Nhân một trường hợp ngộ độc thuốc lá điện tử nhập viện

                                    NGỘ ĐỘC THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ

                                                              Trần Vũ Huấn, Trần Xuân Thịnh, Nguyễn Văn Minh

Thuốc lá điện tử là một thiết bị mô phỏng hình dạng và chức năng của thuốc lá điếu, cho phép hút nicotin ở dạng hơi mà không phải khói như thuốc lá thông thường.

Nhiều loại thuốc lá điện tử được thiết kế tiện dụng với các ống dung dịch được đóng gói với hàng trăm hơi hút, hầu hết các dung dịch này không được định lượng nồng độ nicotin. Điều này dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng, mức độ dung nạp nicotin vào cơ thể và gây nguy cơ ngộ độc cấp tính. Mặt khác, nhiều loại sản phẩm thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể chứa nhiều loại chất ma túy khác nhau có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng. Theo kết quả xét nghiệm các mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân ngộ độc mang đến Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trong năm 2023 đã phát hiện tới 13 mẫu có thành phần ma tuý, chất cần sa tổng hợp, trong đó có những loại ma tuý thế hệ mới, là chất độc.

Chúng tôi mô tả một trường hợp ngộ độc xảy ra sau khi dùng thuốc lá điện tử vào điều trị cấp cứu tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế gần đây.

Trường hợp lâm sàng

Ngày 20/6/2023, Khoa Gây mê hồi sức – Cấp cứu – Chống độc, Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Huế tiếp nhận điều trị một trường hợp bệnh nhân nam 20 tuổi vào cấp cứu vì hôn mê và co giật sau khi sử dụng thuốc lá điện tử.

Qua khai thác bệnh sử, 3 ngày nay bệnh nhân tập hút thuốc lá điện tử, ngày thứ 3 hút nhiều lần hơn. Sau khi hút bệnh nhân xuất hiện hôn mê, co giật, sùi bọt mép, được người nhà phát hiện và đưa đi cấp cứu. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng tỉnh nhưng chậm, không còn co giật, không khó thở, mạch chậm 43 lần/phút, huyết áp 120/80 mmHg, SpO2 97%, nhiệt độ 370C, không có dấu thần kinh khu trú, đồng tử 2 bên đều, kích thước bình thường. Chụp cắt lớp vi tính sọ não không thấy tổn thương.

           Hình 1. Điện tâm đồ cho thấy nhịp chậm xoang, tần số 43 chu kỳ/phút

Bệnh nhân được xử trí ban đầu với truyền dịch, atropin và làm các xét nghiệm cần thiết, sau đó chuyển Đơn vị Hồi sức tích cực. Tại đây, bệnh nhân tiếp tục được điều trị với truyền dịch, atropin, theo dõi liên tục các dấu hiệu sống. Sau một ngày điều trị, tình trạng lâm sàng bệnh nhân cải thiện, các xét nghiệm trong giới hạn cho phép, bệnh nhân được chuyển ra khỏi Đơn vị Hồi sức tích cực.

1. Giới thiệu

Nicotin là một hợp chất gây nghiện và độc hại đã được con người biết đến từ lâu. Nicotin là một thành phần quan trong trong khói thuốc lá. Hợp chất này được phân lập đầu tiên từ thuốc lá vào năm 1828 bởi các nhà hóa học người Đức Posselt và Reimann. Sau đó các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra tác dụng gây độc thần kinh của nicotin. Do đó nicotin cũng được sử dụng như một loại thuốc trừ sâu mạnh trong nông nghiệp. Tuy nhiên, do có nguy cơ gây tử vong do hít phải, nuốt phải hoặc tiếp xúc với da nên ngày nay nicotin không còn được sử dụng để trừ sâu.

      Tuy nhiên, do việc sử dụng phổ biến thuốc lá nên nicotin có nguồn gốc từ thuốc lá được ước tính là loại hợp chất được sử dụng rộng rãi thứ hai trên thế giới chỉ sau hợp chất caffeine từ cà phê và trà. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nicotin và nhiều hợp chất trong khói thuốc lá có nguy cơ gây ung thư và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và hô hấp mạn tính (COPD). Do những tác hại rõ ràng của thuốc lá nên người hút đang bị áp lực phải bỏ thuốc lá để giảm thiểu nguy cơ cho bản thân và cho cộng đồng.

