Một rối loạn mà người bị ảnh hưởng không thể kiểm soát được việc sử dụng chất mặc dù đã biết hậu quả nguy hiểm của nó. Bài viết sẽ cung cấp các thông tin phổ thông cơ bản nhất cho người đọc về vấn đề này.

Rối loạn Sử dụng chất (ma túy, rượu bia, thuốc lá...)

Rối loạn sử dụng chất là một rối loạn tâm thần phức tạp mà người mắc không kiểm soát được việc sử dụng chất nào đó bất chấp những hậu quả có hại. Những người bị rối loạn trên thường tập trung vào việc sử dụng một (các) chất nhất định như rượu, thuốc lá, hoặc ma túy, đến mức khả năng sinh hoạt hàng ngày của người đó bị suy giảm. Họ tiếp tục sử dụng ngay cả khi biết được những tác hại của nó. Rối loạn sử dụng chất ở mức độ nghiêm trọng nhất được gọi là nghiện.

 

Những người bị rối loạn sử dụng chất có thể có suy nghĩ và hành vi bất thường. Những thay đổi trong cấu trúc và chức năng của não là nguyên nhân khiến người đó có cảm giác thèm dữ dội, thay đổi tính cách, và các hành vi và động tác bất thường khác. Các nghiên cứu hình ảnh não cho thấy những thay đổi trong các khu vực của não liên quan đến chức năng phán đoán, ra quyết định, học tập, trí nhớ và kiểm soát hành vi.

 

Những chất có thể gây nghiện là:

  • Rượu - bia

  • Cần sa

  • PCP (bụi thiên thần), LSD (tem, acid) và các chất gây ảo giác khác

  • Chất dạng hít, chẳng hạn như chất pha loãng sơn và keo

  • Thuốc giảm đau opioid, chẳng hạn như codeine và oxycodone, heroin

  • Thuốc an thần, thuốc ngủ và thuốc giải lo âu 

  • Cocaine (coke), methamphetamine (đá) và các chất kích thích khác

  • Thuốc lá

 

Việc sử dụng chất lặp đi lặp lại có thể gây ra những thay đổi trong hoạt động của não. Những thay đổi này có thể còn tồn tại lâu dài sau khi đã ngừng sử dụng một thời gian dài. Ngộ độc chất là cảm giác sung sướng hoặc thanh thản tột độ, tăng tri giác và cảm giác, và các cảm giác khác do chất này gây ra. Mỗi chất có các triệu chứng ngộ độc khác nhau

Khi một người mắc chứng rối loạn sử dụng chất, họ thường xuất hiện khả năng dung nạp với chất (quen với chất), nghĩa là dần dần cần sử dụng lượng lớn hơn để cảm nhận được tác động tương ứng của chất

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lạm dụng chất, bao gồm:

  • để cảm thấy vui vẻ, thích thú, “bay” hoặc “say”

  • để giảm căng thẳng, quên đi mọi chuyện

  • để làm việc tốt hơn - cải thiện năng suất hoặc khả năng tư duy

  • tò mò, áp lực từ bạn bè hoặc muốn trải nghiệm

Ngoài nghiện chất ra còn có chứng nghiện hành vi, chẳng hạn như nghiện cờ bạc.

Những người nghiện hành vi và sử dụng chất có thể nhận thức được tác hại xấu của hành vi và chất trên, nhưng họ không thể kiềm chế được ngay cả khi họ muốn và cố gắng. Nghiện có thể gây ra các vấn đề về thể chất và tâm lý cũng như các vấn đề trong mối quan hệ với người khác, như với các thành viên trong gia đình và bạn bè hoặc tại nơi làm việc. Sử dụng rượu - bia và ma túy là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý và tử vong có thể phòng tránh được trên thế giới.

 

Các triệu chứng của rối loạn sử dụng chất được chia thành bốn loại:

  • Suy giảm khả năng kiểm soát: sự thèm muốn hoặc thôi thúc mạnh mẽ để có thể sử dụng chất; hay sự thất bại trong việc cắt giảm hoặc kiểm soát việc sử dụng chất 

  • Các vấn đề về mặt xã hội: sử dụng chất làm cho cá nhân không thể hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan, trường học hoặc gia đình; và các hoạt động xã hội, công việc hoặc giải trí bị bỏ bê hoặc cắt giảm do sử dụng chất. 

