"Theo thống kê các bệnh nhiễm trùng thường gặp, nhiễm trùng đường tiết niệu đứng thứ hai sau nhiễm trùng hô hấp. Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra ở cả hai giới với nhiều độ tuổi khác nhau, theo thống kê, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới gấp nhiều lần. Bệnh lý này gây ra nhiều bất tiện cho cuộc sống của bệnh nhân, một trong số đó là chất lượng hoạt động tình dục của các cặp đôi."

Đại cương

Nhiễm trùng đường tiết niệu là tình trạng xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào các cơ quan của hệ tiết niệu như: hai thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Có thể phân loại nhiễm trùng đường tiết niệu theo vị trí, gồm: Nhiễm trùng đường tiết niệu trên (bao gồm viêm thận – bể thận cấp, viêm thận – bể thận mạn tính, viêm thận ngược chiều, áp xe thận, thận ứ mủ) và nhiễm trùng đường tiết niệu dưới (bao gồm viêm bàng quang, viêm niệu đạo).

Bệnh nhiễm trùng này có thể xuất hiện ở cả nam và nữ, tuy nhiên tần suất và mức độ viêm nhiễm tuỳ thuộc độ tuổi và giới tính. Theo báo cáo của Rachel vào năm 2019, nhiễm trùng đường tiết niệu ảnh hưởng đến 8% bé gái và 2% bé trai trong 7 năm đầu đời. Nhóm trẻ có tỷ lệ mắc bệnh gồm trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, bé gái mới biết đi và bé trai chưa cắt bao quy đầu dưới 1 tuổi. Đối với người trưởng thành dưới 65 tuổi, tỷ lệ nam giới mắc bệnh khá thấp, trong khi đó khoảng 10% phụ nữ trong nhóm này bị viêm tiết niệu ít nhất một lần trong đời do hoạt động tình dục hoặc mang thai. Ở phụ nữ, tỷ lệ này sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào độ tuổi. Cụ thể, phụ nữ dưới 18 tuổi có nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu thấp, chỉ 11%. Con số này đạt khoảng 20% ở phụ nữ trẻ trong nhóm 18 đến 24 tuổi. Phụ nữ trên 25 tuổi thì tỷ lệ này tăng dần. Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhiễm trùng đường tiết niệu ở nhóm tuổi trên 65 tuổi là không khác biệt ở hai giới. 

Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu

Trong các tác nhân gây bệnh, vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) được xem là tác nhân chính, chiếm đến 80%. E. coli là vi khuẩn ký sinh trong đường ruột, thường xâm nhập từ phân trong đại tràng vào bộ phận sinh dục ngoài, gây viêm niệu đạo, bàng quang và lây lan các bộ phận khác. Một số vi khuẩn khác cũng gây ra bệnh nhưng ít hơn đó là vi khuẩn đường ruột ký sinh ở ruột già.

Ngoài vi khuẩn E. coli cần xem xét nhiều yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở từng giới gồm:

Đối với nam giới:

- Người mắc một số bệnh như viêm tuyến tiền liệt, viêm bao quy đầu, sỏi đường tiết niệu, tiểu đường thường có khả năng bị viêm đường tiết niệu.

- Chấn thương ở dương vật do quan hệ tình dục quá mạnh, lạm dụng thủ dâm dễ tạo cơ hội cho vi khuẩn, nấm, proteus, … xâm vào đường tiết niệu gây viêm nhiễm.  

- Cơ quan sinh dục tiếp xúc thường xuyên với xà phòng, nước hoa, bao cao su,… có thể gây tổn thương và viêm niệu đạo.  

Đối với nữ giới:

- Phụ nữ thường có tỷ lệ viêm đường tiết niệu cao hơn nam giới do niệu đạo có cấu trúc thẳng, ngắn hơn và nằm gần hậu môn nên khả năng vi khuẩn xâm nhập sẽ cao hơn. Thói quen vệ sinh vùng kín: thường xuyên thụt rửa âm đạo làm mất cân bằng môi trường tự nhiên trong âm đạo, vệ sinh không sạch sẽ trong kỳ kinh nguyệt,… đều có nguy cơ mang vi khuẩn vào đường tiết niệu hoặc sau khi đi đại tiện và tiểu tiện, dùng giấy vệ sinh lau từ hậu môn đến trước khiến vi khuẩn ở hậu môn dễ dàng xâm nhập vào âm đạo gây viêm.