Thuốc lá điện tử xuất hiện trong thời gian gần đây và đang phát triển rất nhanh chóng. Thuốc lá điện tử được quảng cáo là chứa ít chất gây ung thư hơn đồng thời có vai trò hỗ trợ cai thuốc lá, cũng như mang lại những lợi ích sức khỏe bổ sung so với thuốc lá truyền thống. Thuốc lá điện tử phát triển mạnh, nhất là ở độ tuổi thanh thiếu niên vì tính hiếu kỳ, bị rủ rê hoặc chỉ để thể hiện tính cách bản thân. Tuy nhiên, sự xuất hiện của thuốc lá điện tử đã tạo ra một thị trường hoàn toàn mới cho nicotin. Thuốc lá điện tử sử dụng nicotin ở dạng dung dịch đậm đặc (e-liquid chứa nicotin) để giải phóng nicotin. Sự ra đời của thị trường này đã dẫn đến khả năng tiếp cận chưa từng có với liều lượng nicotin có khả năng gây độc. Sự phổ biến của thuốc lá điện tử cũng gia tăng nguy cơ tiếp xúc thụ động với nicotin và dẫn đến ngộ độc, đặc biệt là ở đối tượng trẻ nhỏ. Trẻ em tiếp xúc với thuốc lá điện tử có khả năng nhập viện cao hơn và hậu quả nghiêm trọng hơn.

2. Khái quát về thuốc lá điện tử

Thuốc lá điện tử (electronic nicotine delivery systems (ENDS)) có nhiều điểm tương tự với thuốc lá truyền thống về hình dáng, mùi, vị và cảm giác khi sử dụng. Người dùng hít các hạt khí dung (aerosol) tạo ra do dung dịch bị nung nóng, chứa nicotin, hương liệu và nhiều chất hóa học khác như propylen glycol, glycerin, các kim loại, á kim, carbonyl như formaldehyd, acetaldehyd, các hợp chất hữu cơ bay hơi, nitrosamin đặc hiệu cây thuốc lá, N’ - nitrosonornicotin (NNN), 4 - methylnitrosamino - 1,3 - pyridyl - 1 - butanon (NNK), polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs)…

                     Hình 2. Sơ đồ cấu tạo chung của thuốc lá điện tử

3. Độc tính khi sử dụng thuốc lá điện tử

3.1. Độc tính trên hệ hô hấp

Các chất gây ung thư như kim loại, formaldehyd, acrolein gây tổn thương DNA, biến đổi sinh học các mô ở khoang miệng. Một số thành phần trong hạt khí dung làm suy giảm hàng rào miễn dịch ở đường hô hấp trên.

Tetrahydrocannabinol (THC) và vitamin E acetat gây tổn thương phổi, biểu hiện với thâm nhiễm phổi lan tỏa và các triệu chứng hô hấp.

Sử dụng thuốc lá điện tử làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở bệnh nhân hen, xơ nang, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

3.2. Độc tính trên hệ tim mạch

Sử dụng thuốc lá điện tử hằng ngày làm tăng gấp 2 – 5 lần nguy cơ nhồi máu cơ tim. Tác dụng kích thích giao cảm của nicotin làm tăng co bóp cơ tim, tăng nhịp tim, giảm nhạy cảm insulin, tăng trở kháng mạch vành, do vậy làm tăng nguy cơ tim mạch.

Sự thoái hóa nhiệt của propylen glycol và glycerin thực vật tạo thành các hợp chất carbonyl gây ra bệnh lý cơ tim. Một số chất tạo mùi như cinnamaldehyd gây độc tính lên tim.

3.3. Độc tính trên hệ thần kinh

Một số hóa chất trong khói thuốc lá điện tử làm gia tăng các gốc oxy hóa hoạt động dẫn đến stress oxy hóa, tăng đáp ứng viêm ở hệ thần kinh, gây tổn thương hàng rào máu – não. Ngoài ra, một số thành phần làm giảm khả năng chống oxy hóa do làm giảm bộc lộ NRF2 (Nuclear factor erythroid 2-related factor) – một phân tử tín hiệu chống oxy hóa, làm giảm hoạt tính của enzym chống oxy hóa NADPH oxidase 2.

