"Chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài khoảng 28 ± 7 ngày với thời gian hành kinh khoảng 4 ± 2 ngày và lượng máu mất từ 20 đến 60 mL. Theo quy ước, ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày bắt đầu ra máu âm đạo. Thời gian của chu kỳ kinh thường rất khác nhau giữa các phụ nữ và thay đổi ngay cả ở một phụ nữ trong các giai đoạn khác nhau thời kỳ sinh sản. Chu kỳ kinh thường không đều trong những năm bắt đầu có kinh và những năm sắp mãn kinh, thường khá ổn định trong độ tuổi 20 – 40."

Chu kỳ kinh nguyệt ở người bình thường có thể chia làm 2 phần: chu kỳ buồng trứng và chu kỳ tử cung. Chu kỳ buồng trứng gồm giai đoạn nang noãn và giai đoạn hoàng thể. Chu kỳ tử cung tương ứng có giai đoạn hành kinh, giai đoạn tăng sinh và giai đoạn chế tiết. Ở hầu hết các phụ nữ, giai đoạn hoàng thể thường ổn định, kéo dài 13 – 14 ngày. Vì thế, thời gian chu kỳ kinh thay đổi tùy vào độ dài của giai đoạn nang noãn.

CHU KỲ BUỒNG TRỨNG

Sự chiêu mộ và chọn lọc nang noãn: Sự phát triển nang noãn là một quá trình đa cấp, kéo dài ít nhất 3 tháng, kết thúc bằng sự phóng noãn. Vào cuối chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ estrogen, progesterone, và inhibin giảm đi đột ngột làm tăng nồng độ FSH trong tuần hoàn giúp các nang noãn phát triển về kích thước và chức năng chế tiết hormone.

Trong quá trình phát triển, đa số các nang sẽ bị thoái triển do sự giảm nồng độ FSH. Sự chọn lọc các nang noãn xảy ra vào khoảng ngày 7 của chu kỳ. Các nang đang phát triển tạo ra lượng lớn estrogen và inhibin, làm giảm nồng độ FSH thông qua cơ chế hồi tác âm tính.

Sự vượt trội và thoái hóa của nang noãn: Khoảng ngày 8-10 của chu kỳ, một nang noãn trong số các nang được chọn lọc sẽ vượt trội hơn các nang khác. Trong nang này, hoạt động chế tiết estradiol diễn ra rất mạnh, đồng thời dưới tác dụng của FSH, tế bào hạt nang noãn vượt trội sẽ chế tiết ra Inhibin – có tác dụng ức chế tiết FSH của tuyến yên làm giảm khả năng chế tiết estradiol của các nang khác, dẫn đến sự tích luỹ các androgen gây thoái hoá nang.

Đỉnh LH và sự phóng noãn: Phóng noãn là hiện tượng noãn bào (trứng) được phóng thích khỏi nang noãn. Vào cuối pha nang noãn, nồng độ estradiol tăng lên đột biến gây nên hồi tác dương tính ở vùng dưới đồi và tuyến yên dẫn đến xuất hiện đỉnh LH. Thời gian trung bình của đỉnh LH khoảng 48 giờ và sự phóng noãn thường diễn ra sau 12-24 giờ kể từ khi xuất hiện đỉnh LH. Ngoài ra, Prostaglandins cũng đạt đỉnh trong dịch nang sau khi có đỉnh hormone hướng sinh dục. Prostaglandins có thể kích thích hoạt động cơ trơn ở buồng trứng, góp phần vào hiện tượng phóng noãn. Phụ nữ được điều trị vô sinh cần tránh các chế phẩm làm ức chế tổng hợp prostaglandin trong giai đoạn tiền phóng noãn để tránh hiện tượng nang hoàng thể hóa không vỡ.

Giai đoạn hoàng thể: Sau khi phóng noãn, phần tế bào còn lại ở nang noãn biệt hóa thành hoàng thể. Quá trình này nhờ sự tác động của LH làm thay đổi cả hình thái và chức năng và được gọi là sự hoàng thể hóa. Pha hoàng thể được xem như pha progesterone, đối ngược với tính ưu thế estrogen trong pha nang noãn. Nồng độ progesterone đạt đỉnh cao vào giữa pha hoàng thể vào khoảng 40 mg mỗi ngày. Có thể khẳng định có phóng noãn khi nồng độ progesterone vượt quá 3 ng/mL vào ngày 21 chu kỳ. Ở những phụ nữ điều trị vô sinh, nếu nồng độ progesterone trên 10 đến 15 ng/mL chứng tỏ chức năng hoàng thể đầy đủ và không cần phải bổ sung progesterone.

CHU KỲ TỬ CUNG

Giai đoạn tăng sinh: Hai phần ba trên của nội mạc là phần tăng sinh và bong tách vào mỗi chu kỳ nếu không có sự thụ thai. Lúc bắt đầu giai đoạn tăng sinh, nội mạc tử cung tương đối mỏng. Nhờ ảnh hưởng của estrogen, các tế bào tuyến và mô đệm ở lớp chức năng tăng sinh nhanh chóng. Lúc có đỉnh LH, độ dày mô đệm khoảng 10-12mm, dạng 3 lớp.

Giai đoạn chế tiết: Trong một chu kỳ 28 ngày điển hình, sự phóng noãn xảy ra vào ngày thứ 14. Sau khi phóng noãn, nội mạc chuyển dạng thành mô chế tiết dưới tác dụng của progesterone, tương ứng với thời kỳ hoàng thể của buồng trứng. Ngày 6-7 sau phóng noãn, hoạt động chế tiết các tuyến đạt cực đại và nội mạc đã được chuẩn bị tối ưu cho sự làm tổ của phôi.

Hành kinh: Sự phá vỡ không đều lớp màng rụng chức năng gọi là hành kinh. Vào cuối chu kỳ, với sự tụt giảm đột ngột các hormone steroid sinh dục, các tiểu động mạch xoắn co thắt dẫn đến thiếu máu cục bộ nội mạc. Đồng thời, sự phá vỡ các lysosome và giải phóng proteolytic enzyme gây phá huỷ mô tại chỗ nhiều hơn. Lớp nội mạc chức năng bong ra còn lại lớp đáy là nguồn cho sự phát triển của nội mạc sau này.

Như vậy, mặc dù hành kinh là một hiện tượng sinh lý rất dễ nhận biết, nhưng đó là kết quả của một quá trình biến đổi phức tạp trong cơ thể người nữ mang tính chu kỳ, liên quan đến hoạt động của nội tiết sinh sản. Nếu kinh nguyệt rối loạn, rất nhiều yếu tố khác nhau phải được xem xét. Hiểu được các nguyên lý cơ bản này là điều kiện tiên quyết đối với bác sĩ phụ khoa để có thể tiến hành các bước tiếp theo trong chẩn đoán và xử trí.