"Lạc nội mạc tử cung (LNMTC) là sự hiện diện của các tuyến nội mạc chức năng và mô đệm bên ngoài vị trí buồng tử cung như thông thường. Bệnh có thể gây ra tình trạng dính vùng chậu nặng có hoặc không kèm theo các tế bào viêm hay đại thực bào chứa hemosiderin. LNMTC thường xuất hiện nguyên phát ở vùng chậu do mô nội mạc cấy ghép, hoặc kết dính, vào phúc mạc, buồng trứng, vòi tử cung, dây chằng tử cung-cùng, đại tràng sigma, bàng quang hay ruột thừa. Ít phổ biến hơn, LNMTC có thể hiện diện ngoài vùng chậu, gợi ý sự di căn. LNMTC là bệnh lành tính thường ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên, đã có một số trường hợp bệnh báo cáo ung thư biểu mô nội mạc phát triển từ các ổ LNMTC. Tỷ lệ lưu hành ước tính của LNMTC từ 10 - 15% và với bệnh nhân vô sinh, tỷ lệ này có thể từ 30 - 40%. Các nghiên cứu cho thấy bệnh có xu hướng di truyền; những người trong cùng gia đình bệnh nhân mắc LNMTC có xu hướng phát triển bệnh nặng hơn và tái phát thường xuyên hơn."

LNMTC từ trung bình đến nặng có thể là nguyên nhân vô sinh do gây dính và sẹo trên buồng trứng và vòi tử cung. Liên quan giữa LNMTC nhẹ và vô sinh chủ yếu liên quan đến phản ứng viêm quá mức do tăng sản xuất prostaglandin và các yếu tố tiền viêm.

Điều trị nội tiết trong LNMTC kèm vô sinh có vai trò rất hạn chế. Mặc dù có hiệu quả trong giảm đau và một số phác đồ có thể giúp giảm mức độ bệnh, tuy nhiên, về bản chất thì các thuốc nội tiết làm giảm cơ hội có thai tự nhiên của người bệnh do ức chế hoạt động buồng trứng. Trong tổng quan Cochrane của Hughes và cộng sự, đánh giá các phương pháp điều trị nội tiết với vai trò ức chế buồng trứng, phân tích 12 thử nghiệm đã kết luận việc dùng thuốc ức chế buồng trứng không có lợi về kết quả có thai so với giả dược. Đồng vận GnRH so với thuốc tránh thai không cho thấy bất kỳ sự khác biệt nào về tỷ lệ mang thai. Vì vậy, đối với bệnh nhân hiếm muộn có kèm LNMTC, không chỉ định điều trị nội tiết nhằm mục đích ức chế chức năng buồng trứng vì việc này không cải thiện cơ hội có thai.

Tuy nhiên, Dydrogesterone có thể là một ngoại lệ do vai trò của nó trong điều trị giảm đau và giảm tiến triển LNMTC đồng thời không ức chế phóng noãn. Dydrogesterone giúp giảm hiện tượng viêm và ức chế tăng sinh thông qua TNF-alpha và IL8, ức chế giải mã giúp giảm mô đệm và giảm tăng sinh mạch, nhờ đó giúp giảm đau và có thể dùng dài ngày. Với những người mong con, Dydrogesterone không ức chế phóng noãn do không tác động hồi tác âm lên trục hạ đồi - tuyến yên, có khả năng hoạt hoá Th2 (anti-inflammatory) trong đáp ứng miễn dịch giúp tăng khả năng làm tổ thông qua tạo Progesterone-Induced Blocking Factor (PIBF). PIBF tăng sản xuất cytokines điều hoà và ức chế cytokines tiền viêm, tăng hiệu quả trong điều trị nội khoa LNMTC vô sinh. Ngoài ra, Dydrogesterone còn được chứng minh là cải thiện cơ hội có thai gấp đôi khi chỉ định sau phẫu thuật nội soi LNMTC.

Liên quan giữa phẫu thuật và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản luôn là mối quan tâm chính trong quyết định điều trị lạc nội mạc tử cung có kèm theo hiếm muộn. Vai trò của ngoại khoa trong LNMTC có kèm theo hiếm muộn đã được xác nhận trên y văn.

Với bệnh nhân vô sinh có LNMTC độ nhẹ và trung bình, nên chỉ định kích thích buồng trứng kèm bơm tinh trùng vào buồng tử cung để cải thiện cơ hội mang thai và tăng tỷ lệ sinh sống, thay vì theo dõi đơn thuần. Việc kích thích buồng trứng trong chu kỳ IUI sẽ tốt hơn chỉ thực hiện IUI chu kỳ tự nhiên. Nên cân nhắc các yếu tố gồm tuổi và dự trữ buồng trứng người vợ, chất lượng tinh trùng, thời gian vô sinh cũng như các can thiệp trước đây để quyết định thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cho các trường hợp vô sinh có liên quan LNMTC, đặc biệt là khi chức năng vòi tử cung bị tổn thương.

Trường hợp bệnh nhân vô sinh có u LNMTC ở buồng trứng trên 3 cm, không có bằng chứng việc bóc u nang trước khi thực hiện thụ tinh ống nghiệm sẽ cải thiện tỷ lệ có thai. Chỉ định bóc u chỉ cân nhắc khi cần cải thiện triệu chứng đau hay để tiếp cận được nang noãn thuận lợi hơn khi thực hiện chọc hút noãn.

Tuy nhiên, cần tư vấn cho bệnh nhân có u LNMTC buồng trứng về nguy cơ giảm dự trữ buồng trứng hay thậm chí mất buồng trứng sau phẫu thuật. Rất hạn chế chỉ định nếu bệnh nhân đã từng phẫu thuật buồng trứng ít nhất một lần trước đó. Một lựa chọn thay thế trong trường hợp này là kỹ thuật gây xơ nang LNMTC bằng cách hút dịch nang dưới hướng dẫn siêu âm, súc rửa và bơm vào trong nang ethanol 95% để gây xơ hoá thành nang.

Tóm lại, thành công của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong trường hợp vô sinh có LNMTC đã được khẳng định. Điều trị nội khoa ức chế buồng trứng được chứng minh là kém hiệu quả. Phẫu thuật cần hướng đến mục đích trả lại cho bệnh nhân cơ hội mang thai tự nhiên, đồng thời xem xét nguy cơ ảnh hưởng đến sự suy giảm chức năng buồng trứng. Vì thế, cần cân nhắc trước khi chỉ định can thiệp nội khoa, ngoại khoa, tránh bỏ lỡ thời điểm điều trị tốt bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để mang lại cơ hội có thai sớm nhất cho bệnh nhân.