Nicotin gây rối loạn điều hòa các chất vận chuyển ion, glucose (GLUT1 và GLUT3) trong các vi mạch ở não, làm tăng tính thấm hàng rào máu – não. Bên cạnh đó, nicotin làm giảm nhạy cảm của các thụ thể cholinergic trung ương ở liều rất cao, dẫn đến giảm hoạt động của hệ GABA, làm tăng nguy cơ co giật.

Các biểu hiện ngộ độc ở hệ thần kinh bao gồm lo âu, thay đổi tâm trạng, kích thích, co giật và hôn mê. Một số trường hợp có thể dẫn đến biến chứng đột quỵ não.

3.4. Các biểu hiện ngộ độc nicotin cấp

Nicotin là thành phần quan trọng trong thuốc lá điện tử và là nguyên nhân gây ra các triệu chứng cấp tính đòi hỏi bệnh nhân phải vào viện. Nicotin là một chất đồng vận thụ thể acetylcholin thuộc hệ nicotinic, chủ yếu ở hệ thần kinh trung ương và thần kinh tự động. Độc tính phụ thuộc vào liều dùng, thông thường là tác dụng kích thích trong giai đoạn đầu và sau đó là ức chế hoạt động của các thụ thể.

Triệu chứng nổi bật ở giai đoạn đầu là do kích thích thoáng qua tủy thượng thận, thần kinh trung ương, hệ tim mạch do giải phóng catecholamin. Ngoài ra, trong giai đoạn sớm còn có sự kích thích phó giao cảm ở ruột, tuyến nước bọt, phế quản, trung tâm nôn ở tủy sống. Giai đoạn sau, nicotin gây ức chế các hạch tự động, ức chế dẫn truyền thần kinh – cơ, ức chế giải phóng catecholamin từ tủy thượng thận, ức chế thần kinh trung ương.

Các triệu chứng nhẹ đến vừa bao gồm buồn nôn, nôn, tăng tiết nước bọt, đau ngực, đau bụng. Giai đoạn đầu bệnh nhân có triệu chứng huyết áp tăng, mạch nhanh, thở nhanh, sau đó là giai đoạn huyết áp tụt, mạch chậm, thở chậm. Liều cao gây ức chế hô hấp (cả trung ương và ngoại vi) dẫn đến tử vong.

Liều tử vong ở người của nicotin được ước tính là 60 mg. Lượng này tương ứng với năm điếu thuốc hoặc 10 ml dung dịch e-liquid pha loãng có chứa nicotin. Tuy nhiên, thực tế liều tử vong khác nhau giữa những cá nhân và tình trạng bệnh lý kèm theo. Các nghiên cứu của Mayer và cộng sự gần đây ước tính liều tử vong của nicotin đường uống ở người là 6,5–13 mg/kg.

4. Chẩn đoán

- Khai thác tiền sử: Tiền sử hút thuốc lá điện tử hoặc tiếp xúc với dung dịch trong thuốc lá điện tử. Đặc biệt những người mới hút lần đầu hoặc hút nhiều hơi trong thời gian ngắn.

- Triệu chứng lâm sàng: Các triệu chứng của ngộ độc nicotin khá giống với các triệu chứng của ngộ độc phospho hữu cơ. Các triệu chứng bao gồm tiết nhiều dịch ở miệng, chảy nước dãi, toát mồ hôi, nôn mửa (phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em), tiêu chảy, đau quặn bụng, lú lẫn, co giật và hôn mê. Mặc dù nhịp tim nhanh và tăng huyết áp là phổ biến, nhịp tim chậm và hạ huyết áp cũng có thể xảy ra do ngộ độc nặng.

- Dấu hiệu cận lâm sàng: Xét nghiệm nicotin hoặc chất chuyển hóa cotinin trong nước tiểu. Tuy nhiên xét nghiệm ít có giá trị chẩn đoán. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào khai thác tiền sử và triệu chứng lâm sàng.

4. Điều trị ngộ độc nicotin cấp

Tuổi là một yếu tố cần chú ý trong điều trị ngộ độc thuốc lá điện tử có chứa nicotin. Người lớn ngộ độc có thể do tự độc hoặc phổ biến là do hút thuốc nhiều lần trong thời gian ngắn. Ở trẻ nhỏ, ngộ độc chủ yếu do tiếp xúc ngẫu nhiên qua da hoặc uống phải chất lỏng.

