"Phần lớn, người ta biết đến suy sinh dục như một bệnh lý, tuy nhiên, nó cũng là một tình trạng thái sinh lý bình thường của cơ thể, diễn ra trong giai đoạn mãn kinh ở nữ giới và mãn dục ở nam giới. Dù là bệnh lý hay sinh lý thì suy sinh dục cũng có tác động đáng kể đến chức năng tình dục của con người. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về khái niệm cũng như sự tác động của suy sinh dục đến một vài khía của cuộc sống, đặc biệt là đời sống tình dục."

1. Suy sinh dục là gì?

Suy sinh dục hay suy giảm chức năng tuyến sinh dục (hypogonadism) là tình trạng mà các tuyến sinh dục sản sinh quá ít hoặc không sản sinh hormone giới tính. Ở nữ giới, các tuyến sinh dục nằm chủ yếu ở buồng trứng và tương tự ở nam giới các tuyến này nằm chủ yếu ở tinh hoàn.

Thông thường, vùng dưới đồi trong não bộ sẽ tiết GnRH. Hormone GnRH kích thích tuyến yên tiết FSH và LH. Chính các hormone này thông báo cho buồng trứng ở phụ nữ hoặc tinh hoàn ở nam giới tiết ra hormone sinh dục, dẫn đến sự hình thành và phát triển các đặc điểm về giới, chẳng hạn như sự phát triển tuyến vú, chu kỳ kinh nguyệt, khả năng sinh sản bình thường ở phụ nữ và sự phát triển tinh hoàn, sản xuất tinh trùng ở nam giới. Bất kỳ thay đổi nào trong chuỗi giải phóng các hormone này đều có thể dẫn đến sự thiếu hụt hormone sinh dục, ngăn cản sự hình thành và phát triển giới tính một cách bình thường ở trẻ em, cũng như chức năng bình thường của buồng trứng và tinh hoàn ở người trưởng thành. Suy tuyến sinh dục được chia thành 2 nhóm chính: suy tuyến sinh dục nguyên phát và thứ phát.

Suy tuyến sinh dục nguyên phát là kết quả của một vấn đề xảy ra trực tiếp tại tuyến sinh dục. Tuyến sinh dục vẫn tiếp nhận thông tin từ não bộ nhưng lại không thể thực hiện chức năng như bình thường hoặc không sản xuất đủ lượng hormone sinh dục. Một số nguyên nhân gây suy sinh dục nguyên phát có thể kể đến như là:

  • Bất thường về nhiễm sắc thể, chẳng hạn như hội chứng Turner ở nữ hay hội chứng Klinefelter ở nam (tinh hoàn cứng, nhỏ, không còn tinh trùng).
  • Khối u ở cơ quan sinh dục: tinh hoàn, buồng trứng.
  • Các bệnh lý gặp phải sau phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, tinh hoàn.
  • Mãn kinh ở nữ giới hay mãn dục ở nam giới

Đối với suy tuyến sinh dục thứ phát, vấn đề không nằm ở tuyến sinh dục mà nằm ở bộ não, cụ thể là tuyến yên hoặc vùng dưới đồi bị tổn thương. Đây là hai khu vực kiểm soát chức năng của tuyến sinh dục. Một số bệnh lý được biết đến là nguyên nhân gây suy sinh dục thứ phát như:

  • Khối u ở tuyến yên hay vùng dưới đồi.
  • Hội chứng Kallmann gây nên sự thiếu hụt gonadotropin do đột biến gen.
  • Bệnh lý tăng sản thượng thận bẩm sinh.

2. Triệu chứng và chẩn đoán suy sinh dục ở nữ giới?

Các triệu chứng toàn thân thường gặp ở phụ nữ suy sinh dục:

  • Rối loạn kinh nguyệt: kinh thưa, kinh ngắn hoặc vô kinh.
  • Xuất hiện các cơn bốc hỏa, khiến cơ thể nóng bừng. Đây là triệu chứng phổ biến nhất, xảy ra ở 80% phụ nữ. Tuy nhiên chỉ có 20 – 30% phụ nữ tìm kiếm sự chăm sóc y tế để điều trị.
  • Rối loạn giấc ngủ và thường đổ mồ hôi trộm về đêm.
  • Âm đạo có nhiều sự biến đổi: teo và khô âm hộ, âm đạo.
  • Tâm trạng thay đổi theo hướng tiêu cực: trầm cảm nhẹ, tăng nhạy cảm và dễ mất cân bằng trước những biến cố cảm xúc.
  • Thay đổi vẻ bề ngoài: tóc khô, rụng, dễ gãy. Da khô, nhám, nhăn nheo do mất dần lớp mỡ dưới da. Tuyến vú trở nên mềm nhão, (có thể tiết dịch núm vú màu trắng đục), tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, giọng nói bị ồ, lông chi mọc nhiều hơn.
  • Ngoài ra, xuất hiện các triệu chứng khác như: loãng xương, đau và nhức khớp; đau vú; đau nửa đầu.

