Hiện nay, có nhiều phương pháp khác nhau được áp dụng để cải thiện cơ hội thoát màng và làm tổ của phôi như: phương pháp cơ học (loại bỏ một phần màng trong suốt bằng pippet); phương pháp hóa học (mở màng trong suốt bằng acid Tyrode, làm mỏng màng trong suốt bằng enzyme pronase) và phương pháp hỗ trợ phôi thoát màng bằng tia laser (LAH). Các phương pháp cơ học hay hóa học có các nhược điểm như điều khiển bằng tay, yêu cầu chuyên viên phôi học có tay nghề cao, tồn tại nguy cơ gây tổn thương hoặc độc tính trực tiếp đến phôi.

Trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh (FET) ngày càng phổ biến hơn với tỷ lệ mang thai tích lũy tăng. Tuy nhiên, việc trữ lạnh phôi có thể gây ra hiện tượng đông cứng màng trong suốt (ZP) khiến phôi khó thoát màng hơn, nguy cơ giảm tỷ lệ làm tổ.

Hiện nay, có nhiều phương pháp khác nhau được áp dụng để cải thiện cơ hội thoát màng và làm tổ của phôi như: phương pháp cơ học (loại bỏ một phần màng trong suốt bằng pippet); phương pháp hóa học (mở màng trong suốt bằng acid Tyrode, làm mỏng màng trong suốt bằng enzyme pronase) và phương pháp hỗ trợ phôi thoát màng bằng tia laser (LAH). Các phương pháp cơ học hay hóa học có các nhược điểm như điều khiển bằng tay, yêu cầu chuyên viên phôi học có tay nghề cao, tồn tại nguy cơ gây tổn thương hoặc độc tính trực tiếp đến phôi.

Phương pháp hỗ trợ phôi thoát màng bằng laser (LAH) được sử dụng phổ biến nhất nhờ những ưu điểm: sử dụng bước sóng hồng ngoại (1,4 μm), cho phép vận hành một cách tự động, dễ dàng, hiệu quả và tránh các tác động bất lợi lên phôi. Hiện nay, thiết bị có hệ thống tự hành, gắn vào kính hiển vi đảo ngược Axio Observer A1 và được điều khiển bởi phần mềm hình ảnh RI Viewer, với phương pháp xác định mục tiêu laser kỹ thuật số.

Kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng bằng tia laser (LAH) thường dùng 2 cách là đục lỗ hoặc bào mỏng màng trong suốt (ZP).

- Kỹ thuật đục lỗ (D-LAH): dùng một chùm tia laser để tạo lỗ có đường kính 20-40 μm trên màng ZP.

- Kỹ thuật bào mỏng (T-LAH): làm mỏng ¼ đến ½  màng trong suốt.

Bằng chứng về hiệu quả cũng như ưu tiên lựa chọn kỹ thuật nào vẫn chưa đồng thuận qua bằng chứng y văn, thực hành tùy thuộc vào quyết định của kỹ thuật viên.

Nghiên cứu của Trung tâm Nội tiết sinh sản và Vô sinh năm 2018 đã so sánh phương pháp làm mỏng và đục lỗ màng ZP trong hỗ trợ phôi thoát màng sử dụng tia laser để trước khi chuyển phôi trữ lạnh.

Trong 171 chu kì chuyển phôi thụ tinh ống nghiệm sau rã đông, trong đó có 85 chu kỳ hỗ trợ phôi thoát màng bằng cách đục lỗ màng ZP (D-LAH) và 86 chu kì hỗ trợ phôi thoát màng bằng cách bào mỏng ZP (T-LAH).

Kết quả nghiên cứu ghi nhận nhóm T-LAH và D-LAH có các tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ có thai lâm sàng, tỷ lệ thai diễn tiến, tỷ lệ sẩy thai và tỷ lệ đa thai tương đương nhau. Không có sự khác biệt có ý nghĩa về khả năng mang thai giữa các nhóm theo độ tuổi hoặc độ dày của màng trong suốt (lớn hơn hoặc nhỏ hơn 17 µm).

Nghiên cứu này đã xác định hiệu quả của hai kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng bằng làm mỏng hay đục lỗ là tương đương nhau. Kết quả can thiệp không phụ thuộc vào tuổi mẹ và độ dày màng trong suốt. 

Hiện nay, phương pháp hỗ trợ phôi thoát màng được thực hiện thường quy cho tất cả bệnh nhân điều trị Thụ tinh trong ống nghiệm tại Trung tâm Nội tiết sinh sản và Vô sinh - Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Huế và là trong một trong những kỹ thuật cao, đòi hỏi trình độ, giàu kinh nghiệm của chuyên viên phôi học, giúp cải thiện tỷ lệ mang thai cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Trích dẫn bài báo (Citation): Minh Tam Le, Thi Tam An Nguyen, Thi Thai Thanh Nguyen, Van Trung Nguyen, Dinh Duong Le, Vu Quoc Huy Nguyen, Ngoc Thanh Cao, Alar Aints, Andres Salumets. Thinning and drilling laser-assisted hatching in thawed embryo transfer: A randomized controlled trial. Clin Exp Reprod Med. 2018;45(3):129-134. https://doi.org/10.5653/cerm.2018.45.3.129