"Phương pháp trích tinh trùng là các kỹ thuật được chỉ định đối với bệnh nhân được chẩn đoán vô tinh, với mục đích có thể tìm được tinh trùng từ bệnh nhân để thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Trích tinh trùng bao gồm nhiều phương pháp với mức độ can thiệp khác nhau như: chọc hút tinh trùng từ mào tinh (Percutaneous Epididymal Sperm Aspiration - PESA), chọc hút tinh trùng từ tinh hoàn (Testicular Sperm Aspiration - TESA), sinh thiết tinh hoàn, phẫu thuật tinh hoàn lấy tinh trùng (Testicular Sperm Extraction - TESE) có thể dưới quan sát kính vi phẫu (micro Testicular Sperm Extraction - mTESE)."

Đối với các trường hợp vô tinh tắc nghẽn (Obstructive Azoospermia - OA), tinh trùng không thể đi ra ngoài theo con đường xuất tinh và được chứa trong mào tinh hoặc các ống sinh tinh trong tinh hoàn, điều này sẽ giúp cho tỷ lệ trích tinh trùng cao ở nhóm bệnh nhân này. Tuy vậy, đối với những trường hợp vô tinh không tắc nghẽn (Non-Obstructive Azoospermia - NOA), mào tinh hầu như không hiện diện tinh trùng, và tinh trùng có thể xuất hiện rất ít ở các ống sinh tinh. Phương pháp TESE kết hợp với ICSI là một trong những lựa chọn đầu tay cho các trường hợp này. Gần đây, sự hình thành phát triển của hệ thống vi phẫu thuật tinh hoàn lấy tinh trùng (Micro TESE hoặc Microdissection TESE) sử dụng một kính vi phẫu cho phép xác định vùng ống sinh tinh có khả năng chứa tinh trùng nhằm tăng tỷ lệ thu được tinh trùng thành công ở các trường hợp vô tinh không tắc nghẽn.

Phương pháp MESA được thực hiện bằng cách rạch một đường nhỏ da bìu nhằm bộc lộ mào tinh. Sau đó mào tinh được quan sát dưới kính hiển vi và cũng được rạch một đường rất nhỏ đi vào lòng ống. Một kim chọc hút nhỏ được luồn vào ống mào tinh để thu lượng dịch mào tinh tại vị trí rạch. Ngoài ra, thay vì hút trực tiếp trong lòng ống, một kim thuỷ tinh nhỏ có thể được sử dụng bằng cách đi xuyên qua các lòng ống và hút hết tất cả dịch lòng ống mào tinh có thể thu được. Sau khi tiến hành chọc hút, kiểm tra ngay lập tức chất dịch thu được liệu có tinh trùng hay không? Đánh giá số lượng, độ di động tinh trùng để tiến hành các bước can thiệp tiếp theo.  Ưu điểm của phương pháp là ít xâm lấn và khả năng thành công của phương pháp trung bình 55%.

Phương pháp PESA được thực hiện bằng sử dụng một kim sinh thiết có thể chọc hút được dịch từ mào tinh hoàn. Sau khi xác định và cố định mào tinh bằng ngón trỏ và ngón cái và các ngón còn lại tay trái ôm trọn tinh hoàn, một kim cánh bướm 21 G được đưa xuyên qua bề mặt da được làm căng và đi vào mào tinh hoàn. Áp lực âm tạo ra bởi hệ thống hút sẽ hút mạnh trung bình 20 ml dịch mào tinh ban đầu. Sau đó, thủ thuật viên di chuyển kim cánh én nhẹ nhàng trong mào tinh và quan sát dịch mào tinh được hút ra trong ống dẫn. Sau khi quan sát đã nhận thấy đủ lượng dịch mào tinh cần thu thập, tiến hành kẹp ống dẫn bằng một clamp và rút kim cánh én ra ngoài. Dịch sau khi chọc hút được đưa vào đĩa chứa môi trường nuôi cấy hoặc 1,5 ml ống Eppendorf vô trùng. Thủ thuật PESA có thể được tiến hành lặp lại trên cùng một mào tinh hoặc mào tinh phía đối diện cho đến khi thu được lượng tinh trùng đủ theo yêu cầu. Thông thường hiếm khi có thể thu được đủ lượng tinh trùng để thực hiện ICSI hoặc trữ lạnh ngay sau lần đầu chọc hút, thời gian trung bình thực hiện thủ thuật kéo dài 10 phút. Ưu điểm của phương pháp là tỷ lệ thu được tinh trùng đạt trên 50%, là phương pháp đơn giản, ít xâm lấn, có thể thực hiện bằng gây tê cục bộ vì không cần rạch da bìu, ít đau hơn và ít các biến chứng sau thủ thuật, phổ biến ở nhiều trung tâm điều trị, không cần trang thiết bị kỹ thuật cao, chi phí thấp và ít gây xơ hoá và dính mào tinh.

Phương pháp TESE có thể được áp dụng trong các trường hợp thực hiện kỹ thuật trích tinh trùng khác không thành công. Thủ thuật được tiến hành bằng cách rạch một đường nhỏ ở da vùng bìu vị trí lấy sinh thiết. Thủ thuật viên bộc lộ từ ngoài vào đến tinh hoàn và kẹp cắt mẫu mô tinh hoàn nhỏ. Mảnh mô tinh hoàn thu được sẽ đặt vào đĩa chứa môi trường nuôi cấy ở nhiệt độ 370C và đưa vào phòng thí nghiệm để lọc và tìm tinh trùng bằng phương pháp cơ học và enzyme. Phương pháp này có thể được tiến hành lặp lại trên cùng tinh hoàn hoặc tinh hoàn phía đối diện cho đến khi có số lượng tinh trùng đủ theo yêu cầu. Số lượng mẫu sinh thiết phù hợp vẫn chưa có sự đồng thuận, các khuyến cáo cho rằng nên lấy mẫu ở các vị trí khác nhau của tinh hoàn để tăng tỷ lệ thu được tinh trùng. Ưu điểm bao gồm: khả năng thu được tinh trùng cao, cả khi trong những trường hợp các phương pháp khác không thành công, tỷ lệ tìm thấy tinh trùng ở các trường hợp vô tinh không tắc nghẽn lên đến 50%, tỷ lệ thu được tinh trùng chung trong các trường hợp vô tinh trung bình khoảng 80%. Đây là phương pháp có thể chẩn đoán xác định vô tinh tắc nghẽn hay không tắc nghẽn trong khi các thăm dò khác như kết quả nội tiết, siêu âm bìu chỉ là những thông tin gợi ý.

Phương pháp sinh thiết tinh hoàn vi phẫu (Micro TESE) óc thể được tiến hành với sự hỗ trợ của kính hiển vi với độ phóng đại x40 và x80. Phương pháp sinh thiết vi phẫu nhằm mục đích quan sát và tìm những đoạn ống sinh tinh căng phồng để tăng tỷ lệ thu được tinh trùng đồng thời hạn chế tổn thương các mô lành xung quanh. Micro-TESE tỏ ra hữu ích ở các trường hợp hội chứng tế bào Sertoli khi các tế bào Sertoli chỉ có khả năng sinh tổng hợp tinh trùng khu trú. Các phân tích tổng quan kết luận rằng khả năng thu được tinh trùng bởi phương pháp Micro- TESE cao gấp 1,5 lần so với TESE đơn thuần.