Những biện pháp kiểm soát căng thẳng (stress) sẽ được trình bày ở đây

Tất cả chúng ta đều cảm thấy căng thẳng lúc này hay lúc khác. Đó là một phản ứng bình thường trước những sự thay đổi hoặc thử thách. Nhưng căng thẳng kéo dài hơn một tuần có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Hãy học cách kiểm soát căng thẳng để giúp giảm thiểu tác hại của nó lên cơ thể nhé.

 

HỌC CÁCH NHẬN BIẾT CĂNG THẲNG

Bước đầu tiên trong việc kiểm soát căng thẳng là biết cách nhận biết được căng thẳng trong cuộc sống của bạn. Mọi người đều cảm thấy căng thẳng theo một cách khác nhau. Bạn có thể tức giận hoặc cáu kỉnh, mất ngủ, đau đầu hoặc đau bụng. Dấu hiệu bị căng thẳng của bạn là gì? Khi bạn biết được những dấu hiệu đó, bạn có thể bắt đầu kiểm soát nó.

Đồng thời phải xác định được các tình huống khiến bạn căng thẳng. Chúng được gọi là các yếu tố gây căng thẳng. Những yếu tố gây căng thẳng cho bạn có thể là gia đình, trường học, công việc, các mối quan hệ, tiền bạc hoặc các vấn đề sức khỏe. Khi bạn hiểu được yếu tố gây ra căng thẳng, bạn có thể đưa ra các cách để đối phó với những tác nhân gây căng thẳng cho chính mình.

TRÁNH NHỮNG PHƯƠNG PHÁP GIẢM CĂNG THẲNG KHÔNG LÀNH MẠNH

Khi cảm thấy căng thẳng, bạn có thể thực hiện các hành vi không lành mạnh SAU để giúp bạn thư giãn. Chúng có thể bao gồm:

  • Ăn quá nhiều

  • Hút thuốc lá

  • Uống rượu hoặc sử dụng ma túy

  • Ngủ quá nhiều hoặc ngủ không đủ

Những hành vi này có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn trong ngắn hạn, nhưng chúng có hại hơn là có ích về lâu dài. Thay vào đó, hãy áp dụng những lời khuyên dưới đây.

 

 

  • Nhận ra những điều bạn không thể thay đổi. Chấp nhận rằng bạn không thể thay đổi một số điều, để từ đó cho phép bạn buông xả và không cảm thấy thất vọng. Ví dụ, bạn không thể thay đổi thực tế là bạn phải lái xe trong giờ cao điểm. Nhưng bạn có thể tìm cách để thư giãn trong quá trình đi làm, chẳng hạn như nghe đài hoặc nghe sách nói.

  • Tránh các tình huống căng thẳng. Khi bạn có thể, hãy loại bỏ bản thân khỏi nguồn gốc gây căng thẳng. Ví dụ, nếu gia đình bạn cãi nhau trong kỳ nghỉ, hãy xả hơi cho bản thân và ra ngoài đi dạo hoặc lái xe vi vu.

  • Tập thể dục. Hoạt động thể chất mỗi ngày là một trong những cách dễ nhất và tốt nhất để đối phó với căng thẳng. Khi bạn tập thể dục, não sẽ tiết ra các chất hóa học giúp bạn cảm thấy dễ chịu. Nó cũng giúp giải phóng năng lượng tích tụ hoặc sự thất vọng. Tìm hoạt động gì đó mà bạn yêu thích, cho dù đó là đi bộ, đi xe đạp, đá banh, bơi lội hay khiêu vũ và làm điều đó trong ít nhất 30 phút trong hầu hết các ngày trong tuần.

  • Thay đổi cách nhìn của bạn. Cố gắng phát triển một thái độ tích cực hơn đối với những thách thức gặp phải. Bạn có thể làm điều này bằng cách thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng những suy nghĩ tích cực hơn. Ví dụ, thay vì nghĩ, "Tại sao mọi thứ luôn luôn đổ bể?" thay đổi suy nghĩ này thành, "Tôi có thể tìm cách để vượt qua điều này." Thoạt nghe có vẻ khó hoặc ngớ ngẩn, nhưng khi luyện tập, nó sẽ giúp thay đổi cách nhìn của bạn.

  • Làm điều gì đó bạn thích. Khi căng thẳng ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, hãy làm điều gì đó mà bạn yêu thích. Nó có thể đơn giản như đọc một cuốn sách hay, nghe nhạc, xem một bộ phim yêu thích hoặc ăn tối với một người bạn. Hoặc, tham gia một sở thích hoặc lớp học mới. Dù bạn chọn gì, mỗi ngày hãy cố gắng làm ít nhất một việc mà bạn yêu thích.

  • Tìm hiểu những cách mới để thư giãn. Thực hành các kỹ thuật thư giãn là một cách tuyệt vời để xử lý căng thẳng hàng ngày. Các kỹ thuật thư giãn giúp làm chậm nhịp tim và giảm huyết áp. Có rất nhiều loại, từ hít thở sâu và thiền định đến yoga và thái cực quyền. Hãy tham gia một lớp học hoặc thử học từ sách, video hoặc các nguồn thông tin trực tuyến.

  • Kết nối với những người thân yêu. Đừng để căng thẳng cản trở hoạt động xã hội của bạn. Dành thời gian cho gia đình và bạn bè có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn và quên đi căng thẳng. Tâm sự với một người bạn cũng có thể giúp bạn giải quyết vấn đề của mình.

  • Ngủ đủ giấc. Ngủ ngon có thể giúp bạn suy nghĩ sáng suốt hơn và có nhiều năng lượng hơn. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng xử lý bất kỳ vấn đề nào xảy ra. Nên ngủ khoảng 7 đến 9 giờ mỗi đêm.

  • Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh. Ăn uống lành mạnh giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể và tâm trí của bạn. Bỏ qua các món ăn nhẹ nhiều đường và ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo hoặc không béo, và protein nạc.

  • Học cách nói không. Nếu căng thẳng của bạn đến từ việc làm quá nhiều việc ở nhà hoặc ở nơi làm việc, hãy học cách đặt ra giới hạn. Nhờ người khác giúp đỡ khi bạn cần.

 

Nếu bạn không thể tự mình kiểm soát căng thẳng, hãy gặp một bác sĩ tâm thần hoặc nhà trị liệu tâm lý. Họ có thể giúp kiểm soát căng thẳng của bạn. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra căng thẳng, bạn cũng có thể tham gia một nhóm hỗ trợ.

ThS. Lê Trần Tuấn Anh lược dịch
 

Bài viết gốc

https://medlineplus.gov/ency/article/001942.htm