Bài viết sẽ cung cấp những thông tin cơ bản nhất về tác động của stress và sức khỏe của bạn

Căng thẳng là một cảm giác về cảm xúc hoặc thể chất. Nó có thể đến từ bất kỳ sự kiện hoặc suy nghĩ nào khiến ta cảm thấy thất vọng, tức giận hoặc lo lắng.

Căng thẳng là phản ứng của cơ thể trước một sự kiện, khó khăn hoặc yêu cầu. Trong ngắn hạn, căng thẳng có thể mang lại tính tích cực, chẳng hạn như khi nó giúp bạn tránh khỏi nguy hiểm, hoặc để làm việc đúng tiến độ. Nhưng căng thẳng kéo dài có thể gây hại cho sức khỏe của bạn.

 

 

 

Căng thẳng là một cảm giác thường gặp. Có hai loại căng thẳng chính:

  • Căng thẳng cấp tính. Đây là căng thẳng ngắn hạn sẽ biến mất nhanh chóng. Ví dụ như khi đi xe gặp chướng ngại vật phải đạp phanh gấp, gây gổ với người khác hoặc lao xe nhanh xuống dốc. Căng thẳng cấp tính giúp ta ứng phó với các tình huống nguy hiểm. Nó cũng xảy ra khi bạn làm điều gì đó mới mẻ. Tất cả mọi người đều có căng thẳng cấp tính vào lúc này hay lúc khác.

  • Căng thẳng mãn tính. Đây là loại căng thẳng kéo dài. Bạn có thể bị căng thẳng mãn tính nếu gặp vấn đề về tiền bạc, hôn nhân không hạnh phúc hoặc gặp chuyện không như ý trong công việc. Bất kỳ loại căng thẳng nào diễn ra trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng đều là căng thẳng mãn tính. Bạn có thể quá quen thuộc với tình trạng căng thẳng mãn tính đến mức không nhận ra đó là một vấn đề đáng lo ngại. Nếu bạn không tìm cách quản lý căng thẳng, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác.

CĂNG THẲNG VÀ CƠ THỂ CỦA BẠN

Cơ thể phản ứng với căng thẳng bằng cách giải phóng các hormone. Những hormone này làm cho não tỉnh táo hơn, khiến cơ bắp căng ra và tăng nhịp tim. Về ngắn hạn, những phản ứng này là có lợi vì giúp chúng ta có thể xử lý tình huống một cách tốt hơn. Đây là cách cơ thể tự bảo vệ chính mình.

Khi bị căng thẳng mãn tính, cơ thể vẫn luôn cảnh giác, mặc dù không có nguy hiểm hay đòi hỏi gì

 

. Theo thời gian, điều này khiến bạn có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe, bao gồm:

  • Huyết áp cao

  • Bệnh tim

  • Bệnh tiểu đường

  • Béo phì

  • Trầm cảm hoặc lo âu

  • Các vấn đề về da, chẳng hạn như mụn trứng cá hoặc bệnh chàm

  • Rối loạn kinh nguyệt

Căng thẳng mãn tính có thể làm nặng thêm 1 bệnh lý có sẵn khác.

DẤU HIỆU CHO THẤY BẠN BỊ QUÁ CĂNG THẲNG

Căng thẳng có thể gây ra nhiều loại triệu chứng về thể chất lẫn cảm xúc. Đôi khi, bạn có thể không nhận ra những triệu chứng này là do căng thẳng. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy căng thẳng có thể đang ảnh hưởng đến bạn:

  • Tiêu chảy hoặc táo bón

  • Hay quên

  • Đau nhức thường xuyên

  • Nhức đầu

  • Thiếu năng lượng hoặc thiếu tập trung

  • Vấn đề tình dục

  • Cứng hàm hoặc cổ

  • Mệt mỏi

  • Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều

  • Bụng khó chịu

  • Sử dụng rượu hoặc ma túy để thư giãn

  • Giảm hoặc tăng cân

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra căng thẳng ở mỗi người là khác nhau. Bạn có thể bị căng thẳng từ những khó khăn tốt và cũng như những khó khăn xấu. Một số nguồn căng thẳng phổ biến bao gồm:

  • Kết hôn hoặc ly hôn

  • Bắt đầu một công việc mới

  • Thành viên thân thiết trong gia đình mới mất

  • Bị sa thải

  • Nghỉ hưu

  • Sinh con

  • Vấn đề tiền bạc

  • Di chuyển

  • Mắc bệnh hiểm nghèo

  • Các vấn đề trong công việc

  • Các vấn đề ở nhà

 

Căng thẳng kéo dài hơn 6 tháng có thể là do rối loạn lo âu lan tỏa


 

 

Khi nào cần đi khám bác sĩ

Khi bạn có ý định tự tử, hãy yêu cầu trợ giúp ngay, gọi ngay đường dây nóng hoặc vào bệnh viện ngay lập tức.

Đi khám tâm thần nếu bạn cảm thấy căng thẳng quá mức hoặc nếu nó đang ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, hoặc khi có các triệu chứng mới hoặc bất thường.

Những lý do đi khám thường gặp

  • Bạn có cảm giác hoảng sợ, chẳng hạn như chóng mặt, thở nhanh hoặc tim đập nhanh.

  • Bạn không thể làm việc hoặc sinh hoạt bình thường.

  • Bạn có những nỗi sợ hãi mà bạn không thể kiểm soát.

  • Bạn đang có những ký ức về một sự kiện đau buồn.

Bạn có thể nói chuyện với bác sĩ tâm thần về cảm xúc của mình, điều gì làm cho căng thẳng của bạn trở nên tốt hơn hoặc tồi tệ hơn, và lý do tại sao bạn nghĩ rằng bạn đang gặp vấn đề này. Bạn cũng có thể học được các cách để giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống.

 

Bài viết gốc:

https://medlineplus.gov/ency/article/003211.htm#:~:text=Your%20body%20reacts%20to%20stress,body's%20way%20of%20protecting%20itself.