- Thói quen uống ít nước, nhịn tiểu khiến đường tiết niệu không được làm sạch, nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn. Người bị sỏi đường tiết niệu, ứ trệ nước tiểu, phì đại tuyến tiền liệt, mắc bệnh đái tháo đường, dị dạng thận, suy giảm miễn dịch,… thường có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

- Quan hệ tình dục không an toàn: có các tư thế giao hợp dễ gây viêm bàng quang, quan hệ với người bị viêm đường tiết niệu hoặc mắc bệnh lây qua đường tình dục như herpes, lậu,…

- Sử dụng thuốc điều trị, đặc biệt là cách nhóm thuốc kháng sinh dễ gây tổn thương đường tiết niệu, vi khuẩn dễ tấn công gây bệnh.

- Phụ nữ khi mang thai sẽ có nhiều thay đổi về nội tiết và giải phẫu. Thường gặp là hiện tượng chèn ép bàng quang gây ra ứ đọng nước tiểu, tăng nguy cơ trào ngược niệu quản – bàng quang. Đồng thời, nước tiểu trong thai kỳ cũng có sự thay đổi về pH, độ thẩm thấu, lượng đường và acid amin, do đó dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm đường tiểu.

Các triệu chứng thường gặp của viêm đường tiết niệu

Triệu chứng viêm đường tiết niệu ở mỗi bệnh nhân có thể không giống nhau. Nhiều trường hợp mắc bệnh nhưng không có biểu hiện gì và chỉ được phát hiện khi làm xét nghiệm nước tiểu trong khám sức khoẻ tổng quát. Tuy nhiên khi bị viêm nặng thì các triệu chứng sau sẽ xuất hiện dày đặc:

- Thường xuyên buồn tiểu và đi tiểu nhiều, nhưng chỉ tiểu lượng rất ít thậm chí là không có nước tiểu.

- Cảm giác nóng rát, đau buốt khi đi tiểu.

- Nước tiểu bất thường: nhiều bọt, nặng mùi, màu đục, có thể xuất hiện các tia máu nhỏ hoặc mủ.

- Trường hợp nặng sẽ có các biểu hiện sốt cao, rét run từng cơn, đau bụng dưới và vùng thắt lưng, cơn đau sẽ dồn dập hơn khi quan hệ tình dục.  

- Ngoài ra, nam giới thường có cơn đau rát và ngứa tại niệu đạo, có thể xuất hiện mủ trên miệng sáo, trong khi nữ giới thường xuyên bị đau vùng chậu, đặc biệt là ở trung tâm của xương chậu và xung quanh khu vực xương mu.

Tuỳ vào vị trí đường tiết niệu bị nhiễm trùng sẽ có các triệu chứng điển hình khác nhau. Cụ thể, cảm giác nóng rát và đau khi tiểu sẽ thường gặp ở người bị viêm ở niệu đạo. Khó chịu vùng bụng dưới, đi tiểu nhiều và đau buốt khi tiểu tiện sẽ xuất hiện ở nhiễm trùng bàng quang. Một trường hợp khác hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm là viêm đường tiết niệu ở thận, thường gây sốt cao, nôn mửa thậm chí dẫn đến nhiễm trùng máu.

Ảnh hưởng của viêm đường tiết niệu đến chức năng tình dục

Một trong những ảnh hưởng của viêm đường tiết niệu đến chức năng tình dục là cản trở hoạt động tình dục. Do vị trí viêm nhiễm có liên quan đến vùng chậu và cơ quan sinh dục nên ít nhiều sẽ tác động đến cuộc giao hợp. Mặc dù nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nữ giới là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều hơn, nhưng khi nam giới bị nhiễm trùng đường tiết niệu, họ cũng cảm thấy khó chịu trong lúc thân mật với đối phương.

Viêm đường tiết niệu thường khiến chị em cảm thấy đau nhói bụng dưới, đau âm ỉ âm đạo, do đó người phụ nữ dễ bị nóng rát và đau trong hoặc sau khi giao hợp. Một số trường hợp có thể đi tiểu buốt kèm chảy máu ngay sau khi kết thúc quá trình quan hệ. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ tạo tâm lý căng thẳng, e ngại mỗi khi gần gũi bạn tình cũng như làm giảm ham muốn tình dục ở phụ nữ. Đối với nam giới bị viêm đường tiết niệu sẽ có các biểu hiện như đau nhức bụng dưới, đau vùng chậu và có thể xuất hiện mủ ở dương vật. Các nhân tố này sẽ trực tiếp cản trở cuộc yêu, gây đau buốt sau khi quan hệ cũng như làm giảm khoái cảm và ham muốn tình dục của phái mạnh.

