Bài viết sẽ trả lời các câu hỏi thường gặp của rối loạn Sử dụng chất

Nếu quý vị muốn biết thêm về những thông tin cơ bản của rối loạn sử dụng chất có thể tham khảo trang web này:

Phòng khám Sức khỏe tâm thần và Liệu pháp tâm lý \ Thông tin chuyên môn (bvydhue.vn)

https://bvydhue.vn/modules.php?name=Donvi&file=blog&op=blog_single&id=40

 

Làm gì để ngăn ngừa tái nghiện?


 

Ngăn ngừa tái nghiện chủ yếu dựa vào vấn đề nhận thức được các yếu tố kích hoạt tái nghiện và tìm cách tránh né hoặc đối phó với chúng. Các yếu tố kích hoạt có thể là từ bên ngoài, ví dụ như đi qua những nơi mà chất đang được sử dụng. Căng thẳng dưới bất kỳ hình thức nào (căng thẳng công việc, căng thẳng tài chính, tranh cãi với những người quan trọng) cũng có thể là một tác nhân kích hoạt bên ngoài. Các yếu tố kích hoạt cũng có thể là từ bên trong như sự thèm muốn, tâm trạng chán nản, lo lắng, đói hoặc mệt mỏi. Điều quan trọng là phải dự đoán trước các yếu tố kích hoạt để chúng không bị bất ngờ và sử dụng kế hoạch hoặc chiến lược để đối phó với các yếu tố kích hoạt. Thông thường, sự trợ giúp của chuyên gia là cần thiết để có được nhận thức và lập kế hoạch đối phó với các yếu tố kích hoạt tái nghiện. Ngoài ra còn có các loại thuốc rất tốt cho các rối loạn do sử dụng rượu, ma túy và thuốc lá giúp giảm cảm giác thèm muốn một cách hiệu quả và có thể giúp ngăn ngừa tái phát.

Tôi bị đau nhiều và tôi muốn được giúp đỡ, nhưng tôi lo lắng về việc nghiện thuốc giảm đau. Tôi có thể làm gì?

 

Thuốc giảm đau dạng opioid có khả năng gây nghiện và nó có lẽ không phải là cách tốt nhất để giúp kiểm soát cơn đau mãn tính. Vì vậy, nên là thử các lựa chọn thay thế khác trước.

Các biện pháp can thiệp không dùng thuốc như tập thể dục, vật lý trị liệu, thiền chánh niệm, yoga, thái cực quyền và một hình thức trị liệu tâm lý được gọi là liệu pháp nhận thức-hành vi (CBT) đều khiến bạn tốn một chút công sức nhưng thường có hiệu quả rất tốt. Châm cứu có thể có lợi cho một số người đang phải sống chung với cơn đau. Nhiều loại thuốc không có khả năng gây nghiện cũng có thể hữu ích cho chứng đau mãn tính. Chúng bao gồm thuốc kháng viêm như aspirin, ibuprofen hoặc naproxen; thuốc chống trầm cảm như nortriptyline hoặc duoloxetine; hoặc các loại thuốc thường dùng cho cơn động kinh như gabapentin hoặc pregabalin.

Phần lớn những người dùng những loại thuốc này để giảm đau mãn tính sẽ không bị nghiện, tuy nhiên bất kỳ ai dùng những loại thuốc này hơn vài tuần có thể xuất hiện khả năng dung nạp (lờn thuốc - tác dụng của thuốc ít hơn theo thời gian) và các triệu chứng cai nếu ngừng thuốc đột ngột.

 

 

Nguy cơ bị nghiện ở nam và nữ có khác nhau không?

 

Đúng vậy. Nhìn chung, nam giới có nguy cơ mắc chứng rối loạn sử dụng chất cao gấp rưỡi đến hai lần so với phụ nữ. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ trai và trẻ em gái (12-17 tuổi) mắc rối loạn sử dụng chất là gần như nhau.

 

Tương tự, nhiều nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nữ giới và nam giới trẻ tuổi ở Hoa Kỳ có sự khác biệt về tỷ lệ uống nhiều rượu bia là nhỏ hơn so với người lớn tuổi. Điều này cho thấy rằng nữ giới về cơ bản đang bắt kịp nam giới trong việc sử dụng rượu bia không an toàn, và điều này có tác động đáng kể đến sức khỏe và sự an toàn của họ và con cái, cả khi chưa sinh và đã sinh.

 

Có rất nhiều người trong gia đình tôi mắc chứng nghiện. Tôi nên nói gì với con mình về chứng nghiện và nguy cơ của chúng?

