Tâm thần học là một nhánh của y học tập trung vào chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa các rối loạn tâm thần, cảm xúc và hành vi. Bác sĩ chuyên ngành tâm thần là bác sĩ y khoa chuyên về sức khỏe tâm thần và có đủ trình độ để đánh giá cả khía cạnh lẫn tinh thần và thể chất của các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Họ sử dụng nhiều phương pháp điều trị khác nhau, bao gồm nhiều hình thức trị liệu như nói chuyện, thuốc men, can thiệp tâm lý xã hội và các phương pháp điều trị khác.

Tâm thần là chuyên ngành y học tập trung vào chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa các rối loạn tâm thần, cảm xúc và hành vi.

Bác sĩ chuyên khoa tâm thần là một bác sĩ y khoa chuyên về sức khỏe tâm thần, bao gồm cả rối loạn sử dụng chất kích thích. Bác sĩ chuyên khoa tâm thần có đủ trình độ để đánh giá cả khía cạnh tinh thần và thể chất của các vấn đề tâm lý.

Có nhiều lý do để tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Các vấn đề có thể xảy ra đột ngột, chẳng hạn như một cơn hoảng sợ, ảo giác đáng sợ, ý nghĩ tự sát hoặc nghe thấy "giọng nói". Hoặc có thể là các vấn đề lâu dài hơn, chẳng hạn như cảm giác buồn bã, tuyệt vọng hoặc sự lo lắng dường như không bao giờ nguôi ngoai hoặc các vấn đề về chức năng sinh hoạt-làm việc, khiến cuộc sống hàng ngày bị đảo lộn hoặc mất kiểm soát.

Chẩn đoán bệnh

Bác sĩ chuyên khoa tâm thần có thể kê hoặc thực hiện đầy đủ các xét nghiệm y tế và xét nghiệm tâm lý, kết hợp với các cuộc thảo luận với bệnh nhân, giúp cung cấp bức tranh tổng thể và đầy đủ về trạng thái thể chất lẫn tinh thần của bệnh nhân. Bác sĩ chuyên khoa tâm thần được đào tạo để hiểu được mối quan hệ phức tạp giữa cảm xúc và các bệnh y tế khác và các mối quan hệ với di truyền và tiền sử gia đình, để đánh giá, chẩn đoán và làm việc với bệnh nhân, nhằm xây dựng kế hoạch điều trị.

Bác sĩ chuyên khoa tâm thần sử dụng phương pháp điều trị nào?

Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần sử dụng nhiều phương pháp điều trị khác nhau - bao gồm trị liệu tâm lý, thuốc, can thiệp tâm lý xã hội và các phương pháp điều trị khác (chẳng hạn như liệu pháp shock điện), tùy thuộc vào nhu cầu của từng bệnh nhân.

Tâm lý trị liệu, đôi khi được gọi là liệu pháp trò chuyện, là một phương pháp điều trị liên quan đến mối quan hệ trò chuyện giữa nhà trị liệu và bệnh nhân. Nó có thể được sử dụng để điều trị nhiều loại rối loạn tâm thần và khó khăn về cảm xúc. Mục tiêu của liệu pháp tâm lý là loại bỏ hoặc kiểm soát các triệu chứng gây rối loạn hoặc khó chịu để bệnh nhân có thể sinh hoạt tốt hơn. Tùy thuộc vào mức độ của vấn đề, việc điều trị có thể chỉ mất một vài buổi trong một hoặc hai tuần hoặc có thể kéo dài nhiều buổi trong khoảng thời gian hàng năm. Liệu pháp tâm lý có thể được thực hiện riêng lẻ, theo cặp vợ chồng, với gia đình hoặc trong một nhóm.

Có nhiều hình thức trị liệu tâm lý khác nhau. Có các liệu pháp tâm lý giúp bệnh nhân thay đổi hành vi hoặc khuôn mẫu suy nghĩ, liệu pháp tâm lý giúp bệnh nhân khám phá ảnh hưởng của các mối quan hệ và kinh nghiệm trong quá khứ đến hành vi hiện tại, và các liệu pháp tâm lý được điều chỉnh để giúp giải quyết các vấn đề khác theo những cách thức cụ thể. Liệu pháp nhận thức hành vi là một liệu pháp định hướng mục tiêu tập trung vào giải quyết vấn đề. Phân tâm học là một hình thức trị liệu tâm lý cá nhân chuyên sâu đòi hỏi các buổi điều trị thường xuyên trong vài năm.

