• 41 & 51 Nguyễn Huệ, Phường Vĩnh Ninh, TP Huế
Cấp cứu 24/7
(0234)3837777
Đường dây nóng
0962871919

26

04

Phát hiện sớm u não ở trẻ em: Những điều bố mẹ cần biết

26-04-2023 ThS.BS. Đặng Thị Thu Hằng

Trẻ trai, 5 tuổi, được đưa đi khám vì mẹ thấy 10 ngày nay trẻ bắt đầu nói ngọng, nói rời rạc từng từ kèm dáng đi bất thường và tính tình cáu gắt hơn. Qua quá trình thăm khám, bác sĩ ghi nhận trẻ có liệt mặt trung ương, dấu babinski dương tính, trẻ được nhập viện tại khoa Nhi Tổng hợp, bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế và cho chụp Cộng hưởng từ sọ não (MRI). Kết quả MRI cho thấy có khối choán chỗ vùng thân não kích thước # 43x46x49 mm, đè đẩy cống não và não thất IV ra sau, đè ép động mạch thân nền; nốt nhỏ cuống tiểu não giữa phải: Theo dõi Low grade glioma.


U não là sự phát triển bất thường của một loại tế bào thần kinh và đứng thứ hai trong các bệnh ung thư ở trẻ em. Tỷ lệ mắc u tiên phát ở khoảng 2-3/100.000 trẻ, nam nhiều hơn nữ. Đây là bệnh nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ, do vậy cần được phát hiện sớm để điều trị kịp thời.

Các triệu chứng thần kinh thường gặp ở trẻ u não:

Trẻ em bị u não thường kèm theo nhiều dấu hiệu tùy thuộc vào vị trí, kích thước của não, trong đó có thể kể đến một số biểu hiện sau:

- Có thể biểu hiện bằng nhiều dấu hiệu do hội chứng tăng áp lực trong sọ, hội chứng tiểu não, hội chứng chèn ép khu trú...

- Mắt bị phù gai thị, sụp mi, giãn đồng tử, đồng tử không cân xứng, lác mắt, mất thị lực.

- Đầu to, thóp phồng, thóp giãn, giãn khớp so (hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi);

- Bệnh hay bệnh nhi rất hay nôn, dễ nôn;

- Hội chứng tăng áp lực trong sọ với những dấu hiệu đau đầu, buồn nôn, nôn, thay đổi tính tình, dễ bị kích thích, ngủ gà hay trì trệ, chậm tiếp thu, không tập trung trong lớp học.

- Nhiều trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7, hoặc liệt nửa người, hoặc liệt hai chi dưới.

- Khi bệnh u não ở trẻ đã trở nên nặng, trẻ thường lơ mơ, bán mê hoặc hôn mê.

- Khi trẻ bị u não ở hố sau, trẻ có dấu hiệu đứng không vững hay không đi được, đi lại loạng choạng, mất điều hòa động tác như quá tầm, sai hướng.

- Khi khối u phát triển ở nền sọ, vùng tuyến yên, tuyến tùng... có thể gây ra dấu hiệu như rối loạn nội tiết, đái nhạt, chậm dậy thì, lùn tuyến yên, nhi tính, phát triển không bình thường.

Các biểu hiện u não ở trẻ rất khó khám, có thể chỉ với những dấu hiệu đơn giản như nôn, đau đầu nên có nhiều trường hợp bị chẩn đoán muộn.

 Do đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý những biểu hiện sau đây của trẻ:

- Trẻ kêu đau đầu, buồn nôn, bước đi lúc nhanh lúc chậm, loạng choạng.

- Trẻ có thể nhìn không rõ, hình dạng vật khi nhìn bị méo mó.

- Tính tình trẻ trở nên trầm hoặc dữ dằn, hay cáu bẳn.

- Khi mắc bệnh, trẻ sẽ trở nên chậm lớn hoặc không tăng cân nặng, chiều cao.

- Nếu trẻ đã đi học thì sa sút chất lượng học tập, nhiều bậc cha mẹ do không biết trẻ mắc bệnh lại cho rằng trẻ mải chơi nên mới dẫn đến kết quả học tập sút kém.

- Trẻ bị biến dạng lời nói, bỗng nhiên trẻ nói ngọng, nói lắp, phát âm không như bình thường.

- Trẻ có biểu hiện mệt mỏi, hay ngủ gà gật...

Khi được phát hiện bệnh, phần lớn các trường hợp phải tiến hành phẫu thuật kết hợp với điều trị hóa chất và tia xạ. Trong quá trình điều trị trẻ phải được ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tránh những căng thẳng về thần kinh, tạo cho trẻ một môi trường lành mạnh, vui tươi.

Tuy nhiên, để điều trị u não, rất cần các bậc cha mẹ để ý đến các triệu chứng ở trẻ như đã khuyến cáo ở trên và đưa các bé đến bệnh viện để phát hiện bệnh kịp thời.

ThS.BS. Đặng Thị Thu Hằng

Khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế

CÙNG CHUYÊN MỤC
THEO DÒNG SỰ KIỆN
Thông tin Hội nghị Khoa học
Hoạt động chào mừng sự kiện

Phòng Quản trị - Cơ sở vật chất

Yêu cầu báo giá bì phim quý 2

29-03-2024
Phòng Vật tư - Trang thiết bị

Thông báo mời chào giá Mua dụng cụ phẫu thuật nội soi

25-03-2024

Tin cập nhật