Hiện nay, chuyển phôi đông lạnh là kỹ thuật đóng vai trò rất quan trọng và được áp dụng phổ biến tại nhiều trung tâm hỗ trợ sinh sản. Sự cải thiện đáng kể về điều kiện phòng thí nghiệm đã giúp tăng số lượng phôi có chất lượng tốt. Đồng thời, việc giảm số lượng phôi chuyển giúp hạn chế tỷ lệ đa thai. Đông lạnh phôi nhằm lưu trữ những phôi còn dư, sau khi chuyển phôi tươi hoặc chờ đợi cơ hội chuyển phôi sau khi chuẩn bị tử cung tốt hơn.

Chu kỳ chuyển phôi trữ không phải kích thích buồng trứng và chọc hút noãn, nhờ đó giảm chi phí điều trị và các nguy cơ khi kích thích buồng trứng. Chuyển phôi đông lạnh giúp tránh được nguy cơ của hội chứng quá kích buồng trứng, tăng tính đáp ứng của nội mạc tử cung, thực hiện được kỹ thuật chẩn đoán di truyền phôi tiền làm tổ nhờ đó tăng tỷ lệ có thai sau chuyển phôi.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả lâm sàng trong chu kỳ chuyển phôi đông lạnh, chẳng hạn như: tác động của quá trình thủy tinh hóa; giai đoạn phát triển và chất lượng phôi tại thời điểm trữ lạnh; sự tổn thương phôi sau rã đông hay khoảng thời gian nuôi cấy phôi sau khi rã trước khi chuyển phôi vào tử cung.

Trong thực hành, hình thái phôi là tiêu chuẩn phổ biến để đánh giá và chọn ra những phôi có tiềm năng làm tổ cao nhất, từ đó làm tăng hiệu quả của chuyển phôi đông lạnh. Bên cạnh đó, việc kéo dài thời gian nuôi cấy phôi sau rã đông có thể cung cấp thêm thông tin về sự phát triển của phôi. Tuy nhiên, tác động của khoảng thời gian nuôi cấy phôi qua đêm sau rã đông đối với kết quả điều trị vẫn còn chưa rõ.

Năm 2019, một nghiên cứu thực hiện trên 324 chu kỳ chuyển phôi đông lạnh với 819 phôi của 269 bệnh nhân tại Trung tâm Nội tiết sinh sản và vô sinh, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế (HueCREI), nhằm đánh giá tác động của việc kéo dài thời gian nuôi cấy phôi sau rã đông đến kết quả mang thai trong các chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh. Các chu kỳ này được chia thành 2 nhóm: nhóm nuôi cấy thời gian ngắn (nuôi cấy 2 giờ sau rã) và nhóm nuôi cấy qua đêm (nuôi cấy trong 18 giờ) trước khi chuyển phôi vào tử cung.

Kết quả nghiên cứu ghi nhận, tỷ lệ bệnh nhân có kết quả hCG dương tính, tỷ lệ có thai lâm sàng và tỷ lệ làm tổ của nhóm nuôi cấy 2 giờ sau rã cao hơn so với nhóm nuôi cấy qua đêm lần lượt là: 39,5% và 25,9% (RD = 13,6%, RR = 1,343, P < 0,01), 33,3% và 24,1% (RD = 9,2%, RR = 1,242, P = 0,06), 16,5% và 11% (RD = 5,5%, RR = 1,244, P = 0,01). Ở phụ nữ lớn tuổi (trên 35 tuổi) và phụ nữ được chuyển 3 phôi, tỷ lệ có thai của nhóm nuôi cấy thời gian ngắn cao hơn có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) so với nhóm nhóm nuôi cấy qua đêm.

Như vậy, việc kéo dài thời gian nuôi cấy sau rã đông không giúp nâng cao cơ hội có thai trong các chu kỳ chuyển phôi đông lạnh.

Trích dẫn (Citation): Minh Tam Le, Van Trung Nguyen, Thanh Tung Nguyen, M. Blake EVans, Thai Thanh Thi Nguyen, Tam An Thi Nguyen, Dinh Duong Le, Vu Quoc Huy Nguyen, Ngoc Thanh Cao, Micah J.Hill.  Prolonged post-thaw culture of embryos does not improve outcomes of frozen human embryo transfer cycles: A prospective randomized study. Asian Pacific Journal of Reproduction. 2019;8(6):290-296.  https://doi.org/10.4103/2305-0500.270103