"Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một trong những rối loạn nội tiết thường gặp, ảnh hưởng đến 5 – 10% phụ nữ ở độ tuổi sinh sản. Bệnh gây nhiều tác động lên buồng trứng làm rối loạn chu kì kinh nguyệt, tăng nồng độ androgen và dẫn đến hình thành nhiều nang nhỏ trong buồng trứng. Vô sinh là tình trạng rất thường gặp ở bệnh nhân mắc PCOS, ước tính có khoảng 90 – 95% trường hợp vô sinh là do PCOS gây ra. Ngoài tác động đến khả năng sinh sản, PCOS còn làm tăng nguy cơ gặp phải các rối loạn chuyển hóa glucose và lipid. Hơn nữa, khi xuất hiện tình trạng béo phì như một bệnh lý đi kèm với PCOS đã làm tăng nguy cơ mắc phải đề kháng insulin và các bệnh lý tim mạch."

Hiện có bằng chứng đề kháng insulin có liên quan đến sinh lý bệnh PCOS. Để khắc phục tình trạng kháng insulin, cơ thể sẽ sản xuất nhiều insulin hơn giúp hấp thụ đủ lượng glucose trong mô cơ và mô mỡ, kết quả là insulin trong máu tăng quá mức. Cơ chế phản hồi này giúp duy trì đường huyết ở mức bình thường. Tuy nhiên, bệnh nhân mắc đề kháng insulin vẫn có nguy cơ cao gặp phải một nhóm các rối loạn, được gọi là hội chứng đề kháng insulin (IRS). Những bất thường này bao gồm: không dung nạp glucose, bất thường chuyển hóa acid uric, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, rối loạn chức năng nội mô, viêm mãn tính và tình trạng prothrombotic. Việc nhận biết sớm hội chứng đề kháng insulin có thể mang lại ưu thế trong việc can thiệp giúp làm chậm hoặc ngăn cản sự tiến triển của bệnh đái tháo đường týp II và các bệnh lý tim mạch.

Bên cạnh hội chứng đề kháng insulin (IRS), PCOS cũng có liên quan đến hội chứng chuyển hóa (MS). Hội chứng này là một nhóm các bất thường chuyển hóa khác và những bệnh nhân MS có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các rối loạn chuyển hóa bao gồm tăng triglycerid máu, giảm HDL – Cholesteron, tăng huyết áp và béo bụng.

Vào năm 2018, Trung tâm Nội tiết sinh sản và Vô sinh - Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Huế (HueCREI) đã tiến hành một nghiên cứu trên 441 phụ nữ vô sinh có hội chứng buồng trứng đa nang trong độ tuổi 18 – 45 với mục tiêu xác định tỷ lệ hiện mắc cũng như các yếu tố tiên lượng MS và IRS ở đối tượng này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa (MS) và kháng insulin (IRS) thường lớn tuổi và béo phì hơn so với những bệnh nhân không mắc 2 hội chứng này. Tỷ lệ phụ nữ PCOS mắc phải hội chứng chuyển hóa và kháng insulin lần lượt là 10,4% và 27%. Nghiên cứu này cũng cho thấy, cao tuổi (trên 30 tuổi) và béo phì là những yếu tố tiên lượng độc lập MS và IRS. Bên cạnh đó, nồng độ AMH cao cũng làm tăng nguy cơ mắc IRS, nhưng không làm tăng nguy cơ mắc MS.

Như vậy, MS và IRS là những rối loạn phổ biến ở phụ nữ vô sinh có PCOS. PCOS không chỉ là vấn đề về sinh sản. Việc sàng lọc và can thiệp sớm hai hội chứng MS và IRS dựa trên các yếu tố nguy cơ về nhân trắc học, chuyển hóa và hormone sinh dục nên là một phần không thể thiếu trong chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Trích dẫn (Citation): Le Minh Tam, Nguyen Vu Quoc Huy, Truong Quang Vinh, Le Dinh Duong, Le Viet Nguyen Sa, Cao Ngoc Thanh. Metabolic Syndrome and Insulin Resistance Syndrome Among Infertile Women with Polycystic Ovary Syndrome: A Cross-Sectional Study from Central Vietnam. Endocrinology and Metabolism (EnM). 2018; 33:447-458. https://doi.org/10.3803/EnM.2018.33.4.447