Trẻ em trong các gia đình có nhiều thành viên nghiện ma túy hoặc nghiện rượu có nguy cơ mắc chứng nghiện rất cao. Các nghiên cứu về các cặp song sinh phát hiện rằng 50% nguy cơ phát triển chứng nghiện được xác định là do di truyền. Trong số các cặp song sinh giống hệt nhau có chung tất cả các gen của họ, nếu một trẻ song sinh mắc chứng nghiện thì trẻ còn lại cũng có 50% khả năng mắc chứng nghiện. Tin tốt ở đây là một nửa nguy cơ phát triển chứng nghiện là do môi trường, do đó các biện pháp can thiệp hiệu quả có thể ngăn chặn chứng nghiện ở nhiều người nhạy cảm về mặt di truyền.

Mặt khác, bất kể yếu tố di truyền như thế nào, trẻ bắt đầu sử dụng chất càng sớm thì nguy cơ mắc chứng nghiện sau này càng cao. Trẻ em có nguy cơ cao nên được thông báo về nguy cơ của mình ở độ tuổi sớm nhất khi chúng có thể bắt đầu có khả năng nhận thức, thường là từ 10 đến 12 tuổi tùy thuộc vào sự trưởng thành của trẻ.

Tôi thực sự lo lắng về việc sử dụng heroin của con trai tôi. Tôi sợ một ngày nào đó tôi có thể tìm thấy anh ta chết vì bị lợi dụng. Bạn có thể cho tôi biết gì về việc sử dụng quá liều heroin và làm thế nào để ngăn chặn nó?

 

Nếu con trai bạn đang sử dụng heroin, bạn hoàn toàn chính xác rằng con trai bạn đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là đưa anh ta vào điều trị bằng thuốc với một trong ba loại thuốc được FDA chấp thuận để điều trị rối loạn sử dụng chất dạng thuốc phiện (buprenorphine, methadone hoặc naltrexone). Điều trị không dùng thuốc không hiệu quả đối với hầu hết trường hợp. Nếu bạn có thể liên hệ với bác sĩ tâm thần chuyên về cai nghiện tại địa phương, bác sĩ sẽ biết cách giúp bạn. Nếu không có bác sĩ có chuyên môn trong khu vực của bạn, ít nhất hãy đưa con trai bạn đến gặp bác sĩ chuyên khoa khác và yêu cầu giúp đỡ sắp xếp điều trị bằng thuốc với một trong những loại thuốc đó.

 

Ngoài ra, có một loại thuốc giải độc cho quá liều heroin, gọi là naloxone. Nó được sử dụng trong các phòng cấp cứu để đảo ngược tình trạng quá liều. Thuốc naloxone không có tác dụng đường uống, vì vậy nó phải được qua đường mũi hoặc bằng đường tiêm. Vì một người nào đó bị quá liều heroin không thể tự dùng naloxone cho chính mình, tốt nhất là các thành viên trong gia đình cần được đào tạo để ứng phó với tình huống quá liều và biết cách sử dụng naloxone. Điều quan trọng nhất cần làm ngay cả trước khi dùng naloxone là gọi cấp cứu.

 

Tôi biết chồng tôi uống quá rượu bia quá nhiều và cần được giúp đỡ, nhưng lại sợ việc điều trị sẽ rất tốn kém? 

Chi phí sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của rối loạn và những thành phần điều trị nào bao gồm. Bạn cần tìm hiểu xem liệu chồng bạn có các triệu chứng cai rượu hay không nếu anh ấy ngừng sử dụng rượu trong 12 đến 24 giờ. Các triệu chứng có thể bao gồm đổ mồ hôi, tim đập nhanh, run và khó ngủ. Nếu có những triệu chứng này, chồng bạn rất có thể sẽ cần tới phòng khám điều trị ngoại trú để điều trị. 

 

Nếu điều trị ngoại trú để cắt cơn không có kết quả hoặc nếu tình trạng cai rượu xuất hiện với mức độ nghiêm trọng kèm nguy cơ co giật hoặc mê sảng (rối loạn tâm thần cực độ), thì cần phải điều trị nội trú. Điều trị cắt cơn nội trú thường kéo dài từ năm đến bảy ngày và tùy thuộc vào tình trạng có bảo hiểm y tế hay không số tiền viện phí có thể là nhỏ hoặc rất lớn.

 

Thạc sĩ Lê Trần Tuấn Anh lược dịch.

Nguồn:

Psychiatry.org - What Is a Substance Use Disorder?

https://www.psychiatry.org/patients-families/addiction-substance-use-disorders/what-is-a-substance-use-disorder#:~:text=People%20with%20SUD%20have%20an,causing%20or%20will%20cause%20problems.