  • Sử dụng rủi ro: chất được sử dụng ở những nơi hoặc cách thức có rủi ro cao (dùng chung bơm kiêm tiêm…); và vẫn tiếp tục sử dụng như vậy mặc dù đã biết rõ rủi ro của nó

  • Tác dụng của thuốc: dung nạp (cần lượng lớn hơn để có được hiệu quả tương tự); các triệu chứng cai (khác nhau đối với từng chất)

Nhiều người mắc rối loạn sử dụng chất kèm với các rối loạn tâm thần khác. Một chứng rối loạn tâm thần khác có thể đã tồn tại trước rối loạn sử dụng chất, hoặc việc sử dụng chất có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm chứng rối loạn tâm thần khác.

 

Làm thế nào để điều trị chứng rối loạn sử dụng chất?

 

Các phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng rối loạn sử dụng chất là như sau:

 

Bước đầu tiên là phải nhìn nhận vấn đề. Quá trình phục hồi có thể bị trì hoãn khi bệnh nhân thiếu nhận thức về việc sử dụng chất của mình. 

 

Các bác sĩ nên tiến hành khám các triệu chứng để xác định xem người đó có rối loạn sử dụng chất hay không. Tất cả bệnh nhân đều có thể được hưởng lợi từ việc điều trị, bất kể mức độ nhẹ, trung bình hay nặng. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân mắc rối loạn sử dụng chất và có thể được hưởng lợi từ việc điều trị lại không nhận được bất kì sự trợ giúp nào.

 

Vì rối loạn sử dụng chất ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống, nên thường cần thiết phải sử dụng nhiều phương pháp điều trị. Đối với hầu hết các trường hợp, kết hợp thuốc với liệu pháp cá nhân hoặc nhóm là hiệu quả nhất. Để đạt hiệu quả bền vững, các phương pháp điều trị sẽ hướng đến giải quyết những tình huống cụ thể của một cá nhân và các vấn đề về y tế, tâm thần và xã hội đi kèm.


 

Thuốc được sử dụng để kiểm soát cơn thèm, giảm các triệu chứng cai và ngăn ngừa tái phát. Trị liệu tâm lý có thể giúp những người mắc rối loạn này hiểu rõ hơn về hành vi và động cơ của họ, phát triển lòng tự trọng, đối phó với căng thẳng và giải quyết các vấn đề tâm thần khác.

 

Kế hoạch điều trị cho mỗi người là tùy theo nhu cầu cụ thể của người đó và có thể bao gồm các phương pháp điều trị không chính thống, bao gồm:

 

  • Nhập viện để điều trị cơn cai (giải độc)

  • Các trung tâm trị liệu cộng đồng (môi trường được kiểm soát cao, không có ma túy) hoặc các trung tâm cai nghiện

  • Điều trị thuốc ngoại trú và liệu pháp tâm lý

  • Các chương trình ngoại trú chuyên sâu

  • Điều trị tại khu dân cư ("cai nghiện")

  • Các nhóm hỗ trợ lẫn nhau

  • Các nhóm tự lực có bao gồm các thành viên trong gia đình


 

13 nguyên tắc điều trị nghiện chất hiệu quả

 

 

13 nguyên tắc điều trị nghiện chất hiệu quả này được phát triển dựa trên 3 thập kỷ nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu cho thấy việc điều trị có thể giúp những người nghiện chất ngừng sử dụng chất, tránh tái nghiện và phục hồi thành công cuộc sống của họ.

 

  1. Nghiện là một bệnh phức tạp, ảnh hưởng đến chức năng và hành vi của não, nhưng có thể điều trị được, 

  2. Không có phương pháp điều trị duy nhất nào là thích hợp cho tất cả mọi người.

  3. Phương pháp điều trị phải dễ tiếp cận.

  4. Phải quan tâm đến nhiều nhu cầu của cá nhân, chứ không chỉ là về rối loạn lạm dụng chất của họ.

  5. Duy trì điều trị trong một khoảng thời gian thích hợp là vô cùng quan trọng.

  6. Tư vấn— cá nhân và / hoặc nhóm —và các liệu pháp hành vi khác là những hình thức điều trị lạm dụng chất được sử dụng phổ biến nhất.

