"Tinh dịch đồ là một chỉ định thường quy để đánh giá chất lượng tinh trùng thông qua các thông số như mật độ, khả năng di động, tỷ lệ sống và hình thái của tinh trùng. Tuy nhiên, tinh dịch đồ không hoàn toàn phản ánh khả năng sinh sản của người nam, tỷ lệ mang thai trong mỗi chu kì hay nguy cơ sẩy thai. Trong các nghiên cứu về tỷ lệ mang thai tự nhiên được phân tầng theo DFI, tỷ lệ thụ thai thấp hơn có ý nghĩa thống kê ở những cặp vợ chồng có DFI cao."

Trong các trường hợp vô sinh, gần 50% nguyên nhân do yếu tố nam, hoặc đơn lẻ hoặc kết hợp với yếu tố vô sinh nữ. Vô sinh nam được xác định bởi chất lượng của tinh trùng, ảnh hưởng đến khả năng thụ tinh. Trong thực hành, tinh dịch đồ là một chỉ định thường quy để đánh giá chất lượng tinh trùng thông qua các thông số như mật độ, khả năng di động, tỷ lệ sống và hình thái của tinh trùng. Tuy nhiên, tinh dịch đồ không hoàn toàn phản ánh khả năng sinh sản của người nam, tỷ lệ mang thai trong mỗi chu kì hay nguy cơ sẩy thai.

Sự phân mảnh DNA tinh trùng được biểu thị bằng chỉ số phân mảnh DNA (DFI). Có khoảng 8% đàn ông vô sinh có các thông số tinh trùng bình thường nhưng lại có chỉ số phân mảnh DNA cao (>30%). Trong các nghiên cứu về tỷ lệ mang thai tự nhiên được phân tầng theo DFI, tỷ lệ thụ thai thấp hơn có ý nghĩa thống kê ở những cặp vợ chồng có DFI cao.

Halosperm test là một xét nghiệm đánh giá sự phân tán chất nhiễm sắc (Sperm Chromatin Dispersion - SCD), dựa trên đặc điểm của quầng halo tạo thành khi protein nhân tinh trùng bị loại bỏ sau khi biến tính bằng acid. Cụ thể, nhân tinh trùng với DNA phân mảnh nghiêm trọng sẽ cho quầng halo rất nhỏ hoặc không tạo thành quầng halo, trong khi tinh trùng với DNA ít phân mảnh hơn sẽ phân tán DNA vòng và hình thành quầng halo kích thước lớn.

Để làm rõ mối liên quan giữa chất lượng tinh trùng thông qua phân tích tinh dịch đồ và tính toàn vẹn DNA tinh trùng. Năm 2019, nhóm HueCREI đã tiến hành nghiên cứu, thực hiện các xét nghiệm phân tích tinh dịch và xét nghiệm đánh giá sự phân mảnh DNA tinh trùng của 318 người đàn ông trong cặp vợ chồng vô sinh. Dựa trên chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng (DFI) chia thành 2 nhóm: nhóm bình thường với DFI < 30% và nhóm bất thường với DFI ≥ 30%.

Kết quả nghiên cứu cho thấy DFI có mối tương quan thuận với bất thường đầu (r = 0.202, p = 0.0003) và tương quan nghịch ở mức độ yếu với khả năng di động tiến tới (r = -0.168, p = 0.0027). Ngoài ra, DFI liên quan có ý nghĩa đến các đặc điểm của nam giới, chẳng hạn như tuổi tác, thói quen hút thuốc và uống rượu bia.

Như vậy, chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng (DFI) có sự tương quan không chặt chẽ với các thông số tinh dịch đồ. Do đó, bên cạnh xét nghiệm phân tích tinh dịch thông thường, nên tiến hành xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng như một bước bổ sung để đánh giá khả năng sinh sản ở nam giới.

Trích dẫn (Citation): Le Minh Tam, Nguyen Thi Tam An, Nguyen Thi Hiep Tuyet, Nguyen Thi Thai Thanh, Nguyen Van Trung, Le Dinh Duong, Nguyen Vu Quoc Huy, Cao Ngoc Thanh. Does Sperm DNA Fragmentation Correlate with Semen Parameters? Reprod Med Biol. 2019;18:390–396.