Điều trị ngộ độc thuốc điện tử có chứa nicotin chủ yếu là điều trị triệu chứng và hạn chế hấp thu nicotin vào cơ thể.

- Loại trừ, hạn chế hấp thu:

+ Rửa kỹ da bằng nước và xà phòng để tránh tiếp tục hấp thụ nicotin.

+ Cho uống than hoạt nếu ngộ độc qua đường tiêu hóa. Than hoạt tính chỉ nên được sử dụng nếu bệnh nhân vẫn tỉnh táo, hợp tác và nên được sử dụng trong vòng một giờ sau khi ngộ độc. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng hơn như co giật, hôn mê đã xuất hiện, không nên dùng than hoạt vì nguy cơ hít phải. Liều uống than hoạt là 1g/kg.

- Đảm bảo hô hấp: Cho thở oxy nếu có khó thở. Trường hợp bệnh nhân có suy hô hấp hoặc rối loạn ý thức, co giật hoặc hôn mê kéo dài thì có thể cần đặt nội khí quản để bảo vệ đường hô hấp.

- Điều trị co giật: Cơn co giật ngắn và tự hết thường không cần điều trị. Nếu co giật kéo dài có thể do tổn thương não, thiếu oxy, điều trị cắt cơn co giật bằng midazolam 0,1 mg/kg tiêm tĩnh mạch.

- Điều trị nhịp chậm: Tiêm 0,5–1,0 mg atropine có thể lặp lại trong khoảng thời gian 5–10 phút nếu nhịp tim chưa cải thiện. Mặc dù atropine là một chất đối kháng thụ thể cholinergic muscarinic và do đó có thể không hoàn toàn ngăn chặn các tác dụng của nicotin, nhưng nó vẫn được chỉ định cho nhịp tim chậm nghiêm trọng.

- Điều trị tụt huyết áp: Bù dịch tinh thể, nếu không cải thiện có thể sử dụng các thuốc vận mạch như dopamin hoặc norepinephrin.

 Theo dõi, hỗ trợ chức năng tim mạch và hô hấp, kết hợp đặt nội khí quản thở máy là những khía cạnh quan trọng nhất trong điều trị ngộ độc thuốc lá điện tử nặng.

5. Kết luận

Mục tiêu chính của bài này là cung cấp các kiến thức cập nhật, dựa trên bằng chứng của 1 ca lâm sàng cụ thể về ngộ độc thuốc lá điện tử. Ngộ độc nicotin là một vấn đề ngày càng gia tăng do sự phổ biến rộng rãi của thuốc lá điện tử và chất lỏng điện tử có chứa nicotin. Các triệu chứng ngộ độc nicotin khá giống với hội chứng ngộ độc cholinergic. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào tiền sử và triệu chứng lâm sàng. Xét nghiệm nồng độ nicotin và cotinin trong nước tiểu ít có giá trị trong chẩn đoán do các triệu chứng quá liều khởi phát trong thời gian ngắn. Điều trị ngộ độc thuốc lá điện tử có chứa nicotin chủ yếu là điều trị triệu chứng và rửa sạch da hoặc sử dụng than hoạt tính để loại trừ chất độc khi cần thiết. Cần nâng cao ý thức của người dân và nhân viên y tế về vấn đề sức khỏe mới nổi này.

Tài liệu tham khảo

1. Terry Gordon et al. (2022), E-Cigarette Toxicology, Annual Review of Pharmacology and Toxicology, 62:1, pp. 301-322.

2. Cao Y et al. (2021), Toxicity of electronic cigarettes: A general review of the origins, health hazards, and toxicity mechanisms, Sci Total Environ, 772:145475.

3. Philip Wexler et al. (2014), Nicotin, Encyclopedia of Toxicology, Volume 3, 3rd edition, pp. 514-516.

4. Mayer B. How much nicotine kills a human? Tracing back the generally accepted lethal dose to dubious self-experiments in the nineteenth century. Arch Toxicol. 2014;88:5–7

5. Melissa A. Burmeister et al. (2022), Adverse Neurologic Effects of Electronic Cigarette Use, US Pharm, 47(5):HS6-HS12.