khi đóng vết mổ.
e. Chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật
- Băng vết mổ bằng gạc vô khuẩn liên tục từ 24-48 giờ sau mổ. Chỉ thay băng khi băng thấm máu/dịch, băng bị nhiễm bẩn hoặc khi mở kiểm tra vết mổ.
- Hướng dẫn người bệnh, người nhà người bệnh cách theo dõi phát hiện và thông báo ngay cho nhân viên y tế khi vết mổ có các dấu hiệu/triệu chứng bất thường.
- Cần rút dẫn lưu sớm nhất có thể.
- Theo dõi vết mổ
Theo dõi chặt chẽ và báo cáo tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ đã được đồng ý là cách tốt nhất giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ. Trong một nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian 10 năm, tỉ lệ lây nhiễm của vết mổ được làm sạch đã giảm từ 2,6% còn 0,6%. Một nghiên cứu 8227 vết thương từ 1976 đến 1981 tại Hoa Kỳ ghi nhận vết mổ sạch giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn từ 3,5% đến dưới 1,0%. Và một quan sát trên 40 915 vết thương trong khoảng thời gian 10 năm cho thấy rằng tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ trong từng năm nghiên cứu dao động từ 1,8% đến 2,8%, ít hơn đáng kể so với tỷ lệ nhiễm khuẩn là 4,2% trong năm bình thường. Trong nghiên cứu này, một chương trình theo dõi tích cực được thực hiện đã tiết kiệm lượng chi phí dịch vụ lớn cho bệnh nhân trong hơn 9 năm, tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ sau đó giảm từ 4,2% còn 2,5%.
Một nghiên cứu trên 1483 bệnh nhân ở độ tuổi từ 10 đến 92 so sánh hai chỉ số đo mức độ nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện: chỉ số SENIC (Study on the Efficacy of Nosocomial Infection Control) và chỉ số NNIS (National Nosocomial Infections Surveillance system). Chỉ số NNIS có một độ tin cậy tốt hơn so với chỉ số SENIC trong việc phân biệt và dự đoán nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ.
*PHÂN LOẠI PHẪU THUẬT
I. Phẫu thuật sạch: Vùng mổ không bị viêm nhiễm, không phải phẫu thuật vùng hầu miệng, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, sinh dục, tiết niệu, phẫu thuật không có dẫn lưu và nếu có thì phải là dẫn lưu kín.
II. Phẫu thuật sạch nhiễm: phẫu thuật hệ hô hấp, tiêu hóa, sinh dục, tiết niệu có kiểm soát và không bị nhiễm trầm trọng, cắt ruột thừa, phẫu thuật hệ tiết niệu nhưng kết quả cấy nước tiểu âm tính, phẫu thuật đường mật nhưng dịch mật không bị nhiễm khuẩn.
III. Phẫu thuật nhiễm: vết thương hở, chấn thương mới hay những phẫu thuật có vi phạm về vô khuẩn hay thủng lớn từ đường tiêu hóa, phẫu thuật đường mật hay hệ tiết niệu, sinh dục có nhiễm khuẩn, vùng phẫu thuật bị viêm cấp nhưng không có mủ.
IV. Phẫu thuật bẩn: các chấn thương, vết thương có mô hoại tử, dị vật trong môi trường bẩn hoặc điều trị muộn, thủng tạng rỗng, nhiễm khuẩn cấp tính quan sát thấy mủ trong lúc mổ.
*THANG ĐIỂM ASA (American Society of Anesthesiologists score)
- Tình trạng sức khỏe bệnh nhân bình thưòng
- Bệnh nhân có tình trạng bệnh toàn thân nhẹ
- Tình trạng bệnh toàn thân nặng
- Tình trạng bệnh toàn thân không còn sức chống đỡ và đe dọa tử vong
- Tình trạng bệnh toàn thân đe dọa tử vong trong vòng 24 giờ
*CHỈ SỐ NNIS (National Nosocomial Infections Surveillance system)
Loại phẫu thuật |
Thời gian phẫu thuật |
ASA |
|||
Loại phẫu thuật |
Điểm |
Thời gian |
Điểm |
Điểm ASA |
Điểm |
I hoặc II |
0 |
Chấp nhận |
0 |
1 hoặc 2 |
0 |
III hoặc IV |
1 |
Dài hơn khuyến cáo của NNIS |
1 |
3, 4 hoặc 5 |
1 |
*NGUY CƠ NTVM THEO CHỈ SỐ NNIS
Chỉ số NNIS |
Nguy cơ NKVM (%) |
0 |
1,5 |
1 |
2,6 |
2 |
6,8 |
3 |
13,0 |
f. Đảm bảo các điều kiện, thiết bị, phương tiện và hóa chất thiết yếu.