Việc kê đơn các loại thuốc tâm thần của bác sĩ chuyên khoa tâm thần cũng giống như việc kê đơn các thuốc cho các bệnh mãn tính, ví dụ như tăng huyết áp hoặc tiểu đường. Sau khi thăm khám và đánh giá kỹ lưỡng, bác sĩ chuyên khoa tâm thần có thể kê đơn thuốc để giúp điều trị các rối loạn tâm thần. Cơ chế hoạt động chính xác của các thuốc điều trị tâm thần vẫn chưa được hiểu đầy đủ, nhưng nhìn chung thuốc có thể điều chỉnh một cách có lợi tín hiệu hóa học và tương tác trong não bộ, giúp làm giảm một số triệu chứng của rối loạn tâm thần. Bệnh nhân điều trị bằng thuốc dài hạn sẽ cần gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần định kỳ để theo dõi hiệu quả của thuốc và bất kỳ tác dụng phụ nào có thể xảy ra.

Các loại thuốc mà bác sĩ chuyên khoa tâm thần có thể kê:

Thuốc chống trầm cảm - được sử dụng để điều trị trầm cảm, rối loạn hoảng sợ, PTSD (rối loạn stress sau sang chấn), lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng bức, rối loạn nhân cách ranh giới và rối loạn ăn uống.

Thuốc chống loạn thần - được sử dụng để điều trị các triệu chứng loạn thần (hoang tưởng và ảo giác), tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực.

Thuốc an thần và thuốc giải lo âu - được sử dụng để điều trị chứng lo âu và mất ngủ.

Thuốc ngủ - được sử dụng để tạo và duy trì giấc ngủ.

Thuốc chỉnh khí sắc - được sử dụng để điều trị rối loạn lưỡng cực.

Thuốc kích thích - được sử dụng để điều trị ADHD (tăng động giảm chú ý).

Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần thường kê đơn thuốc kết hợp với liệu pháp tâm lý.

Các phương pháp điều trị khác đôi khi cũng được sử dụng. Liệu pháp sốc điện (ECT), một phương pháp điều trị y tế đưa dòng điện vào não, được sử dụng thường xuyên nhất để điều trị chứng trầm cảm nặng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Kích thích não sâu (DBS), kích thích dây thần kinh phế vị (VNS) và kích thích từ xuyên sọ (TMS) là một vài trong số các liệu pháp mới hơn đang được sử dụng để điều trị một số rối loạn tâm thần. Liệu pháp ánh sáng được sử dụng để điều trị chứng trầm cảm theo mùa.

Sự khác biệt giữa bác sĩ chuyên khoa tâm thần và bác sĩ tâm lý là gì?

Bác sĩ chuyên khoa tâm thần là một bác sĩ y khoa (đã tốt nghiệp trường y khoa và học chuyên khoa) được đào tạo đặc biệt về tâm thần học. Bác sĩ chuyên khoa tâm thần có thể tiến hành liệu pháp tâm lý và kê đơn thuốc cũng như các phương pháp điều trị y tế khác.

Một nhà tâm lý học thường có bằng cấp chuyên sâu, phổ biến nhất là về tâm lý học lâm sàng, và thường được đào tạo chuyên sâu về nghiên cứu hoặc thực hành lâm sàng. Các nhà tâm lý học điều trị các rối loạn tâm thần bằng liệu pháp tâm lý và một số chuyên về kiểm tra và đánh giá tâm lý.

Bộ môn Tâm thần - Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế

Văn phòng: Tầng 2 Nhà D, Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế . Số 6 Ngô Quyền

Thạc sĩ Lê Trần Tuấn Anh lược dịch.

Link tới Facebook page của Bộ môn Tâm thần-Trường Đại học Y-Dược, Đại học Huế

https://www.facebook.com/people/B%E1%BB%99-m%C3%B4n-T%C3%A2m-th%E1%BA%A7n-Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-%C4%90%E1%BA%A1i-h%E1%BB%8Dc-Y-D%C6%B0%E1%BB%A3c-%C4%90%E1%BA%A1i-h%E1%BB%8Dc-Hu%E1%BA%BF/100077517049117/?paipv=0&eav=AfY6oqeTB3jxr6a8Vf5tE5bobsjIDDMoO9nq1Nlp8kNw9v-YSOXvyWXYDb9FmYkf8i0&_rdr

Link tới bài tương ứng trên Facebook của Bộ môn Tâm thần-Trường Đại học Y-Dược, Đại học Huế.

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02jd75MzXqjD2NLQXrmTXqTqxyenDm3MEPukBSxwzGXA1cJgz58TftL8LhL5q6Qjbol&id=100077517049117&__cft__[0]=AZWagC5pPCANTZBemf--1zfhVJLoiu22rc9Jg_xVbrkIjcSLi0FhhAd7kYLyD3H7SlFzgnbZBdCpedNP8GxqBHINpE-ghlJiFDjaBGDOwwG3ZXSS3Gkdwenq9QECKsaMoHl45jv6dHxr1NrbgvUG73bcen5fTzJWEdQ3oOaxTvzhynWwoQNDFoB8oh5SBhaCNek&__tn__=%2CO%2CP-R

 

Nguồn:

https://psychiatry.org/patients-families/what-is-psychiatry

 

Ảnh

Photo by form PxHere

https://pxhere.com/en/photo/1132430