Đánh giá phân mảnh DNA tinh trùng là xét nghiệm quan trọng giúp đánh giá tình trạng vô sinh ở nam giới. Theo nghiên cứu tại trung tâm, xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng có giá trị góp phần tiên lượng kết quả trong điều trị vô sinh. Nó không chỉ liên quan đến tỷ lệ thụ tinh sau ICSI mà còn có thể góp phần tiên lượng khả năng sẩy thai sớm của chu kỳ điều trị thụ tinh trong ống nghiệm.

Tại Trung tâm Nội tiết Sinh sản và Vô Sinh, chúng tôi đánh giá đứt gãy DNA tinh trùng bằng phương pháp khảo sát mức độ phân tán chất nhiễm sắc tinh trùng (Sperm chromatin dispersion – SCD). Phương pháp xét nghiệm này dựa trên đặc điểm của quầng halo tạo thành khi protein nhân tinh trùng bị loại bỏ sau khi bị biến tính bằng acid. Nói cách khác, nhân tinh trùng với DNA phân mảnh nghiêm trọng sẽ cho quầng halo rất nhỏ hoặc không tạo thành quầng halo, trong khi tinh trùng với DNA ít phân mảnh hơn sẽ phân tán DNA vòng và hình thành quầng halo kích thước lớn.

Hiện nay, các bộ xét nghiệm Halosperm có sẵn trên thị trường đã bao gồm đầy đủ nguyên liệu, hóa chất và quy trình để dễ dàng thực hiện xét nghiệm. Tuy nhiên, cách đánh giá của phương pháp này còn mang tính chủ quan của người quan sát khi phân biệt các quầng sáng và chỉ giúp đánh giá các mẫu có mật độ trên 5 ×106 tinh trùng/ml. Tại trung tâm chúng tôi, để hạn chế tính chủ quan trong đánh giá kết quả SCD, tiêu bản được chụp hình nhiều vi trường và đo chính xác kích thước quầng halo.

Phương pháp này gồm ba bước chính:

(1) Tạo lam chứa mẫu tinh dịch sau khi trộn với agarose, nhằm cung cấp một chất nền huyền phù trơ để thao tác với tế bào.

(2) Ủ mẫu trong dung dịch acid để biến tính, tháo xoắn DNA; sau đó là dung dịch ly giải để loại bỏ protein hạt nhân.

(3) Rửa bằng nước cất rồi khử nước bằng ethanol, sau đó nhuộm tiêu bản để quan sát dưới kính hiển vi quang học.

Kết quả được đánh giá như sau:

- Tinh trùng có DNA không phân mảnh:

+ Tinh trùng có quầng lớn (loại A): là những tinh trùng có chiều rộng quầng bằng hoặc lớn hơn đường kính của nhân.

+ Tinh trùng có quầng kích thước trung bình (loại B): kích thước quầng của chúng nằm giữa loại có quầng lớn và loại có quầng nhỏ (chiều rộng quầng từ 1/3 đến 1 lần đường kính nhân)

- Tinh trùng có DNA phân mảnh:

+ Tinh trùng có quầng nhỏ (loại C): chiều rộng quầng bằng hoặc nhỏ hơn 1/3 đường kính của nhân.

+ Tinh trùng không có quầng (loại D): tinh trùng không có quầng, nhân không đều màu và vẫn bắt màu thuốc nhuộm.

+ Tinh trùng thoái hóa (loại E): những tinh trùng không có quầng và nhân không đều hoặc bắt màu thuốc nhuộm ít.

            Tính toán chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng (DFI):

DFI(%) = Tinh trùng có DNA phân mảnh (C+D+E) / Tổng tinh trùng (A+B+C+D+E) x100

*** Đánh giá kết quả tổng quát: 

+ DFI < 15%: bình thường

+ DFI từ 15 đến 30%: đứt gãy DNA mức độ trung bình

+ DFI > 30%: đứt gãy DNA mức độ nặng