Quan hệ tình dục khi đang bị bệnh cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình; khiến các tổn thương, biến chứng ở đường tiết niệu tăng lên. Nghiêm trọng hơn là lây lan sang những cơ quan khác như ở nữ giới có thể gây viêm lên tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng trong khi với nam giới có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm ống dẫn tinh và tinh hoàn. Điều này không những làm giảm chất lượng cuộc sống tình dục mà còn ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản của các cặp đôi.

Điều trị và phòng tránh viêm đường tiết niệu

Khi phát hiện thấy bất kỳ dấu hiệu nào của nhiễm trùng đường tiết niệu, người bệnh cần tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và tư vấn. Dựa vào tình trạng nhiễm trùng và các bệnh lý kèm theo, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp với từng bệnh nhân. Trong đó, sử dụng thuốc kháng sinh là phương pháp phổ biến trong điều trị viêm đường tiết niệu, tuỳ vào mức độ nặng của bệnh mà thay đổi đường dùng cho phù hợp. Trong một số trường hợp nặng, đề kháng với thuốc và xuất hiện biến chứng tại thận, thận mủ, thận áp-xe, can thiệp có thể được xem xét.

Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu, mỗi người nên thiết lập và duy trì những thói quen sau:

- Bổ sung đủ nước cho cơ thể, giúp tăng bài tiết nước tiểu, tống vi khuẩn ra ngoài.

- Tăng cường nhóm thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn như sữa chua, phô mai,…

- Cung cấp vitamin C cho cơ thể thông qua các loại rau xanh, hoa quả tươi như cam, chanh, bưởi,… giúp ức chế vi khuẩn gây nhiễm trùng.

- Giữ gìn vệ sinh cơ quan sinh dục – tiết niệu đúng cách: không thụt rửa quá sâu tránh làm tổn thương khu vực này; lựa chọn sản phẩm vệ sinh có độ pH phù hợp; sau mỗi lần đi vệ sinh nên lau từ trước ra sau để tránh vi khuẩn xâm nhập từ hậu môn đến niệu đạo; đặc biệt chị em cần chú ý vệ sinh vùng kín sạch sẽ khi đến kỳ kinh nguyệt.

- Không nhịn tiểu, nên đi tiểu ngay khi có cảm giác buồn tiểu.

- Quan hệ tình dục an toàn: tuân thủ nguyên tắc quan hệ tình dục 1-1; tránh tư thế giao hợp qua hậu môn; vệ sinh vùng kín trước và sau khi giao hợp để tránh sự lây nhiễm của vi khuẩn nếu có.

- Hạn chế tắm bồn và nên thay thế bằng tắm vòi sen

- Mặc quần áo thông thoáng, thoải mái, chất liệu co giãn thấm hút tốt, tránh mặc đồ bó sát.

Tóm lại, viêm đường tiết niệu là bệnh nhiễm trùng phổ biến, đặc biệt là ở nữ giới. Bệnh sẽ có các triệu chứng với mức độ khác nhau tuỳ thuộc vào vị trí nhiễm trùng, tuy nhiên đều gây ra sự khó chịu, bất tiện cho bệnh nhân. Tình trạng viêm đường tiết niệu có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc giao hợp, gây ra tình trạng đau và có nguy cơ dẫn đến giảm ham muốn tình dục. Nhiều chuyên gia khuyến cáo rằng người bị viêm đường tiết niệu không nên quan hệ tình dục để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho đối phương. Thay vào đó, khi phát hiện thấy các dấu hiệu mắc bệnh, bệnh nhân nên chủ động thăm khám và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để được điều trị kịp thời. Ngoài ra, mỗi người cũng nên duy trì lối sống lành mạnh để hạn chế tái nhiễm xảy ra cũng như phòng tránh viêm đường tiết niệu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Millner R, Becknell B. Urinary Tract Infections. Pediatr Clin North Am. 2019. 66(1):1-13.
  2. Kalinderi K, Delkos D, Kalinderis M, Athanasiadis A, Kalogiannidis I. Urinary tract infection during pregnancy: current concepts on a common multifaceted problem. J Obstet Gynaecol. 2018. 38(4):448-453.