Các biểu hiện lâm sàng của suy sinh dục nữ còn phụ thuộc vào độ tuổi mắc bệnh:

  • Nếu suy sinh dục khởi phát vào giai đoạn trước tuổi dậy thì, có các dấu hiệu như: giảm tăng trưởng về chiều cao, ngực không phát triển, không có lông mu và không có kinh nguyệt (vô kinh nguyên phát).
  • Nếu suy sinh dục khởi phát sau tuổi dậy thì sẽ gây ngừng kinh nguyệt kéo dài đều đặn trong 3 tháng hoặc ngừng kinh nguyệt không đều trong 6 tháng (vô kinh nguyên phát), giảm ham muốn tình dục, rụng lông trên cơ thể và bốc hỏa.

Khi có những triệu chứng nghi ngờ suy sinh dục, các chuyên gia lâm sàng cần chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán tình trạng suy sinh dục và tìm kiếm nguyên nhânTheo đó, các xét nghiệm có thể được chỉ định bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: cho phép kiểm tra nồng độ hormone Estrogen, FSH, LH, prolactin (hormone tuyến yên). Những xét nghiệm này thường được thực hiện vào buổi sáng khi nồng độ hormone ở mức cao nhất. Thông thường, nồng độ hormone LH và FSH sẽ tăng trong trường hợp suy sinh dục nguyên phát hoặc mãn kinh và trong trường hợp suy sinh dục thứ phát thì nồng độ của các hormone này sẽ thấp.
  • Tiến hành siêu âm buồng trứng để kiểm tra có bất thường hay không, chẳng hạn như u nang buồng trứng và hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Có thể tiến hành chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) để kiểm tra sự hiện diện của các khối u trong tuyến yên hoặc não bộ.
  • Khám vùng chậu để kiểm tra sự hoàn thiện của bộ phận sinh dục.
  • Xét nghiệm Karyotype cho phép phát hiện các bất thường di truyền là nguyên nhân gây suy sinh dục.

3. Suy sinh dục ở nam giới: triệu chứng và phương thức chẩn đoán như thế nào?

Suy sinh dục ở nam giới là tình trạng tinh hoàn không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết, cụ thể là Testosterone, kèm theo đó là sự sụt giảm số lượng tình trùng. Nam giới có thể mắc phải chứng suy sinh dục ngay từ lúc sinh ra hoặc có thể sau này do những nguyên nhân hay chấn thương trong cuộc sống, có thể xuất hiện tại thời điểm trước tuổi dậy thì hoặc trong độ tuổi trưởng thành. Do đó, những dấu hiệu và triệu chứng của suy sinh dục sẽ phụ thuộc vào giai đoạn khởi phát bệnh và mức độ thiếu hụt hormone Testosteron.

  • Ở trẻ sơ sinh: nếu thiếu hụt Testosterone trong quá trình hình thành và phát triển thai nhi, bé trai sinh ra sẽ có cơ quan sinh dục không rõ ràng là nam hay nữ, có trường hợp giống nữ hoặc có cơ quan sinh dục nam nhưng kém phát triển.
  • Giai đoạn tuổi dậy thì: nam giới bị suy sinh dục ở giai đoạn này có thể không trải qua dậy thì hoặc có trải qua nhưng phát triển không hoàn toàn, điều này cản trở đến sự phát triển của các khối cơ, giọng nói trầm, tốc độ tăng trưởng chiều cao, khả năng mọc râu, lông mu và đặc biệt là sự phát triển của dương vật và tinh hoàn. Nếu suy sinh dục khởi phát trước khi dậy thì, bé trái có thể không mọc râu, có tinh hoàn nhỏ (< 20 ml) và dương vật nhỏ (< 8 cm). Nếu suy sinh dục xuất hiện sau tuổi dậy thì, tinh hoàn thường giảm kích thước trong trường hợp suy sinh dục nguyên phát.

Ở nam giới trưởng thành: Một số nam giới có các triệu chứng tương tự thời kỳ mãn kinh của phụ nữ như bốc hỏa, trầm cảm, mệt mỏi và khó tập trung. Chỉ trong vài tuần sau khi bắt đầu thiếu hụt Testosterone, cơ thể nam giới có biểu hiện thiếu hụt năng lượng và giảm ham muốn tình dục [1]. Trong một thời gian dài thiếu hụt Testosterone sẽ dẫn đến rụng tóc, rụng lông trên cơ thể và lông mu; giảm khối lượng cơ, kích thước cơ bắp; tăng phát triển mô tuyến vú và gây chứng vú to; giảm mật độ xương dẫn đến loãng xương. Sự thiếu hụt hormone nghiêm trọng sẽ kéo theo sự suy giảm những đặc điểm trên một cách nhanh chóng hơn. Đặc biệt, chứng rối loạn cương dương cũng xuất hiện ở những nam giới suy sinh dục, lâu dần xuất hiện tình trạng rối loạn xuất tinh.

Tương tự như ở nữ, suy sinh dục ở nam giới cũng được các chuyên gia chẩn đoán dựa trên sự hiện diện các triệu chứng lâm sàng mà bệnh nhân gặp phải cũng như các kết quả sinh hóa và hình ảnh khác.

