• 41 & 51 Nguyễn Huệ, Phường Vĩnh Ninh, TP Huế
Cấp cứu 24/7
(0234)3837777
Hotline
0962871919
Phòng TC-HC
(0234)3847146
Đơn vị Thăm dò chức năng

Quá trình xây dựng và phát triển

Đơn vị Thăm dò chức năng được thành lập và hoạt động chính thức vào ngày 16/12/2019 dưới sự đồng ý của Ban Giám đốc Bệnh viện theo quyết định số 1623/QĐ-BVYD. Mọi hoạt động của Đơn vị tuân thủ theo các quy định của Giám đốc bệnh viện và phù hợp với quy chế bệnh viện của Bộ Y tế. Nhu cầu về thăm dò chức năng ngày càng tăng, Đơn vị luôn luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, giải quyết nhanh các nhu cầu về thăm dò chức năng tránh cho bệnh nhân không phải chờ đợi với đầy đủ chất lượng và an toàn.

Sơ đồ tổ chức

  1. TS.BS Nguyễn Hoàng Thanh Vân: Trưởng Đơn vị

  2. PGS.TS.BS Nguyễn Đình Toàn

  3. TS.BS Nguyễn Thị Hiếu Dung

  4. ThS.BS Nguyễn Duy Duẫn

  5. ThS.KTV Phan Thị Tuyết Nhung

  6. ThS.KTV Lê Hữu Quyết

  7. CN.ĐD Trương Hữu Hùng

Đội ngũ nhân sự

Chức năng, nhiệm vụ

1. Chức năng:

Đơn vị Thăm dò chức năng là đơn vị sử dụng các thiết bị y tế hiện đại để đánh giá hình thái, chức năng các cơ quan trong cơ thể, bao gồm 03 phòng: đo mật độ xương, điện não đồ (EEG), điện cơ đồ (EMG). 

2. Nhiệm vụ:

- Tổ chức, triển khai các kỹ thuật thăm dò chức năng để khám, chẩn đoán và điều trị.

- Tham gia đào tạo chuyên môn về các lĩnh vực cho cán bộ y tế: đo mật độ xương, điện cơ đồ, điện não đồ…

- Tham gia nghiên cứu khoa học: nghiên cứu ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến vào công tác chẩn đoán cũng như điều trị, triển khai các đề tài nghiên cứu tại bệnh viện ứng dụng trong công tác chuyên môn hàng ngày.

 

CÁC KỸ THUẬT ĐANG TRIỂN KHAI TẠI ĐƠN VỊ

1. Đo mật độ xương

Đo mật độ xương bằng phương pháp hấp phụ tia X năng lượng kép (DEXA hoặc DXA) là phương pháp đánh giá mật độ xương không xâm nhập duy nhất hiện được Tổ chức Y Tế thế giới (WHO) và Hội Loãng xương Quốc tế (IOF) sử dụng để đánh giá chất lượng xương. DEXA là phương pháp sử dụng một lượng rất nhỏ bức xạ ion hoá để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể, đa số bệnh nhân sẽ được đo ở cột sống thắt lưng (L1-L4) và khớp háng (một bên, hai bên).

Đo mật độ xương là tiêu chuẩn quan trọng để chẩn đoán loãng xương, đồng thời đánh giá nguy cơ gãy xương do loãng xương. Kỹ thuật này đo được các vị trí và đối tượng:

- Đo đa vùng gồm các vị trí như: cổ xương đùi, cột sống thắt lưng, xương cẳng tay, cột sống nghiêng.

- Đo toàn thân.

- Đo tại các vùng có cấy ghép dụng cụ chỉnh hình.

- Đo cho trẻ em.

DXA là phương pháp đơn giản, nhanh chóng và không xâm nhập. Thời gian đo cho mỗi bệnh nhân dao động khoảng 3-5 phút. Kết quả sẽ được trả ngay sau mỗi lần đo. Quá trình đo mật độ xương có thể lặp lại mỗi 03 tháng, 06 tháng, 1 năm hoặc 2 năm tuỳ từng trường hợp cụ thể.