  7. Thuốc là một yếu tố quan trọng trong trong phác đồ điều trị đối với nhiều bệnh nhân, đặc biệt là khi kết hợp với tư vấn và các liệu pháp hành vi khác.

  8. Kế hoạch điều trị của một cá nhân phải được đánh giá liên tục và thay đổi khi cần thiết để đáp ứng các nhu cầu luôn thay đổi của họ.

  9. Nhiều người nghiện chất cũng có các rối loạn tâm thần đi kèm khác.

  10. Xử trí cơn nghiện ở cơ sở y tế chỉ là giai đoạn đầu của quá trình điều trị nghiện và bản thân nó hầu như không thay đổi được tình trạng lạm dụng chất về lâu dài.

  11. Điều trị không tự nguyện vẫn có tính hiệu quả.

  12. Việc sử dụng chất trong quá trình điều trị phải được theo dõi liên tục, vì có thể xảy ra tình trạng tái sử dụng chất trong quá trình điều trị.

  13. Các chương trình điều trị nên đánh giá xem bệnh nhân có mắc HIV / AIDS, viêm gan B và C, bệnh lao và các bệnh truyền nhiễm khác, cũng như cần tư vấn để giúp bệnh nhân sửa đổi hoặc thay đổi các hành vi nguy cơ cao gây lây nhiễm hoặc lây lan bệnh truyền nhiễm.

 

Cách giúp bạn bè hoặc thành viên gia đình bị mắc rối loạn sử dụng chất

Tìm hiểu những thông tin sẵn có về lạm dụng và nghiện rượu, ma túy.

Lên tiếng và đề nghị hỗ trợ: nói chuyện với người đó, đồng thời đề nghị giúp đỡ họ, bao gồm cả việc sàng đi cùng họ đến các chuyên gia/bác sĩ. Cũng giống như các bệnh mãn tính khác, chứng nghiện này càng được điều trị sớm càng tốt.

Hãy thể hiện tình yêu và sự quan tâm trước khi quá muộn; Bạn có thể gặp phải những lời bào chữa, từ chối hoặc sự giận dữ từ người ấy. Hãy chuẩn bị trước mọi tình huống để đáp lại một cách thích hợp

Đừng mong đợi người đó dừng lại mà không cần sự giúp đỡ: bạn đã từng nghe những lời hứa đó - hứa sẽ cắt giảm, dừng lại - nhưng, chỉ là những lời nói suông. Điều trị, hỗ trợ và các kỹ năng ứng phó mới là cần thiết để vượt qua chứng nghiện rượu và ma túy này.

Hỗ trợ phục hồi là một quá trình liên tục: Hãy luôn thể hiện sự quan tâm của bạn.

 

Một số điều không nên làm:

Đừng giảng đạo, đe dọa, hay mua chuộc.

Đừng che đậy, nói dối hoặc bao biện cho hành vi của họ.

Đừng làm giúp việc, trách nhiệm của họ: mà phải để họ đảm nhận trách nhiệm của chính họ.

Không tranh cãi khi họ sử dụng chất: tránh tranh cãi với người đó khi họ đang sử dụng rượu hoặc ma túy; tại thời điểm đó nhận thức của họ bị rối loạn

Đừng cảm thấy tội lỗi hoặc chịu trách nhiệm về hành vi của họ; đó không phải lỗi của bạn.

Đừng tham gia cùng họ: đừng cố gắng theo kịp họ bằng cách uống hoặc sử dụng cùng họ.

 

Quý vị có thể tham khảo thêm trang web này để biết thêm về giải đáp thắc mắc các câu hỏi thường gặp về rối loạn sử dụng chất.

Phòng khám Sức khỏe tâm thần và Liệu pháp tâm lý \ Thông tin chuyên môn (bvydhue.vn)

https://bvydhue.vn/modules.php?name=Donvi&file=blog&op=blog_single&id=41

 

Nguồn:

Psychiatry.org - What Is a Substance Use Disorder?

https://www.psychiatry.org/patients-families/addiction-substance-use-disorders/what-is-a-substance-use-disorder#:~:text=People%20with%20SUD%20have%20an,causing%20or%20will%20cause%20problems.