Bước đầu, các chuyên gia lâm sàng tiến hành khám thực thể để đánh giá sự phát triển tính dục, chẳng hạn như: lông mu, khối cơ, kích thước tinh hoàn, tinh hoàn có ở bìu hay không,… Sau đó, chỉ định các xét nghiệm cho phép định lượng 5 loại hormone: LH, FSH, Prolactin, Estrogen và Testosterone. Nếu nồng độ Testosteron trong máu giảm kết hợp với LH, FSH giảm, có thể bệnh nhân bị suy sinh dục thứ phát. Nếu nồng độ Testosterone trong máu giảm kết hợp với LH, FSH tăng, có thể bị suy sinh dục nguyên phát. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn được chỉ định các xét nghiệm khác, chẳng hạn như: siêu âm, chụp phim để quan sát hình ảnh tinh hoàn và các bộ phận khác; chụp cộng hưởng từ vùng tuyến yên, xét nghiệm Karyotype,… Đặc biệt ở nam giới, xét nghiệm tinh dịch đồ thường được chỉ định để kiểm tra các chỉ số của tinh trùng.

4. Những thay đổi về chức năng tình dục ở người suy sinh dục

4.1. Chức năng tình dục ở nữ giới suy sinh dục

Có thể thấy rằng, suy sinh dục tác động rất rõ rệt đến chức năng tình dục của phụ nữ. Các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, bốc hỏa khiến phụ nữ không còn hứng thú và giảm đáng kể ham muốn tình dục. Bên cạnh đó, những thay đổi tại cơ quan sinh dục do thiếu hormone Estrogen như teo và khô âm đạo, âm hộ đã trực tiếp gây nên rối loạn đau khi giao hợp. Cảm giác đau kéo dài khi không được điều trị tạo tâm lý sợ hãi và dần né tránh chuyện quan hệ tình dục, lâu dần xuất hiện rối loạn giảm hưng phấn và giảm khoái cảm. Tâm lý lo âu và thiếu tự tin về những thay đổi của cơ thể đặc biệt là thay đổi của vú, là bộ phận tạo nên sự quyến rũ của phụ nữ cũng làm giảm nhu cầu tình dục ở phụ nữ suy sinh dục.

Hơn nữa, suy sinh dục là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng vô sinh ở phụ nữ và vô sinh dường như có tác động tiêu cực hơn nữa đến chức năng tình dục nữ. Theo một nghiên cứu gần đây (2018), phụ nữ suy sinh dục thứ phát được chẩn đoán rối loạn chức năng tình dục chiếm 64,28% và các đặc điểm về ham muốn, kích thích, bôi trơn, cực khoái của nhóm bệnh nhân suy sinh dục giảm hơn đáng kể so với nhóm không mắc bệnh.

4.2. Chức năng tình dục ở nam giới suy sinh dục

Thực tế cho thấy nam giới bị suy sinh dục gặp khá nhiều vấn đề về tình dục, bởi Testosteron là hormone đóng rất nhiều vai trò quan trọng, giúp duy trì ham muốn tình dục, sản xuất tinh trùng, phát triển cơ bắp hay các đặc điểm cơ thể nam tính. Do vậy, sự suy giảm nồng độ testosterone có thể dẫn đến rối loạn giảm ham muốn tình dục. Điều này cũng có thể xuất phát từ tâm lý hoặc do thể trạng mệt mỏi, thiếu hụt năng lượng kéo dài. Theo đó, tần suất quan hệ tình dục cũng thưa dần. Hơn nữa, khi không đạt được sự khoái cảm, lâu dần sẽ trở thành bóng đen tâm lý khiến nam giới mặc dù vẫn có ham muốn nhưng lại không cương dương.  đNhững thay đổi tại cơ quan sinh dục, chẳng hạn như giảm hay thậm chí mất đi tính nhạy cảm đầu dương vật cũng khiến cuộc yêu trở nên nhàm chán và khó đạt khoái cảm.

Tóm lại, ảnh hưởng của suy tuyến sinh dục đến sức khỏe toàn thân, sức khỏe tình dục và sinh sản ở cả hai giới là đáng kể. Do vậy, việc phát hiện sớm và lựa chọn phương thức điều trị phù hợp hết sức cần thiết. Khi có các dấu hiệu bất thường nghi ngờ suy sinh dục hãy tìm đến sự hỗ trợ từ những chuyên gia lâm sàng để được tư vấn và điều trị kịp thời.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bhasin, Shalender et al. “Testosterone therapy in men with androgen deficiency syndromes: an Endocrine Society clinical practice guideline.” The Journal of clinical endocrinology and metabolism. 2010; 95(6):2536-2559.

2. Barut, Mert Ulaş et al. “Evaluation of Sexual Function in Women with Hypogonadotropic Hypogonadism Using the Female Sexual Function Index (FSFI) and the Beck Depression Inventory (BDI).” Medical science monitor: international medical journal of experimental and clinical research. 2018; 24: 5610-5618.