- Tiệt khuẩn tập trung, theo bộ cho mỗi ca phẫu thuật tại khoa KSNK.
- Tuân thủ đúng quy trình tiệt khuẩn. Ưu tiên phương pháp tiệt khuẩn bằng nhiệt ướt (hấp ướt bằng nồi hấp ở nhiệt độ tối thiểu là 121oC theo thời gian quy định tuỳ loại thiết bị. Trường hợp dụng cụ được tiệt khuẩn bằng nhiệt khô (tủ sấy), cần duy trì trì ở nhiệt độ 170oC trong thời gian 1 giờ.
- Ưu tiên đóng gói bằng vải chéo 2 lớp. Trường hợp đóng gói bằng hộp kền, hộp cần có nắp kín, có lỗ thông khí đóng mở được ở 2 bên hộp.
- Mọi hộp dụng cụ cần được kiểm soát chất lượng bằng chỉ thị nhiệt (dán ở bên ngoài hộp hấp), chỉ thị hoá học (đặt ở trong mỗi hộp hấp).
- Có các phương tiện cho thu gom và khử khuẩn sơ bộ dụng cụ phẫu thuật.
Kết luận
Nhiễm khuẩn vết mổ chiếm tỷ lệ cao trong nhiễm khuẩn bệnh viện và góp phần tăng đáng kể chi phí chăm sóc sức khỏe. Nhiễm khuẩn vết mổ không thể hoàn toàn được loại bỏ, tuy nhiên việc giảm tỉ lệ nhiễm khuẩn vết mổ xuống mức tối thiểu có thể giảm tỉ lệ biến chứng và tử vong, giảm chi phí cho bệnh viện và người bệnh, giảm nguy cơ tăng kháng thuốc của vi khuẩn. Nhiều yếu tố liên quan đến nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ như bệnh nền, một bệnh lý có từ trước, thời gian phẫu thuật kéo dài, loại phẫu thuật, một vết thương nhiễm bẩn… Việc sử dụng kháng sinh dự phòng một cách hợp lý và việc sử dụng một hệ thống tổ chức theo dõi và chăm sóc hậu phẫu là phương tiện hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ xuống mức tối thiểu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Aamir Ijaz, Suhail Amer (2010), Post-operation wound infection: prevention the role of antibiotic prophylaxis in Lichtenstein, Professional Med J, 17(2), p 174-179.
2. Bộ Y tế (2003). Hướng dẫn Chống nhiễm khuẩn tập I, Nhà xuất bản y học, 2003
3. Bộ Y tế (2012). Tài liệu đào tạo liên tục cho nhân viên y tế về Kiểm soát nhiễm khuẩn, Nhà xuất bản Y học, 2012
4. Culver DH., Horan TC. et al (1991), Surgical wound infection rates by wound class, operation procedure, and patient risk index, Am J Med 1991, (91), pp 1525-1575.
5. European Wound Management Association (EWMA) (2013). EWMA document. Antimicrobials and non-healing wounds: evidence, controversies and suggestions. J Wound Care 2013; 22 (Supple 5): S1 –S89
6. IFIC basic concepts of infection control, International Federation of Infection Control, 2011
7. Kussay M Zwain (2007), Correlation of postoperation wound infection with intraoperative cultures results and duration of operation, The Iraqi Posgraduate medical Journal, Vol 6, No1, p 27-32.
8. Mangram AJ, Horan TC, Pearson ML, Silver LC, Jarvis WR (1999), “The Hospital infection control practices Advisory committee”, Guideline for prevention of surgical site infection, Infect control hosp epidemiol 1999, (20), pp 247-278.
9. Masood A, Shams NA et al (2007), Post-operation wound infection: a surgeon’s dilemma. Pakistan Journal of Surgery, Vol 23(1), p 41-47.
10. Nandi PL, Soundara Rajan S, Mak KC, Chan SC, So YP (1999), Surgical wound infection, HKMJ Vol 5 No 1 March 1999.
PGS.TS. Trần Đình Bình
Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn
Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế