"Nội tiết sinh sản liên quan đến nội tiết tố và các yếu tố thần kinh nội tiết được tạo ra bởi các mô cơ quan sinh sản. Các mô cơ quan này bao gồm vùng dưới đồi, tuyến yên trước, buồng trứng, nội mạc tử cung và bánh nhau. Nội tiết tố kinh điển được xem là một sản phẩm tế bào được chế tiết vào tuần hoàn ngoại biên và đến tác động vào cơ quan đích ở xa. Nếu kinh nguyệt là một biểu hiện bên ngoài rõ ràng của một phần hoạt động sinh sản ở người phụ nữ, thì bên trong cơ thể họ, để đảm bảo chức năng sinh sản đó phải có một sự phối hợp chặt chẽ và vô cùng phức tạp của hệ thống nội tiết sinh sản, vùng dưới đồi kích thích tuyến yên, tuyến yên kích thích buồng trứng. Các hormone buồng trứng một mặt tác động trực tiếp lên phần của cơ quan sinh dục như tử cung, cổ tử cung, vòi trứng, âm hộ, âm đạo, tuyến vú, mặt khác lại tác động trở lại vùng dưới đồi tuyến yên tạo thành cơ chế hồi tác. Khi có một rối loạn bất kỳ của quá trình hoạt động này sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và thường biểu hiện ra bên ngoài với hiện tượng rối loạn kinh nguyệt và hiếm muộn, vô sinh."

Trục dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng

Vùng dưới đồi (VDĐ) là một cấu trúc thần kinh nhỏ, nằm ở sàn não, chủ yếu chế tiết các yếu tố giải phóng tuyến yên. Trong đó, quan trọng nhất cho hoạt động của hệ sinh sản là hormone giải phóng hướng sinh dục (GnRH) kiểm soát việc chế tiết hormone hoàng thể (LH) và hormone kích thích nang noãn (FSH).

GnRH được chế tiết theo dạng xung trong phạm vi tần số và cường độ nhất định và thời gian bán huỷ chỉ 2-4 phút, quyết định sự chế tiết gonadotropin của tuyến yên

Tuyến yên là một cấu trúc gồm 3 thuỳ: thuỳ trước, thuỳ giữa và thuỳ sau, nằm trong hố tuyến yên. Tuyến yên trước chịu trách nhiệm chế tiết các yếu tố giải phóng hormone chính: FSH, LH, TSH, và ACTH cũng như GH và prolactin.

Follicular stimulating hormone (FSH, follitropin)hormone kích thích nang noãn trong buồng trứng. Cả FSH và LH được chế tiết dạng xung. Nồng độ FSH lưu hành trong tuần hoàn thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt đáp ứng qua lại nồng độ estradiol và progesterone. FSH được xem là một marker tốt để đánh giá dự trữ buồng trứng và dự đoán khả năng đáp ứng với kích thích buồng trứng. Nồng độ FSH bất thường cũng có thể là chỉ điểm rối loạn chức năng trục dưới đồi - tuyến yên.

Luteinizing hormone (LH, lutropin)hormon hoàng thể ở người. Khi nang noãn đạt đến trưởng thành, đỉnh LH làm vỡ nang noãn và phóng noãn. Đỉnh LH giữa chu kỳ được thúc đẩy do nồng độ cao estradiol gây hồi tác dương. Việc xác định nồng độ LH cần thiết cho việc dự đoán phóng noãn và để chẩn đoán các rối loạn chức năng tuyến yên - buồng trứng. Tăng nồng độ LH dẫn đến phóng noãn và là thời điểm quan trọng trong điều trị vô sinh - thời điểm giao hợp, bơm tinh trùng hay chọc hút noãn làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Buồng trứng là một cơ quan sinh sản vừa có tác dụng ngoại tiết (phóng noãn) vừa có tác dụng nội tiết (tiết hormone sinh dục). Buồng trứng có hình hạt, nằm áp vào thành bên chậu hông, kích thước dài 3.5cm x rộng 2cm x dày 1cm. Từ tuổi dậy thì, mỗi tháng buồng trứng phóng thích một noãn từ nang trưởng thành (De Graff) vỡ ra.

Mỗi chu kỳ, hàng chục nang noãn nguyên thuỷ được chiêu mộ để phát triển. Vào nửa đầu chu kỳ, trong pha nang noãn, các nang này sẽ phát triển, tăng dần kích thước và chức năng chế tiết hormone. Tác động của LH và FSH lên thụ thể trên tế bào vỏ và hạt nang noãn tạo nên các hormone sinh dục.

  • Androgen: trong giai đoạn nang noãn, LH tác động lên tế bào vỏ buồng trứng, kích thích sản xuất androgen, chủ yếu là androstenedione và testosterone.
  • Estrogen: androgen từ tế bào vỏ được hấp thu vào dịch nang. Dưới tác dụng của FSH lên tế bào hạt giúp chuyển hoá androgen thành estradiol (E2). Estradiol được hấp thu vào máu làm tăng nồng độ E2 huyết tương. Sự gia tăng này sẽ cùng với FSH để duy trì số lượng thụ thể FSH trên tế bào hạt và thúc đẩy sự hình thành thụ thể LH trên tế bào hạt, đồng thời tạo phản hồi dương vào giữa chu kỳ dẫn tới sự xuất hiện đỉnh LH.
  • Progesterone: trong giai đoạn hoàng thể, dưới tác dụng của LH lên thụ thể của nó trên tế bào hạt, androgen sẽ được chuyển hóa thành progesterone, tác động lên sự làm tổ và duy trì thai nghén qua sự biến đổi nội mạc tử cung.

Tóm lại: Các cơ quan nội tiết của hệ sinh sản từ trục dưới đồi, tuyến yên và buồng trứng hoạt động một cách nhịp nhàng với sự kiểm soát nghiêm ngặt do những cơ chế hoạt động và điều hoà đặc biệt. Mặc dù mỗi cơ quan có đặc điểm riêng về cấu trúc giải phẫu, hoạt động sinh lý, sản phẩm chế tiết và cơ chế điều hoà, nhưng mục đích chính của chúng vẫn là duy trì khả năng sinh sản của người phụ nữ trong giới hạn sinh lý, biểu hiện với sự hoạt động ngoại tiết (phóng noãn) và nội tiết (sản xuất hormone sinh dục) của buồng trứng. Nếu có rối loạn ở một vị trí bất kỳ trong hệ thống này thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng của buồng trứng và vì thế biểu hiện rối loạn phóng noãn và thiếu sót ở mô đích do rối loạn hormone sinh dục.