Đo mật độ xương nên được thực hiện cho các đối tượng sau: phụ nữ mãn kinh và không dùng estrogen, tiền sử gãy xương, hút thuốc lá, nghiện rượu, mắc các bệnh mạn tính như viêm khớp dạng thấp, bệnh thận mạn, bệnh gan mạn- xơ gan, tiền sử gia đình bị loãng xương, mắc các bệnh lí chuyển hoá như đái tháo đường, gút, cường/ suy giáp, gãy xương sau chấn thương nhẹ, sử dụng các thuốc gây tăng huỷ xương kéo dài: corticosteroid, thuốc chống động kinh, barbiturat, thay thế hormone tuyến giáp…

2. Ghi điện não đồ

Điện não đồ là phương pháp thăm dò được sử dụng để ghi lại hoạt động điện sinh lý của tế bào vỏ não. Bản điện não có thể hỗ trợ phát hiện các bất thường liên quan đến các hoạt động này, dùng để xác định hoặc loại trừ các bệnh lý đa dạng, bao gồm: các hoạt động động kinh, chấn thương sọ não, viêm não, u não, bệnh não, vấn đề về trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, đột quỵ, sa sút trí tuệ và mức độ hoạt động của tế bào não trong hôn mê. Điện não đồ cũng rất có ích khi theo dõi các hoạt động não trong phẫu thuật não.

Hiện tại, phòng đo điện não đang triển khai và thực hiện nhiều phương pháp:

- Điện não đồ thường quy ghi hoạt động điện học của não bằng các điện cực đặt ở da đầu lúc người bệnh đang thức.

- Điện não đồ giấc ngủ ghi lại hoạt động điện của não lúc người bệnh đang ngủ.

- Điện não đồ video ghi điện não đồ kéo dài kèm theo có camera ghi lại được hình ảnh tổng thể của người bệnh trong quá trình ghi điện não.

3. Ghi điện cơ đồ

Điện cơ đồ là phương pháp thăm dò được sử dụng để nghiên cứu phản ứng điện của thần kinh và cơ, đánh giá sự mất phân bố thần kinh của cơ. Dùng để chẩn đoán hoặc tiên lượng các bệnh lý liên quan đến rễ và dây thần kinh, bệnh lý chỗ nối dây thần kinh hoặc bệnh lý cơ

Sau đây là một số các kỹ thuật đo điện cơ hiện đang được áp dụng tại Đơn vị:

- Đo dẫn truyền thần kinh để đánh giá chức năng của các dây thần kinh, đặc biệt là khả năng dẫn truyền của hệ thống thần kinh vận động cảm giác của cơ thể.

- Đánh giá đáp ứng muộn (sóng F và phản xạ H) để đánh giá chức năng của rễ và đám rối thần kinh, khác với đo dẫn truyền là đánh giá đoạn xa của dây thần kinh.

- Điện cơ kim đâm kim vào một số cơ nhất định để ghi nhận các hoạt động của cơ ở trạng thái nghỉ ngơi, hoạt động nhẹ và hoạt động tối đa.

- Test kích thích lặp lại được dùng để chẩn đoán bệnh nhân có bị nhược cơ không.

- Phản xạ nhắm mắt và đo tốc độ dẫn truyền vận động của dây thần kinh VII ngoại biên.

4. Kỹ thuật tiêm Botulinum Toxin A (Dysport):

Botulinum Toxin là một loại protein giúp ngăn chặn tình trạng co thắt cơ tự động. Thuốc được tiêm trực tiếp vào cơ để điều trị các bệnh lý co thắt cục bộ, như: loạn trương lực cơ cổ, loạn trương lực cơ khi viết, giật nửa mặt, tình trạng co cứng sau đột quỵ hoặc co cứng do bại não…

Các chỉ định đang được điều trị tại Đơn vị:

- Điều trị chứng vẹo cổ 

- Điều trị chứng co thắt nửa mặt 

- Điều trị chứng giật cơ mi mắt 

- Điều trị chứng co cứng gấp bàn chân (Plantar Flexion Spasm) sau tai biến mạch máu não 

- Điều trị chứng co cứng chi trên sau tai biến mạch máu não

- Điều trị chứng co cứng bàn tay khi viết (writer’s cramp)

Hình ảnh hoạt động